Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Bước tiến nhanh chóng
Cho đến nay, NHNN đã thiết lập được hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng với hiệu năng xử lý và quy trình nghiệp vụ thanh toán hiện đại theo thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu thanh toán với dung lượng ngày càng cao của nền kinh tế. Một số phương tiện và dịch vụ thanh toán mới dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin như: Thẻ ngân hàng, Internet Banking, Mobile Banking, ví điện tử… đang dần trở nên phổ biến với khách hàng.
Nhận rõ được tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng đều nhanh chóng triển khai phát triển mạng lưới ATM, POS, gia tăng số lượng phát hành thẻ và nâng cao chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ… Theo thống kê, số lượng thẻ được đưa vào sử dụng trong năm 2011 tăng lên trên 40 triệu thẻ, toàn thị trường đã có khoảng 15.000 máy ATM tại khắp các tỉnh thành trong cả nước. Các ngân hàng cũng tích cực trong việc mở rộng phạm vi ngành hàng phối hợp lắp đặt mạng lưới POS, trong đó chú trọng các ngành kinh doanh bán lẻ như dịch vụ mua sắm, ăn uống, dịch vụ taxi, dịch vụ bán vé tàu xe… qua đó giảm thiểu việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán. Mạng lưới ATM của toàn thị trường đã liên thông với sự liên kết của các công ty chuyển mạch thẻ, giúp cho chủ thẻ của các ngân hàng có thể thực hiện các giao dịch trên ATM của các ngân hàng khác thuận lợi.
Các ngân hàng còn mở rộng hợp tác với nhiều nhà cung cấp dịch vụ để triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến, tạo cơ sở để khách hàng có thể sử dụng thẻ để mua sắm hàng hóa, dịch vụ trực tuyến, tạo thói quen mua sắm hiện đại. Mới đây nhất, Nam A Bank đã triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến Nam A Bank – One Pay để thanh toán mua vé máy bay trực tuyến, thanh toán phòng khách sạn, thanh toán vé xem phim, đặt tour du lịch và thanh toán hàng hóa trên các website đối tác của OnePay… Hay OceanBank hợp tác với các cổng thanh toán lớn như: Ngân lượng, VN Pay, Smartlink, One Pay, giúp khách hàng dễ dàng mua sắm tại các trang website tích hợp các cổng thanh toán đó.
Khách hàng cũng có thể nạp tiền điện thoại, thẻ game, mua vé máy bay, thẻ học tiếng Anh trực tuyến… và thanh toán hóa đơn của các nhà cung cấp. Các dịch vụ này còn hỗ trợ nhiều cho việc thanh toán không dùng tiền mặt. Người mua hàng có thể chuyển khoản nội bộ, liên ngân hàng tới tài khoản người bán. Với hình thức này, người nhận có thể nhận tiền ngay trong tích tắc mà không cần phải chờ tới 1-2 ngày như cách chuyển tiền truyền thống bằng số tài khoản của người nhận. Thêm vào đó, khách hàng có thể dễ dàng đăng ký thanh toán trực tuyến trên các loại tài khoản ngân hàng điện tử và thực hiện những giao dịch mua bán thông qua thương mại điện tử.
Phối hợp đồng bộ
Tuy nhiên hoạt động thanh toán trực tuyến tại Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hạn chế lớn nhất để mở rộng thị trường thẻ Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt chính là tâm lý và thói quen của người dân. Phần lớn khách hàng vốn quá quen với việc sử dụng tiền mặt nên việc sử dụng các phương tiện thanh toán phi tiền mặt, trong đó có thẻ, nhìn chung còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, các đơn vị chấp nhận thẻ dù đã ký hợp đồng với ngân hàng nhưng vẫn tìm nhiều cách hạn chế các giao dịch bằng thẻ của khách hàng như để máy cà thẻ vào nơi khuất, gợi ý và ưu tiên cho khách hàng trả tiền mặt, thậm chí còn thu thêm phụ phí đối với khách hàng thanh toán qua thẻ.
Cũng phải kể đến việc chưa đủ cơ sở để các ngân hàng tổ chức triển khai các kênh giao dịch điện tử vì chưa tạo được một cơ chế tổng hợp điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử trong ngành ngân hàng, chưa có sự chấp nhận đồng bộ giao dịch điện tử, chứng từ điện tử giữa các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan để phối hợp đồng bộ triển khai thanh toán điện tử học phí, viện phí, điện, nước, thuế…
Để khắc phục những khó khăn này, Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam đã kiến nghị hàng loạt giải pháp như nghiên cứu và áp dụng quy định bắt buộc chấp nhận thanh toán thẻ đối với các doanh nghiệp trong một số ngành nghề, lĩnh vực như bán lẻ, cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Các ngân hàng cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý rủi ro trong hoạt động thanh toán thẻ cũng như thanh toán điện tử, bảo vệ quyền lợi của ngân hàng và của khách hàng, tạo niềm tin đối với các phương thức thanh toán hiện đại. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền về tiện ích của việc sử dụng thẻ trong thanh toán cũng cần được đẩy mạnh.
Đáng chú ý là quyết định phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 của Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 12/2011 có một số biện pháp như: Ban hành chính sách ưu đãi bằng thuế đối với doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thanh toán bằng thẻ qua điểm chấp nhận thẻ; chính sách thích hợp về phí dịch vụ thanh toán; giảm mức phí dịch vụ thanh toán liên ngân hàng; quy định mức phí đối với một số giao dịch bằng tiền mặt; quy định về giao dịch mua bán bất động sản và những tài sản có giá trị lớn (ô tô, máy bay, tàu thuyền)… Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục mở rộng việc trả lương qua tài khoản đối với những đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước phù hợp với khả năng của cơ sở hạ tầng thanh toán.
Việc triển khai các biện pháp trên nhằm đạt mục tiêu đến cuối 2015 giảm tỉ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 11%, đồng thời nâng tỉ lệ người dân có tài khoản tại ngân hàng lên mức 35-40% dân số.
Và để làm được điều này, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các nhà cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến để nâng cao chất lượng dịch vụ kèm theo các chương trình quảng bá để các giải pháp dần quen thuộc và trở thành một phần thiết yếu trong đời sống hàng ngày của người tiêu dùng Việt Nam.
Thu Hằng
-
Thanh toán trực tuyến “bùng nổ”, thách thức an toàn hệ thống ngân hàng
-
Thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử: Cách nào để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng?
-
Dịch Covid-19 đang thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng
-
Các giao dịch thanh toán trực tuyến dịch vụ công sẽ được miễn phí