Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Đáng lo ngại dược liệu Trung Quốc

07:10 | 28/03/2016

806 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế, năm 2015, cơ quan này đã kiểm nghiệm 227 mẫu dược liệu thì kết quả có tới 60% mẫu không đạt chất lượng về hàm lượng, hoạt chất, dược liệu làm giả… Vốn đã không bảo đảm do sử dụng các chất bảo quản, hóa chất độc hại trong quá trình trồng trọt… thì nay dược liệu Trung Quốc càng trở nên đáng ngại hơn, nguy hiểm hơn cho người sử dụng thay vì bồi bổ, “trị” tận gốc bệnh tật như nhiều người quan niệm. 

Chiết hết tinh chất

Mặc dù có hẳn nền tảng thuốc nam, nhưng thuốc bắc vẫn được người dân sùng tín và coi như “thần dược” bấy lâu nay. Ở Hà Nội có hẳn khu vực bán thuốc bắc như phố Thuốc Bắc, Lãn Ông... Ở TP Hồ Chí Minh có phố Hải Thượng Lãn Ông, Phùng Hưng, Triệu Quang Phục… Ở Lạng Sơn thì còn nhiều nữa khi tại các chợ Đông Kinh, Đồng Đăng, Tân Thanh tràn ngập dược liệu Trung Quốc, mua - bán dễ dàng như mua rau. Vì quan niệm và “sùng” thuốc bắc như vậy mà lượng tiêu thụ dược liệu nguồn gốc Trung Quốc rất lớn.

Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đã thống kê, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 70 nghìn tấn dược liệu, trong đó 90% là nhập khẩu từ Trung Quốc, 10% là sản xuất trong nước. Mà nhập khẩu dược liệu từ Trung Quốc thì vô cùng đơn giản không cần chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chỉ cần có đơn hàng, giấy tờ thông quan là được.

Chính vì vậy, dược liệu Trung Quốc có thể nói tung hoành ở thị trường nội địa. Điều này dễ dàng nhận thấy khi đến phố Lãn Ông, Hà Nội, nhan nhản các hàng bán dược liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhưng phần lớn dược liệu ấy khi được hỏi nguồn gốc xuất xứ ở đâu cụ thể của doanh nghiệp, cơ sở nào của Trung Quốc… thì các chủ hàng đều không trả lời được ngoài câu nói chung chung “của Trung Quốc”.

dang lo ngai duoc lieu trung quoc
Dược liệu bán tràn lan ở phố Lãn Ông - Hà Nội

Tại các chợ biên giới phía bắc cơ man các sạp hàng bao tải nọ, bao tải kia bày dược liệu để bán. Họ cũng không cần phải giấu giếm về phương thức mua bán: “Chào hàng ưng thì mua”, không cần quan tâm dược liệu ấy từ đâu mà có. Đơn giản, gọn nhẹ như đi chợ mua thịt cá, có tiền là mua được, dù là dược liệu để trị bệnh.

Năm ngoái, không phải tự nhiên mà Cục Quản lý Y dược cổ truyền kiểm nghiệm các mẫu dược liệu từ Trung Quốc. Bởi một thời gian dài, sau khi theo dõi và khảo sát, với con mắt nhà nghề họ đã phát hiện ra nhiều dược liệu như ý dĩ, hoàng kỳ, thiên ma, hoài sơn… bị làm giả bằng cách sử dụng nguyên liệu khác để làm vị thuốc này. Chính vì vậy, khi kiểm nghiệm các mẫu lấy ngoài thị trường, chất lượng các dược liệu trên đều không đạt.

Không chỉ bị làm giả, nhiều loại dược liệu có nguồn gốc của Trung Quốc còn bị chiết hết hàm lượng những tinh chất hữu dụng rồi bán “vỏ” sang Việt Nam. Như khương hoạt, nhân sâm là một ví dụ. Giới Đông y cho hay, củ nhân sâm nếu bị chiết đi 1/3 chất cũng không có gì thay đổi so với nguyên gốc về hình dạng nên rất khó nhận biết. Chỉ có kiểm định mà kiểm định cũng chỉ mang tính chất tương đối do sâm có những tinh chất chỉ định tính chứ không định lượng được nên khi mua thực sự là “tù mù”.

