Chủ tịch nước: Số tiền "chôn" trong tài sản tham nhũng lớn lắm!
Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại phiên thảo luận của đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM. |
Phát biểu thảo luận tại đoàn TPHCM, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí phân tích, điểm nghẽn lớn với nền kinh tế hiện nay chính là những dự án đầu tư đến 2-3 nhiệm kỳ rồi vẫn đắp chiếu, như 12 dự án ngành công thương. Tiền đã rót vào những dự án dang dở đó, ông Trí chỉ rõ, hiện vẫn đọng đó, vẫn mất tiếp chi phí khấu hao.
Đại biểu TPHCM đề nghị cần báo cáo lên các cơ quan Trung ương để có quyết sách chính trị giúp tháo gỡ những vướng mắc đó, giải phóng nguồn lực cho đất nước.
"Nhất thiết cần tập trung tháo gỡ những dự án trọng điểm đắp chiếu" - ông Trí nhấn mạnh.
Viện trưởng Lê Minh Trí phân tích, quá trình xử lý những vụ án tham nhũng, kinh tế vừa qua, nhiều vụ đã qua bước truy tố, xét xử, bản án tuyên có hiệu lực thi hành rồi, đều có nội dung thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát nhưng thực tế không thi hành được. Ông Trí chỉ ra chỗ vướng khiến tài sản không thể thu hồi về cho nhà nước vì hầu hết các tài sản đó đã qua sang nhượng, nhà nước cũng phải bảo vệ quyền lợi của chủ thể thứ 3, thứ 4 trong vụ việc.
Theo ông, những người mua tài sản sau khi vụ tham nhũng xảy ra thì vừa ngay tình vừa hợp pháp, nếu nhà nước can thiệp sẽ gây thiệt hại rất lớn cho những chủ thể này, mà nếu không thì thiệt hại rất lớn của nhà nước không thể khắc phục được.
Viện trưởng VKSND tối cao mong muốn Chính phủ có cuộc họp để thống nhất với các cơ quan tư pháp về hướng tháo gỡ cho những vụ án này, để giải tỏa tài sản, tăng thêm nguồn lực đầu tư cho đất nước.
"Mục đích lớn nhất của chống tham nhũng là thu hồi tài sản của nhà nước nhưng thực tế thường chỉ là thu… trên giấy, tài sản thật không lấy về được vì người thứ 3 đã mua lại, đã thành chủ sở hữu hợp pháp rồi. Đó là những người thứ 3 ngay tình. Tôi xin nói là nhiều chục ngàn tỷ đồng, thậm chí hàng trăm ngàn tỷ đồng đang nằm trong số tài sản đó, cần cố gắng tháo gỡ bằng cơ chế, chính sách, quyết sách chính trị" - ông Trí quả quyết.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là đại biểu Quốc hội thuộc đoàn TPHCM. |
Đồng tình với ý kiến của ông Lê Minh Trí, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (cùng đoàn đại biểu TPHCM) thốt lên "số tiền đó lớn lắm".
Chủ tịch nước dẫn chứng: "Riêng ở Đà Nẵng, Vũ "nhôm" gom không biết bao nhiêu đất. Tài sản công, tiền nhà nước bị rút ruột ở đây nhiều lắm mà cơ quan chức năng chưa xử lý được vì liên quan đến người thứ 3 ngay tình".
Tương tự, ở nhiều tỉnh thành lớn khác trên khắp cả nước, trong đó có Hà Nội, Chủ tịch nước cho biết, cũng có hàng trăm dự án, tài sản "treo" ở dạng này.
"Vấn đề này lãnh đạo nhà nước chúng tôi cũng day dứt lắm, phải tính tháo gỡ làm sao để thêm nguồn lực cho phát triển" - Chủ tịch nước bày tỏ.
Ông cũng phân tích thêm, cơ chế hiện nay là tiền thu về đất đai được để lại 100% cho địa phương nên tỉnh thành nào cũng tranh thủ khai thác quỹ đất để có nguồn thu, đó là việc dẫn đến nguy cơ thất thoát tài sản, nguồn lực lớn. Nghịch lý, theo Chủ tịch nước là, "bán đất thu tiền" không phải và không thể là nguồn thu cơ bản, đáng ra cần phải sử dụng tiết kiệm đất đai để phục vụ khai thác và phát triển lâu dài.
Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng cảnh báo, cả nước chống tham nhũng quyết liệt, đồng bộ và làm được nhiều vụ việc lớn nhưng lãng phí hiện cũng rất "khủng", ở phạm vi quốc gia. Chống lãng phí, tiết kiệm nguồn lực, theo Chủ tịch nước, là xu hướng Chính phủ và Quốc hội đã khẳng định, nhất là trong bối cảnh dịch dã khó khăn như này.
"Tôi đã nói nhiều với anh em Bộ Tài chính về tình trạng Covid-19 gây khó khăn cho người dân rất lớn. Thực sự là người dân đang bị bào mòn trong dịch. Chưa bao giờ chúng ta có trở ngại lớn như vậy trong phạm vi quốc gia, nhất là ở TPHCM. Doanh nghiệp cũng khó khăn lắm. Nhiều ngành, lĩnh vực mấy năm tích lũy được đôi chút giờ tiêu pha hết rồi. Cần có nhiều chính sách, nhiều gói hỗ trợ hơn nữa để trợ lực cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi dần quốc kế dân sinh" - Chủ tịch nước khuyến cáo, việc khắc phục hậu quả của Covid-19 phải mất một số năm, không thể nhanh được, Chính phủ cần tính toán kỹ nguồn lực để lo việc này.
Theo Dân trí
-
Cần sửa đổi, hoàn thiện Luật số 69 để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn
-
Một điểm nghẽn cần phải khơi thông
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đề xuất các giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP HCM
-
Công tác nhân sự được thực hiện chặt chẽ, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường