Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt: Doanh nghiệp cần phải được cảnh báo rủi ro
PV: Thưa ông, về những tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, gần đây ông có phát biểu rằng “chúng ta chưa đánh giá được sự thiệt hại của nền kinh tế sau dịch Covid-19”, vậy theo ông thì nền kinh tế của chúng ta đã và sẽ tổn thất như thế nào?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Chúng ta chưa đánh giá được tổn thất kinh tế vì tất cả những diễn biến có tính chất tổn thất không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Việt Nam là một nền kinh tế hội nhập một cách triệt để, thậm chí có những lúc chúng ta cởi mở một cách hơi thái quá, các hàng rào kỹ thuật không được để ý, cho nên chúng ta chưa có đủ các công cụ để điều tiết hậu quả tiêu cực của toàn cầu hóa.
Những thiệt hại về nguồn thu và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam diễn ra ở các thị trường mà chúng ta đang bán hàng như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Thí dụ, những diễn biến ở thị trường Trung Quốc khiến chúng ta mất gần hết khách du lịch hoặc gây ra những khó khăn, ách tắc trong việc xuất khẩu hoa quả qua biên giới… Hiện nay truyền thông bắt đầu nói đến những nỗi lo không xuất khẩu được trái vải sang Trung Quốc trong khi mùa thu hoạch đến nơi rồi.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group |
Sự thiệt hại của nền kinh tế Việt Nam đang nằm ở các diễn biến trên thị trường mà chúng ta bán hàng hoặc nhập hàng. Nhưng chúng ta không phân tích hết được những thiệt hại có thể xảy ra tại các thị trường này. Chúng ta chưa biết được sau khi khôi phục lại sinh hoạt bình thường thì người Trung Quốc có vui vẻ đến nước ta du lịch như trước đây không, có vui vẻ ăn thanh long và dưa hấu của chúng ta không… Tất cả những chuyện ấy chúng ta không có tư liệu để đánh giá. Thí dụ, chúng ta từng có nhiều hợp đồng làm khẩu trang, nhưng không có nguyên liệu để sản xuất vì lâu nay chúng ta phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc. Tất cả những vấn đề như vậy xã hội phải có thời gian mới tìm được cách khắc phục, thay thế.
Thị trường châu Âu còn tệ hại hơn, tất cả các nền kinh tế châu Âu đều có vấn đề và họ chưa ra khỏi dịch bệnh cho nên không thể giao lưu thương mại bình thường với người Việt được. Dịch bệnh ở Trung Quốc, ở Mỹ, ở châu Âu…, ở khắp thế giới làm cho công nghiệp hàng không của chúng ta bế tắc. Tất cả các hãng hàng không bao gồm hàng không nhà nước, hàng không nửa nhà nước hoặc hàng không tư nhân đều không có khách.
Như vậy là chúng ta biết rất rõ rằng sự thiệt hại mà nền kinh tế Việt Nam phải gánh chịu diễn ra ở các thị trường trên thế giới, nơi chúng ta làm ăn buôn bán chứ không diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam nên rất khó đoán định. Ngay cả với những nước gần gũi với chúng như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không thể dự đoán được.
Đấy là chưa kể diễn biến kinh tế thế giới còn phụ thuộc phần lớn vào diễn biến tâm lý chính trị của các nhà lãnh đạo chiến lược của thế giới. Những vấn đề chính trị của thế giới như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ thế nào trong điều kiện dịch bệnh? Liệu các quốc gia này sẽ lôi kéo chúng ta như thế nào? Ảnh hưởng của các diễn biến ấy đến các quyết sách chính trị, kinh tế của các chính phủ tại các thị trường liên quan đến sự phát triển kinh tế Việt Nam ra sao? Rất khó để đánh giá vào lúc này.
