Dịch Covid-19 đang thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng
Sáng 20/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn "Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online".
Quang cảnh diễn đàn |
Tham dự diễn đàn có đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh doanh số (Bộ Công Thương); Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước); Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương); Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam...
Tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân. Nhất là khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen, chuyển từ mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn. Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh với 80% người tiêu dùng đã từng mua hàng online. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất là thời trang, IT và mỹ phẩm.
Theo khảo sát mua sắm trực tuyến tại Việt Nam năm 2019, mặt hàng quần áo chiếm 24%, hàng cá nhân 21%, điện tử 18%, vé máy bay, xem phim 17%, nội dung online 19%...
Hiện nay, người tiêu dùng và đặc biệt là giới trẻ đã gắn chặt với các thiết bị di động, mạng xã hội và đặc biệt thích nghi với việc mua hàng trực tuyến (với hơn 50% dân số). Bên cạnh yếu tố tiết kiệm thời gian, người tiêu dùng Việt Nam muốn đầu tư cho một cuộc sống chất lượng cao nên ngày càng thích mua sắm trực tuyến vì mức độ tiện dụng. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại công nghệ 4.0.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, hiện có khoảng 7.000 khiếu nại nói chung của khách hàng, khoảng 2.000 khiếu nại liên quan đến thương mại điện tử. Tuy nhiên, những khiếu nại này hầu hết đã xảy ra đã lâu nên khi gửi đến cơ quan nhà nước thì rất thiếu cơ chế để xử lý.
Để giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, ông Lê Đức Anh cũng cho biết, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Bộ 5 tiêu chuẩn tín nhiệm thương mại điện tử Việt Nam. Cụ thể gồm: Thanh toán đảm bảo; Dịch vụ mua hàng Frime (Vỏ hộp, Tracking); Ứng dụng chứng từ điện tử; Bảo vệ quyền lợi khách hàng; Thống kê đánh giá quá trình giải quyết khiếu nại của khách hàng.
Đánh giá về Bộ tiêu chuẩn, TS Võ Trí Thành cho rằng, thương mại điện tử đang có nhiều điểm nghẽn cần được khơi thông. Nhìn vào Bộ tiêu chuẩn có thể thấy hai câu chuyện. Một là sự tin cậy, phản ánh sự minh bạch thông tin trên thế giới số và giao dịch thực. Thứ hai, vì thiếu sự tin cậy nên ai cũng muốn mình được "nắm đằng chuôi". Bài toán đặt ra là, làm thế nào để cân bằng được lợi ích giữa các bên?
"Bộ tiêu chuẩn trên có thể thấy là rất tức thời, hy vọng sẽ có lời giải cho bài toán trên" - TS Võ Trí Thành nói.
Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đã đưa ra các giải pháp chuyển mình nắm bắt cơ hội cho các doanh nghiệp để phù hợp với thị trường công nghệ mới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng có ý kiến nhận định về những tiện ích, rủi ro mà xu hướng tiêu dùng mới mang lại cho tương lai thanh toán không dùng tiền mặt cũng như những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp.
Đức Minh
-
Tin tức kinh tế ngày 7/11: Tỷ giá USD/VND tăng cao nhất lịch sử
-
Không khoan nhượng trong “cuộc chiến” thương mại điện tử
-
Tin tức kinh tế ngày 27/10: Thanh, kiểm tra các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam
-
Online Friday 2024: Lan tỏa giá trị hàng Việt Nam trên nền tảng số
-
Kiến tạo không gian phát triển mới cho mua bán hàng hóa
-
Tin tức kinh tế ngày 14/11: Tỷ giá tăng mạnh, nhiều ngân hàng lãi lớn
-
Tin Thị trường: Bất ổn ở Trung Đông vẫn là yếu tố chính quyết định giá dầu
-
Cần những kỹ năng nào để làm việc trong môi trường đa văn hóa?
-
Adnoc gas dự báo nhu cầu khí toàn cầu tăng mạnh mẽ
-
Shell và Equinor kháng cáo các dự án dầu khí của Anh tại Biển Bắc