Đằng sau quyết định cổ phần hóa Saudi Aramco của Arập Xêút
Mặc dù trong vài tháng tới mới có quyết định cuối cùng về việc cổ phần hóa Saudi Aramco, nhưng thông tin này ngay lập tức đã cực kỳ hút sự chú ý của dư luận, bởi vụ IPO công ty năng lượng lớn nhất hành tinh này hứa hẹn sẽ là một vụ nổ “Big Bang” trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Đằng sau phi vụ này hẳn phải có những tính toán chiến lược?
Một cơ sở khai thác chế biến dầu của Saudi Aramco |
Saudi Aramco lớn cỡ nào?
Xét trên bất cứ thước đo nào, Saudi Aramco cũng không có đối thủ. Những người khổng lồ trong lĩnh vực dầu lửa như Exxon Mobil (Mỹ) hay Rosneft (Nga) cũng phải “đỏ mặt” trước sức mạnh dự trữ của Saudi Aramco. Hiện tại, hãng dầu lửa lớn nhất của đất nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới sở hữu lượng dầu dự trữ lên tới gần 267 tỉ thùng, tương đương với gần 1/4 tổng số dự trữ của thế giới, lớn gần gấp 10 lần lượng dầu dự trữ của Exxon Mobil công ty dầu lửa có giá trị niêm yết lớn nhất thị trường. Sản lượng khai thác dầu hàng ngày của Saudi Aramco là 12,5 triệu thùng dầu, cao hơn cả sản lượng mỗi ngày của tất cả các công ty dầu lửa tại Mỹ cộng lại.
Thật khó để nói quá về quyền lực của Saudi Aramco ở Arập Xêút và cả trên thị trường dầu lửa thế giới. Nhưng nếu như Saudi Aramco sẽ được bán cho đông đảo nhà đầu tư, hãng dầu lửa quyền lực nhất thế giới này sẽ được định giá là bao nhiêu?
Theo Danilo Onorino, người quản lý danh mục đầu tư của Dogma Capital SA thì chỉ dựa trên giá trị của kho dầu dự trữ và các tài sản ước tính khác, Saudi Aramco sẽ có giá trị vào khoảng 2.500 tỉ USD, đó là tính theo giá dầu ở mức cực rẻ - 10USD/thùng.
Còn nếu dựa trên giá trị thị trường của Exxon Mobil là 317 tỉ USD thì Saudi Aramco có thể được định giá lên tới hơn 3 nghìn tỉ USD.
Mục tiêu chiến lược khi cổ phần hóa Saudi Aramco
Chắc khi quốc hữu hóa Saudi Aramco vào thập niên 70 của thế kỷ trước, Hoàng gia Ảrập Xêút không nghĩ đến có ngày lại phải chia sẻ viên đá quý này với giới đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, thông tin về việc cổ phần hóa Saudi Aramco đã được xác nhận chỉ 1 ngày sau tiết lộ của Phó thái tử Mohammed bin Salman. Hãng dầu lửa này đã chính thức xác nhận rằng họ đang nghiên cứu các phương án để cho phép các đông đảo công chúng nắm cổ phần thông qua việc niêm yết một phần hoặc toàn bộ tập đoàn trên các thị trường vốn.
Vậy vì sao Arập Xêút lại cân nhắc cổ phần hóa Saudi Aramco ở giữa một trong những giai đoạn khó khăn nhất của thị trường dầu mỏ? Hay nói cách khác, mục tiêu chiến lược của phi vụ này là gì?
Áp lực tài chính là lý do đầu tiên mà ai cũng có thể dễ dàng hiểu được và hiểu ngay. Riyadh đang cạn tiền và hụt hơi trong cuộc chiến “dìm” giá dầu với Mỹ, Nga và Iran.