Bây giờ thì chúng ta buộc phải nghiên cứu cả những diễn biến kinh tế tự nhiên, phi âm mưu, lẫn những diễn biến kinh tế chịu ảnh hưởng của các tâm lý chính trị, âm mưu chính trị. Tôi kêu gọi tất cả các cơ sở nghiên cứu của chúng ta lưu ý đến các diễn biến như vậy. Đặc biệt, nếu Ban Kinh tế Trung ương không tham gia vào quá trình nghiên cứu các diễn biến tâm lý chính trị toàn cầu thì chúng ta không mô phỏng được tương lai của nền kinh tế và rất khó xây dựng chính sách. Một khi lúng túng trong việc xây dựng chính sách thì chúng ta không thể thấy được triển vọng sắp tới của kinh tế Việt Nam.
Một số tổ chức quốc tế có đưa ra những con số dự báo, thí dụ năm nay Việt Nam có thể chỉ đạt tăng trưởng 2,5% GDP. Những chuyện như vậy làm cho Chính phủ chúng ta đôi lúc phải có những tuyên bố, những khẳng định. Tôi nghĩ việc ấy đôi khi không cần thiết. Điều cần thiết là chúng ta phải có phán đoán của mình đối với tương lai của mình, bằng sự hiểu biết rõ đối với diễn biến của các thị trường ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 |
PV: Ông từng nói về sự không phân biệt rõ ràng giữa hỗ trợ mang tính chất xã hội với hỗ trợ kinh tế. Theo ông, trong bối cảnh này, Chính phủ của chúng ta cần hướng tới một gói hỗ trợ kinh tế như thế nào?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ hỗ trợ kinh tế phải xuất phát từ việc nghiên cứu các diễn biến của nền kinh tế, mô phỏng lại thực tế kinh tế của chúng ta sau dịch bệnh. Từ đó chúng ta mới có thể xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế. Còn gói mấy chục ngàn tỉ là chỉ để chữa triệu chứng chứ không phải chữa căn nguyên, giống như cách thế giới đang lần mò chữa bệnh do SARS-CoV-2 gây ra mà không có thuốc đặc trị.
Nền kinh tế hậu Covid-19 của chúng ta chưa có thuốc đặc trị, chưa có “bác sĩ kinh tế”, mới chỉ có những người phỏng đoán một cách định tính, có thể đúng và có thể sai. Nếu xây dựng chính sách trên cơ sở các phỏng đoán phi khoa học, ngoài khoa học thì sẽ rất nguy hiểm. Nếu kinh tế diễn biến xấu hơn thì chúng ta sẽ không kịp chuẩn bị lực lượng để cứu trợ. Bây giờ chúng ta ngăn chặn các chuyến bay đến Việt Nam, nhưng rất nhiều quốc gia cũng ngăn chặn các chuyến bay từ Việt Nam tới nước họ, vậy chúng ta giải quyết vấn đề kinh tế hàng không thế nào? Nếu người ta ngăn chặn lâu hơn dự báo của chúng ta và lâu hơn sức chịu đựng của chúng ta thì liệu Chính phủ có tiền để cứu trợ các hãng hàng không? Nếu các hãng hàng không phá sản thì lấy lực lượng nào để xây dựng những hãng mới khi thị trường hàng không nhộn nhịp trở lại?
PV: Với tư cách lãnh đạo một doanh nghiệp, xin cho biết nhìn nhận của ông về tình hình doanh nghiệp Việt Nam hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh tạm thời được kiểm soát?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Cần phải phân biệt vai trò của các tập đoàn lớn với vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là tự doanh, quy mô vốn liếng không lớn, nhưng nếu nó phát triển tốt thì sẽ trở thành một trụ cột quan trọng của xã hội, giúp giải quyết công ăn việc làm, giải quyết vấn đề thu nhập của người dân. Đấy chính là nền tảng của một xã hội yên ổn. Các doanh nghiệp này tuy không tạo ra những thành tích chính trị nhưng tạo ra sự yên ổn, tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập và tạo ra năng lực thị trường của xã hội Việt Nam.
