Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Chuyện phiếm về rượu ngày xuân

07:00 | 12/02/2013

Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chúng ta có lúa nếp cái hoa vàng nổi tiếng, chúng ta có những nguồn nước tinh khiết xuất xứ từ những đỉnh núi thiêng, vậy mà lại không nấu được một loại rượu mà có thể coi đó là niềm tự hào của người Việt.

1. Điều gì sẽ xảy ra với thế gian này nếu như bây giờ không có rượu? Những người không uống được rượu, những người sợ bệnh tật vì rượu hẳn sẽ vui mừng, hớn hở. Các nhà lập pháp, các nhà hành pháp cũng sẽ có thể khoái chí mà rằng, từ nay tỷ lệ tội phạm do rượu, tỷ lệ người chết vì tai nạn giao thông do rượu sẽ không còn nữa. Sẽ rất nhiều bà vợ thương yêu chồng hơn, khi không phải chịu cảnh các đức ông chồng khi về nhà chân nam đá chân chiêu và hành hạ vợ con.

Thế giới có lẽ trở nên yên bình hơn nếu không có rượu.

Nhưng sẽ buồn tẻ làm sao khi trong những bữa ăn, trong các buổi tiệc tùng, người ta phải chúc nhau bằng nước lã, nước trà, hoặc bằng một thứ đồ uống ngọt nào đó. Sẽ không có những phút thăng hoa mà chỉ có rượu mới mang lại được. Và những người như Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Vương Xương Linh… rồi những Nguyễn Du, Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương và cả Bác Hồ của chúng ta nữa cũng sẽ không có những vần thơ, những áng văn để lại cho hậu thế muôn đời.

Bài thơ "Nhị vật" của Bác Hồ do nhà văn Xuân Ba thủ bút

Không phải bỗng dưng mà Lý Bạch đã từng viết:

“Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch
Duy hữu ẩm giả lưu kì danh”.

(Tương tiến tửu)

Mà một nhà thơ Việt Nam sành rượu là Đỗ Trung Lai đã dịch rất thoát:

“Đời chẳng thấy thánh hiền đâu cả
Chàng say kia thiên cổ lưu danh”.

Còn Bạch Cư Dị, một nhà thơ thời Đường có ảnh hưởng rất lớn tới nhiều nhà thơ Việt Nam (trong đó có Nguyễn Du) đã phải khen rượu đến thế này:

“Khuyến quân tam bôi, quân thủy tri
Diện thượng kim nhật lão tạc nhật
Tâm trung túy thì thắng tỉnh thì”.
(Khuyến tửu)

Tạm dịch là: “Mời anh chén thứ ba, anh phải biết rằng. Ngày hôm nay ta già hơn ngày hôm qua. Khi ta say, lòng ta sáng hơn lúc tỉnh”.

Bạch Cư Dị còn đánh giá rượu cao đến mức thế này:

“Tử hậu đôi kim trụ Bắc Đẩu
Bất như sinh tiền nhất hồ tửu”.

(Khuyến tửu)

Tạm dịch: “Khi chết rồi, vàng có chất lên đến tận sao Bắc Đẩu cũng không bằng khi sống có một bầu rượu để uống”.

Và có lẽ cũng từ ý này, Nguyễn Du đã viết:

“Sinh tiền bất tận, tôn trung tửu
Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi?”.
(Đối tửu)

Tạm dịch: “Khi sống không uống hết rượu trong bình đi. Chết rồi, ai tưới rượu lên mộ cho?”.

Rồi Nguyễn Du ước rằng:

“Bách kỳ đãn đắc chung triêu túy
Thế sự phù vân chân khả ai”.

(Đối tửu)

Tạm dịch: “Ước gì, trăm năm ngày nào cũng được say, mặc cho thế sự như mây bay qua trước mắt”.

Rồi Lý Bạch hô hào để có rượu uống cho “Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu” -  “Uống cho tan nỗi sầu vạn cổ”, thì hãy “Ngũ hoa mã, thiên kim cừu/ Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu” - “Ngựa hay, áo tốt ngàn vàng/ Mang cả vào làng đổi rượu uống chơi” (bản dịch của Đỗ Trung Lai)…

Nếu chép những vần thơ về rượu thì có lẽ phải thiên trang vạn trang, nhưng có một bài thơ của một vĩ nhân viết về rượu, đọc xong thấy buồn day dứt và thương Người vô cùng. Đó chính là bài thơ “Nhị vật” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây là bài thơ chữ Hán cuối cùng của Người viết trước khi mất, ấy là  vào tết năm 1968. Vì sức khỏe của Người không tốt nên trước đó các bác sĩ đã đề nghị Người không được hút thuốc lá và không uống rượu, dù chỉ là một chút rượu thuốc. Việc đó được đưa vào Nghị quyết của Chi bộ Đảng nơi Bác sinh hoạt và Bác đã chấp hành rất nghiêm.