Cũng chính vì sự nhộm nhoạm của thị trường dược liệu Trung Quốc như vậy nên từ năm 2014 Bộ Y tế từng có công văn yêu cầu Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các bệnh viện tạm dừng sử dụng 5 loại vị thuốc: ý dĩ, thiên ma, hoài sơn, hoàng kỳ… cho đến khi nào xét nghiệm các dược liệu này có chất lượng mới tiếp tục sử dụng. Cùng thời điểm này, Tổ chức Hòa bình xanh (Green Peace) cũng đã công bố kết quả xét nghiệm 65 loại dược liệu phổ biến của Trung Quốc, trong đó có đến 50 loại dương tính với dư lượng thuốc trừ sâu.

Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương thì cho biết, chất lượng thuốc đông y trong các cơ sở khám chữa bệnh chỉ riêng của Nhà nước có tới 60% không đạt chất lượng. Trong đó 20% dược liệu còn bị trộn rác như cát, xi măng, tạp chất, dược liệu giả… Kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an đối với nguyên liệu thuốc bắc được nhập lậu còn nghiêm trọng hơn khi trong số 49 mẫu xét nghiệm, 15 mẫu có hàm lượng lưu huỳnh, asen (thạch tín) vượt quá chỉ số cho phép nhiều lần - đủ để gây bệnh chết người.

Phải siết chặt quản lý

Để siết chặt công tác quản lý nhập khẩu dược liệu đặc biệt từ Trung Quốc, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 03 về quản lý dược liệu nhập khẩu. Trong đó nêu rõ, tất cả dược liệu nhập vào Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ; đối tác cung cấp dược liệu của Trung Quốc phải là doanh nghiệp được phép kinh doanh dược liệu. Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam muốn được nhập khẩu dược liệu phải có các điều kiện: Đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu; Đạt các nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc” đối với dược liệu theo quy định tại Thông tư do Bộ Y tế kiểm tra.

Đối với các cơ sở kinh doanh dược liệu chưa đủ điều kiện nhập khẩu trực tiếp phải ký kết hợp đồng ủy thác nhập khẩu với cơ sở có đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định và tên cơ sở ủy thác nhập khẩu phải được thể hiện trên đơn hàng nhập khẩu.

Ngoài ra, cơ sở nhập khẩu dược liệu khi đăng ký tờ khai hải quan phải xuất trình bản chính và nộp cho cơ quan hải quan bản sao có đóng dấu của doanh nghiệp các giấy tờ theo quy định, gồm: Giấy phép nhập khẩu dược liệu do Cục Quản lý y, dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế cấp theo quy định; Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của dược liệu do tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về việc nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu là chứng từ điện tử thì cơ quan hải quan chấp nhận các chứng từ này.

Từ ngày 1-7-2016, dược liệu nhập khẩu trong danh mục phải có phiếu kiểm nghiệm của từng lô dược liệu của cơ sở sản xuất nếu cơ sở đó đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP), đối với cơ sở sản xuất chưa đạt tiêu chuẩn GMP thì phải có phiếu kiểm nghiệm của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Hằng năm, Bộ Y tế sẽ công bố danh mục dược liệu phải có phiếu kiểm nghiệm của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng sẽ thường xuyên hậu kiểm. Khi doanh nghiệp nhập khẩu, thông quan xong, phải báo cáo về Cục Quản lý y dược cổ truyền, nếu thấy cần thiết cơ quan này sẽ lấy mẫu kiểm tra.

Theo đánh giá của bà Trần Hồng Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, Thông tư 03 về quản lý dược liệu nhập khẩu sẽ siết chặt và quản lý chặt chẽ, hiệu quả dược liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc, hạn chế được tình trạng hàng dược liệu giả, kém chất lượng tràn vào Việt Nam. Tuy nhiên, bà Phương cũng dự đoán khi siết chặt để đảm bảo chất lượng dược liệu, chắc chắn tình trạng buôn lậu qua biên giới lại gia tăng. Vì thế, Bộ Y tế cũng đã đề nghị Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về buôn lậu (C74) và Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) phối hợp để giảm thiểu hàng nhập lậu không đảm bảo chất lượng, hàng giả vào Việt Nam.

Tại hội thảo về dược liệu sạch tổ chức cách đây không lâu, bác sĩ Lê Hùng, Phó chủ tịch Hội Đông y TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ rất thật: “Để khẳng định dược liệu sạch hay là rác bẩn, độc hại… chính các thầy thuốc cũng không thể phân biệt được. Và trường hợp lương y tử vong vì thuốc của chính nhà mình ở Bình Thuận năm 2014 đã chứng minh điều ấy. Bởi vậy, chính các thầy thuốc như chúng tôi cũng “nhát” tay khi bốc thuốc cho bệnh nhân”.

Nguyễn Bách

Năng lượng Mới số 508