Hình như chúng ta chưa có sự chú ý thích đáng đối với khu vực này vì quá mải mê săn đuổi thành tích phát triển, các mối liên lạc quốc tế, hội nhập… Địa vị của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong truyền thông, trong sự tranh đua chính trị là thấp, làm cho xã hội không nhận ra khu vực ấy đóng góp lớn đến đâu cho sự ổn định chính trị, một yếu tố cực kỳ quan trọng đối với Đảng ta. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra sự ổn định chính trị bởi vì nó tạo ra sự ổn định thu nhập của xã hội. Tôi coi các doanh nghiệp loại này là lực lượng của kinh tế bản thể (kinh tế nội địa), nó tạo ra đối trọng để cân bằng với các khuynh hướng phát triển như vũ bão của hội nhập, làm bệ đỡ an toàn khi nền kinh tế của Việt Nam gặp phải sóng to gió lớn của toàn cầu hóa.
PV: Như thế nào thì được gọi là “sự chú ý thích đáng” theo quan điểm của ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Trước đây, chúng ta tạo ra các tập đoàn kinh tế nhà nước với hy vọng nó sẽ trở thành các quả đấm thép. Nhưng không may chúng ta lại có những kết quả như Vinashin, Vinalines... Với các quả đấm thép, nhà nước đã thất thoát rất nhiều tiền vốn. Vì muốn giải phóng mình ra khỏi nỗi lo, muốn giải phóng bớt gánh nặng trách nhiệm của chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp nhà nước nên Chính phủ chúng ta tiến hành một cách ồ ạt quá trình cổ phần hóa và dồn các doanh nghiệp này ra khu vực tư nhân. Chúng ta tưởng rằng Chính phủ thoát khỏi trách nhiệm quyết toán kinh doanh thì cũng thoát khỏi trách nhiệm đối với những thiệt hại trong đầu tư, nhưng thực tế thì không phải thế.
Chúng ta dường như quên mất rằng cả nhà nước và tư nhân đều sử dụng nguồn tín dụng của đất nước. Chính phủ có thể không phải chịu trách nhiệm nếu doanh nghiệp tư nhân mất mát tín dụng, nhưng tín dụng mất mát thì năng lực xã hội mất mát, mà năng lực xã hội mất mát thì Chính phủ bị tước vũ khí để tạo ra sự phát triển. Cho nên, mặc dù Chính phủ không phải chịu trách nhiệm về sự thua lỗ của doanh nghiệp tư nhân, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về sự mất mát trong sử dụng tín dụng của tất cả các khu vực kinh tế khác nhau. Thí dụ, với hình thức đầu tư BOT, chúng ta tưởng giảm bớt được gánh trách nhiệm cho Chính phủ trong việc quản lý các dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhưng cuối cùng kiểm điểm lại thì hầu hết các BOT đều sử dụng tín dụng trong nước. Mà tín dụng chính là “nguồn năng lượng” thuộc quyền điều hành chính trị của Chính phủ, nó mà có vấn đề thì Chính phủ không có công cụ phát triển kinh tế.
Khu vực tư nhân chỉ giải phóng Chính phủ ra khỏi các trách nhiệm quyết toán hoạt động kinh doanh. Nếu mục đích là để giải quyết khâu này thì vẫn có các biện pháp khác mà không cần chuyển đổi sở hữu. Thí dụ, thuê các nhà điều hành tư nhân vận hành các doanh nghiệp này và vẫn giữ nguyên hình thức sở hữu nhà nước. Vì lâu nay chúng ta vẫn coi các doanh nghiệp nhà nước là công cụ thuần túy nhà nước nên đã không nghĩ đến những cách thức như vậy.
Chớ nhầm lẫn rằng thay đổi hình thức chủ sở hữu là bớt đi được trách nhiệm. Các quan chức có thể không đi tù, các bộ trưởng có thể không phải ra tòa nếu dự án đó hay doanh nghiệp đó đổ bể, vì trách nhiệm hạch toán kinh doanh đã chuyển sang tay tư nhân. Nhưng đấy chỉ là một mặt của vấn đề, mặt liên quan tới tòa án, tới tố tụng hình sự. Mặt thứ hai là việc sử dụng tiền vốn bừa bãi gây mất cân đối toàn bộ năng lượng xã hội phục vụ cho phát triển kinh tế, mặt này là vấn đề của nền kinh tế quốc dân, là vấn đề của hệ thống chính trị.
Không kiểm soát được tính chính xác, tính khoa học và tính minh bạch trong việc sử dụng nguồn vốn xã hội thì đấy là lỗi lầm chính trị. Tại sao các doanh nghiệp tư nhân lớn hay làm từ thiện? Bởi vì họ biết rất rõ những rủi ro trong mỗi một dự án kinh tế họ tạo ra, họ muốn chuẩn bị dư luận dự phòng cho các tình huống xấu, thông qua các hoạt động từ thiện. Nhiều khi chúng ta rất cảm động về việc làm từ thiện của họ, thậm chí có cả hiện tượng một số chức sắc tôn giáo ca ngợi những hoạt động từ thiện của khu vực tư nhân và lấy đó làm cơ sở đề nghị ân xá cho những lỗi lầm của một số đối tượng. Cái đó cũng không đáng trách, bởi vì họ cũng thật thà, họ nghiên cứu tôn giáo chứ đâu có nghiên cứu kinh tế học.
Đây là một vấn đề lớn. Tôi nghĩ đến lúc cần cảnh báo rằng sử dụng bừa bãi nguồn vốn là tạo ra rủi ro cao cho nền kinh tế Việt Nam, rủi ro cho cả uy tín chính trị của Nhà nước.
PV: Điểm trọng yếu nào cần lưu tâm trong việc cảnh báo rủi ro, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi là người không thích chỉ trích các tập đoàn kinh tế nhà nước theo kiểu trước đây chúng ta vẫn làm. Thật ra, người ta giao cho nó các nhiệm vụ lớn hơn khả năng của nó. Quá trình giao nhiệm vụ là một quá trình rất dễ gây ảnh hưởng tới năng lực cân đối khoa học của các dự án kinh tế. Một số tập đoàn đổ vỡ là do họ phải xử lý mâu thuẫn giữa năng lực tự thân, giữa nguồn vốn họ có với đòi hỏi chính trị mà Nhà nước đặt lên vai họ.
Chưa thấy ai phân tích đầy đủ các khía cạnh này. Mới chỉ có các phân tích về các nhân vật chiến lược trên khía cạnh hình sự. Hệ thống các cơ quan rất cố gắng đưa những nhân vật kiểu này ra tòa rồi vào tù để trừng trị, răn đe, nhưng vào tù rồi có khi họ vẫn không hiểu lỗi của mình là gì.
Lỗi của những nhân vật như vậy chính là họ nhận các nhiệm vụ có cấu trúc mất cân đối nghiêm trọng. Họ mới chỉ ra tòa và nhận những lỗi hình sự. Có thể cần một phiên tòa chính trị nội bộ nào đó mới cho họ thấy được sự mất cân đối trong các hành vi chính trị. Xã hội mà không nhận thức được tính mất cân đối trong hành vi chính trị của các Bộ trưởng, hoặc của các Tổng giám đốc, Chủ tịch các tập đoàn chiến lược như vậy thì đấy là lỗi của chính trị. Với những gì diễn ra công khai trong các phiên tòa, thông qua các vụ án được khởi tố thì tôi không nghĩ các bị cáo ấy đã hiểu những sai lầm của mình. Nhưng vấn đề chính bây giờ không còn nằm ở các bị cáo đã ra tòa nữa. Giờ này họ hiểu hay không hiểu cũng không còn quan trọng. Quan trọng là phải làm thế nào để những người kế tục họ hiểu, nếu không thì rất khó để các khuyết điểm dạng này được khắc phục. Đây là phân tích cấu trúc các lỗi chiến lược của các nhân vật chiến lược trong đời sống phát triển kinh tế.
PV : Xin cảm ơn ông!
Minh Loan
-
Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp
-
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024
-
ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,0% trong năm 2024
-
Hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2024
-
Ngoại lực của kinh tế Việt Nam
-
Áp thuế suất GTGT 5%, giá phân bón có dư địa giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/11: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp
-
VPI dự báo giá xăng dầu tiếp tục giảm từ 0,3 - 1,6% trong kỳ điều hành ngày 21/11
-
Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt
-
Tin tức kinh tế ngày 18/11: Cua ghẹ Việt Nam “đắt hàng” tại Trung Quốc