Sau này, người thư ký trung thành và tận tụy của Bác là cụ Vũ Kỳ đã kể lại: Thấy Bác buồn, bần thần vì không được hút thuốc và trước khi đi ngủ cũng không được nhấp một ly rượu thuốc nhỏ, ông thương lắm. Ông nói với Bí thư Chi bộ nơi Bác đang sinh hoạt, đó là, một cán bộ người Tày đã đi theo Bác từ năm 1942 rằng, hãy để cho Bác uống một chút rượu và hút thuốc… Nhưng người Bí thư Chi bộ có tính kỷ luật rất cao và thể hiện sự trung thành với Bác bằng cách chấp hành tuyệt đối ý kiến của bác sĩ, dứt khoát không chịu.

Tết năm ấy, Bác Hồ đã viết bài thơ “Nhị vật”:

“Vô yên, vô tửu, quá tân xuân
Dị sử thi nhân hóa tục nhân

Mộng lý hấp yên, ngật mỹ tửu
Tỉnh lai cánh phấn chấn tinh thần”.

Dịch thơ:

Thuốc không, rượu chẳng có mừng Xuân
Dễ khiến thi nhân hóa tục nhân

Trong mộng thuốc thơm và rượu ngọt
Tỉnh ra thêm phấn chấn tinh thần”

(Bản dịch của Phan Văn Các - Tuyển tập Văn thơ Hồ Chí Minh - NXB Quân đội Nhân dân - 2008).

Trời ạ, một nhà thơ vĩ đại như Bác, chỉ vì không được uống rượu mà trở thành người phàm tục. Có lẽ các bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Người không bao giờ hiểu được rằng, với Bác, một chén rượu có ý nghĩa bầu bạn như thế nào.

2. Mấy năm trước, khi kinh tế Việt Nam phát triển như vũ bão (dù có một phần phát triển ảo), cái ăn, cái mặc đã dư dả thì nói như các cụ: “Phú quý sinh lễ nghĩa”, người ta bắt đầu bàn đến chuyện: nào là phải có quốc phục, rồi thi nhau chọn quốc hoa, rồi bàn đến cả quốc tửu. Quốc phục thì xem ra cho đến giờ chưa có một bộ y phục của nhà thiết kế thời trang nào xứng đáng được coi là quốc phục.

Quốc hoa thì còn có thể chấp nhận là hoa sen, mặc dù trên thế giới đã có một số quốc gia chọn hoa sen làm quốc hoa như Sri Lanka, Ấn Độ, Bangladesh, Ai Cập. Trên thế giới đã có hơn 100 nước có quốc hoa. Nhưng Trung Quốc thì chưa có. Năm 2011, việc bình chọn quốc hoa Việt Nam được tiến hành qua mạng Internet. Kết quả, hoa sen đứng đầu với 40,3%, tiếp đó là hoa mai và kế tiếp là hoa... tre. Sở dĩ không ít người chọn hoa tre là vì hoa tre 30 năm mới có một lần. Nhưng chọn hoa sen cũng xem ra thế nào ấy. Vì từ trước đến nay, người Việt ta không dùng hoa sen để đi tặng hay cắm trang trí, mà chủ yếu đặt lên... ban thờ.

Nhà văn Xuân Ba đang "múa bút"

Nhưng còn quốc tửu thì than ôi, Việt Nam chỉ có “thôn tửu”, “làng tửu”. Còn “huyện tửu”, “tỉnh tửu” cũng chưa có, chứ nói gì đến quốc tửu. Trông ra thế giới, nhiều nước có quốc tửu. Trung Quốc cạnh ta thì có Mao Đài; Hàn Quốc thì có Sochu; Nhật Bản thì có Sake. Xa hơn nữa như nước Nga có Vodka, Scotlen có Whisky, nước Pháp có Colnago, Cuba có rượu Rum. Thậm chí, ngay ở nước Lào, một quốc gia coi Phật giáo là quốc đạo, rất ít rượu chè cũng có một loại rượu mà du khách tới Lào hay mua làm quà và bây giờ tạm được gọi là quốc tửu của Lào là Kongsaden…

Còn Việt Nam ta thì có quá nhiều những loại rượu mà người làng nào cũng bảo rằng “rượu của tôi là nhất”. Nào là rượu làng Vân (Bắc Ninh), rượu Sán Lùng (Lào Cai), Pó Nậm (Cao Bằng), rượu Gò Đen (Bình Định). Rồi là rượu Mẫu Sơn, rượu Hồng Đào, rượu Phú Lễ, rượu Kim Sơn. Và có điều rất lạ là rượu Kim Sơn (Ninh Bình) dám hiên ngang in lên nhãn là “Quốc tửu”; mặc dù chả ai công nhận… Hầu như tỉnh nào, huyện nào cũng có rượu ở một vùng quê và dân cư nơi đó đều coi là “nhất”.