Là quốc gia có trữ lượng và sản lượng lớn nhất, lại giữ vị trí “trùm sò” trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Arập Xêút bị thiệt hại nhiều nhất vì giá dầu sụt giảm trong hơn 1 năm qua. Nhưng khi giá dầu giảm vì cung cao hơn cầu, thay vì nghĩ đến việc giảm số cung để giữ giá hoặc nâng giá, như nhiều thành viên OPEC đã yêu cầu, thì Arập Xêút lại chọn chiến lược khác: Tiếp tục bơm dầu cho giá hạ thêm để các doanh nghiệp Mỹ áp dụng kỹ thuật “fracking” (nứt vỉa thủy lực) để khai thác dầu từ đá phiến sẽ không còn lợi nhuận, bị lỗ và phá sản. Không chỉ Mỹ mà các đối thủ khác của Riyadh như Iran và Nga cũng sẽ bị vùi dập vì giá dầu giảm. Khi ấy, số cung sẽ giảm mà Arập Xêút vẫn giữ được thị phần của mình. Chiến lược này của Arập Xêút thực chất là cạnh tranh bằng cách phá giá.
Ban đầu, nhờ tích lũy được dự trữ ngoại hối hàng trăm tỉ USD trong thời kỳ giá dầu cao, Arập Xêút còn chịu được cú sốc giá dầu giảm. Nhưng cuộc chơi dìm giá kéo dài quá lâu đã khiến ngân sách của Riyadh liên tục thâm hụt, kéo theo những bất ổn cả về kinh tế - chính trị - xã hội. Chính phủ Ảrập Xêút phải trì hoãn nhiều dự án và phát hành trái phiếu để vay nợ lần đầu tiên kể từ năm 2007.
Thâm hụt ngân sách của Arập Xêút đã chạm mức 15% so với sản lượng đầu ra của nền kinh tế trong năm 2015, khi giá dầu giảm 2/3 so với mức đỉnh vào giữa năm 2014. Quỹ dự trữ của quốc gia này giảm liên tiếp trong 10 tháng, tính tới tháng 11/2015. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, doanh thu của vương quốc này đã thiệt hại 500 tỉ USD trong năm 2015 vì giá dầu giảm.
Chương trình ổn định xã hội bằng ngân sách, đặc biệt là các khoản tài trợ mạng lưới xã hội, nhất là tại nơi sinh hoạt của cộng đồng thiểu số theo hệ phái Shia - sống trên khu vực nhiều dầu nhất ở miền Đông. Vụ Riyadh hành quyết một giáo sĩ người Arập Xêút theo hệ phái Shia vào đầu năm nay, ngòi nổ cho cuộc chiến tranh lạnh với Iran hiện tại, cũng là một phần kết quả của cơn khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ giá dầu này.
Bên cạnh đó, với giá trị tiềm năng, triển vọng của vụ IPO Saudi Aramco không thể không gây lo lắng cho Tehran và Moskova. Một vụ IPO thành công sẽ báo hiệu rằng Arập Xêút có thể chịu được sự đau đớn về tài chính và kinh tế khi giá dầu tiếp tục sụt giảm trong một thời gian dài nữa, trong khi Iran, sau nhiều năm bị quốc tế áp đặt trừng phạt, cô lập kinh tế và tài chính và Nga - không chỉ “đau khổ” vì giá dầu giảm mà còn khó khăn hơn nhiều do lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây sẽ tiếp tục “vật vã”. Nói cách khác, Arập Xêút chấp nhận thiệt hại chỉ để dồn đối thủ của họ đến bước đường cùng và chấp nhận thua cuộc.
Một mục tiêu chiến lược của Arập Xêút hướng tới trong việc cổ phần hóa này là tăng hiệu quả hoạt động của Saudi Aramco trong giai đoạn khẩn cấp hiện nay. Cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ảrập Xêút lúc này đã không còn đơn thuần là thử sức chịu đựng nữa mà đã đi vào giai đoạn cạnh tranh thị phần trực tiếp của nhau
Linh Phương
Năng lượng Mới 491
-
Saudi Aramco dịch chuyển cấu trúc hoạt động như thế nào? (Kỳ IV)
-
Saudi Aramco dịch chuyển cấu trúc hoạt động như thế nào? (Kỳ III)
-
Saudi Aramco dịch chuyển cấu trúc hoạt động như thế nào? (Kỳ II)
-
Saudi Aramco dịch chuyển cấu trúc hoạt động như thế nào? (Kỳ I)
-
[VIDEO] Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới muốn đầu tư nhà máy lọc hóa dầu tại Việt Nam
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Petrovietnam và Zarubezhneft trao văn kiện hợp tác
-
[VIDEO] Thủ tướng đến Nga dự Hội nghị BRICS mở rộng
-
Liên doanh dầu khí Nga - Việt đã mang về cho đất nước tỷ USD
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện