Chiến tranh Ukraine ảnh hưởng đến kinh tế châu Á như thế nào?
Các nước đang phải chịu sức ép rất lớn về giá lương thực, năng lượng. Các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp đang hoang mang lo lắng. Trước báo giới, lãnh đạo IMF phát biểu: “Tóm lại, chúng ta đang bị tác động khủng khiếp của cuộc chiến tranh ở Ukraine. Chúng ta thấy cuộc chiến có thể sẽ có tác động đến tương lai kinh tế toàn cầu”.
Ngay từ khi chiến tranh Ukraine chưa xảy ra, IMF và Ngân Hàng Thế Giới (WB) đã dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm từ 5,9% năm 2021 xuống 4,4% trong năm 2022.
Kinh tế Nga bị suy giảm vì các trừng phạt ồ ạt của phương Tây, nhưng các nước ra lệnh trừng phạt cũng thiệt hại không nhỏ. Các chuyên gia đều nhận định, châu Âu sẽ là nơi bị tác động rõ nhất. Tăng trưởng kinh tế sẽ giảm và lạm phát gia tăng không kiểm soát được, vì giá cả nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng vọt.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc, dù vẫn duy trì quan hệ làm ăn với Nga, cũng sẽ bị thiệt hại bởi cuộc chiến tranh Ukraine. Ngày 11/3, tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã dự báo khó có thể duy trì được mức tăng trưởng cao trong thời gian tới và đây là thách thức lớn cho Trung Quốc. Bắc Kinh đã đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 5,5%. Đây là tốc độ thấp nhất từ 30 năm qua của Trung Quốc. Năm ngoái Trung Quốc đạt tăng trưởng 8,1% .
Bên lề phiên họp Quốc hội, được AFP đặt câu hỏi, Thủ tướng Trung Quốc tránh không trả lời về tác động có thể của cuộc chiến tranh Ukraine đối với kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine, với 1/3 lượng ngô nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Ukraine.
Cuộc chiến tranh Ukraine có thể gây hệ lụy lớn về kinh tế toàn cầu, tuy nhiên châu Á là khu vực ít bị ràng buộc về kinh tế với Nga hay Ukraine.
Theo Ngân hàng Thế giới, cả Nga và Ukraine chỉ chiếm 1,5% xuất khẩu và 2,5% nhập khẩu của châu Á. Một số nước thì cố không để làm hỏng quan hệ lịch sử hoặc chiến lược với Moscow. Indonesia, Malaysia hay Myanmar là những khách hàng mua vũ khí, thiết bị quân sự thường xuyên của Nga. Ấn Độ thì không muốn gây rắc rối quan hệ với Mowcow, ít nhiều cũng có ích trong cục diện địa chính trị khu vực.
Mặt khác nhiều nước châu Á không muốn tham gia vào cuộc đấu giữa phương Tây và Nga. Hình ảnh về một Tổng thống Putin “cứng rắn” vẫn cuốn hút không ít các lãnh đạo như ở Myanmar, Thái Lan hay Philippines.
Nh.Thạch
AFP