Nói nôm na là chúng ta chỉ có rượu làng nghề, chứ không có một loại rượu nào tạm được coi là rượu truyền thống, mang hồn cốt, phong cách của người Việt. Các loại rượu làng nghề này, thứ thì nấu bằng gạo, thứ bằng ngô, bằng sắn, thứ được ủ bằng men lá, thứ lại được ủ bằng men thuốc bắc…

Tuy hương vị mỗi thứ khác nhau, nhưng chất độc thì loại nào cũng có.

Ấy là vì rượu của ta không có công nghệ khử chất độc andehit. Nấu xong, mang uống luôn. Một số người cầu kỳ thì bảo cứ cho vào chum sành, hạ thổ đủ 3 tháng 10 ngày, mang lên uống là đã hết andehit. Họ không biết rằng, nếu ủ trong chum sành thì có 200 năm cũng không hết được andehit trong rượu. Cho nên, các loại rượu làng nghề ở Việt Nam chưng cất kiểu gì, ủ men kiểu gì thì cũng đều mang đến cho người uống một cảm giác đầu nhức như búa bổ mỗi khi quá chén. Kể cả các loại rượu được sản xuất từ các nhà máy của Nhà nước.

Gần đây, Việt Nam cũng học đòi nấu rượu vang như ở Pháp. Nhưng quả thật, thứ rượu này uống không “vô”. Nghĩ cũng buồn cho một quốc gia đông dân như Việt Nam, suốt ngày quảng cáo lắm sơn hào hải vị, nhưng khi mời khách thì không dám lấy rượu Việt Nam, mà toàn lấy rượu Tây ra uống. Nhưng lại khổ một nỗi, rượu Tây có hương vị rất thơm, cho nên dùng với đồ ăn Việt Nam, chen với các loại rau thơm, rau húng, gừng, sả, hành, tỏi, thậm chí mắm tôm, mắm tép, thứ nào cũng sực nức mùi thơm đặc trưng… xem ra thật chẳng hợp chút nào.

Cho nên, chuyện chọn quốc tửu ở nước ta thấy cũng khó như chọn một chuẩn cho tiếng Việt. Ông biết tiếng Pháp thì phiên âm theo Pháp, ông biết tiếng Anh lại phiên âm theo Anh, ông giỏi chữ Tàu thì lại dịch theo chữ Tàu. Ông nào cũng bảo mình đúng, ông nào cũng bảo mình hay và chỉ một tên địa danh mà ba, bốn kiểu phát âm khác nhau.

3. Chúng ta có lúa nếp cái hoa vàng nổi tiếng, chúng ta có những nguồn nước tinh khiết xuất xứ từ những đỉnh núi thiêng, vậy mà lại không nấu được một loại rượu mà có thể coi đó là niềm tự hào của người Việt.

Đó là một nỗi đau.

Có một người cảm nhận được nỗi đau ấy. Đó là Tiến sĩ Trương Quốc Tiến - một người đã có gần 20 năm được uống các loại rượu Tây ở trời Tây. Với một ước mơ cháy bỏng là phải sản xuất được một loại rượu mang hương vị Việt, có chất lượng tốt nhất và sẽ là món quà của người Việt với thế giới, anh đã cùng với tập thể các nhà khoa học ở Công ty CP Thực phẩm Delta lặn lội khắp các vùng nấu rượu nổi tiếng để tìm về các loại men tốt nhất.

Rồi anh đã phải đi tìm những nguồn nước tinh khiết nhất và đã tìm ra được nguồn nước dưới chân núi tổ Ba Vì.

Rồi anh và công sự đã phải sang châu Âu để tới các phòng thí nghiệm, các phòng nghiên cứu rượu hàng đầu thế giới để phân tích thành phần của các loại men của Việt Nam.

Từ đó tìm ra một công thức men phù hợp nhất để sản xuất một loại rượu mà nguyên liệu chính là gạo nếp ở vùng Hải Hậu, Nam Định.

Loại men này đảm bảo cho rượu giữ được hương vị đặc trưng của nếp cái hoa vàng.

Họ đã phải mua những công nghệ khử andehit của hãng rượu danh tiếng Ballantine's và đã đưa về Việt Nam những thiết bị ủ rượu, chưng cất và khử andehit tiên tiến nhất thế giới.

Sau nhiều năm nghiên cứu, đổ không biết bao nhiêu tiền của, cuối cùng Delta Food cũng cho ra đời được một loại rượu mang tên giản dị - Việt Xưa. Loại rượu này đã được Viện Kiểm nghiệm Berlin - CHLB Đức công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của Cộng đồng Liên minh châu Âu và đã được phép xuất khẩu sang CHLB Đức, Hà Lan, Mỹ.

Rượu Việt Xưa đã được 20 cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài dùng làm rượu tiếp khách, đã được một số cơ quan của Đảng, Nhà nước dùng làm rượu chiêu đãi và làm quà tặng.

Sẽ rất nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng, rượu Việt Xưa đã có những loại được bán với giá cả ngàn đôla một chai. Nghe giá cả này, hẳn rất nhiều người ngạc nhiên và chắc chả mấy người dám mua.

Ngày Xuân, có câu chuyện phiếm về rượu như vậy.

Như Thổ