Châu Âu hồi sinh than đá đối phó với cuộc khủng hoảng khí đốt
Theo Washington Post, Pháp, Italy, Áo và Hà Lan đã công bố kế hoạch tái khởi động các nhà máy điện than cũ. Song kế hoạch của Đức được cho là lớn nhất. Theo đó, nước này sẽ cho phép 21 nhà máy điện than hoạt động trở lại hoặc tiếp tục hoạt động trước ngày đóng cửa dự kiến trong 2 mùa đông tới.
Động thái này là một phần trong nỗ lực của toàn châu Âu để từ bỏ khí đốt Nga và phá vỡ sự kìm hãm năng lượng của Tổng thống Nga Putin. Mặc dù, điều này có thể thúc đẩy cuộc đua năng lượng tái tạo của Liên minh châu Âu, nhưng năng lượng hóa thạch vẫn tiếp tục được coi là giải pháp nhanh nhất.
Theo đó, châu Âu sẽ phải nhập khẩu nhiều than hơn từ các nhà cung cấp Nam Phi và Australia. Các chuyên gia cảnh báo Đức có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong việc hoàn thành các mục tiêu về khí hậu do hồi sinh các nhà máy điện than.
Tuy nhiên, chính phủ Đức gọi việc hồi sinh than đá này là một bước đi khó khăn nhưng cần thiết và cam kết đây chỉ là bước đi tạm thời.
Đức và một số nước châu Âu khác đang xem xét sử dụng nhiều than hơn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang đè nặng (Ảnh: The Washington Post). |
Nhu cầu than tăng cao khiến cho giá than đang tăng vọt. Các chuyên gia dự đoán tiêu thụ than toàn cầu dự kiến sẽ trở lại mức kỷ lục đã đạt được cách đây 10 năm nếu cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng tiếp tục.
Theo CNBC, giá than nhiệt sử dụng cho các nhà máy điện đã tăng khoảng 170% so với cuối năm ngoái, và đặc biệt tăng mạnh kể từ sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra. Tuy nhiên, ngược lại, than cốc, loại than dùng để sản xuất thép, lại có lượng giao dịch thấp hơn.
Báo cáo mới đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cảnh báo, tiêu thụ than toàn cầu sẽ tăng 0,7% trong năm nay và đạt mức kỷ lục thiết lập vào năm 2013 với giả định nền kinh tế Trung Quốc phục hồi như dự kiến vào nửa cuối năm nay.
Theo IEA, tiêu thụ than trên toàn thế giới đã tăng trở lại khoảng 6% trong năm ngoái khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau cú sốc đại dịch Covid-19. Trong đó, trọng tâm của việc gia tăng nhu cầu sử dụng than là do thiếu hụt khí đốt khi châu Âu tiến hành giảm dần sử dụng khí đốt Nga, trong khi Nga đáp trả bằng cách cắt giảm nguồn cung cho châu lục này.
IEA cho biết tiêu thụ than ở châu Âu được dự báo sẽ tăng 7% trong năm nay, sau khi tăng 14% trong năm ngoái. "Điều này được thúc đẩy nhờ nhu cầu trong lĩnh vực sản xuất điện, nơi than đang ngày càng được sử dụng để thay thế khí đốt, do nguồn cung của loại nhiên liệu này đang ngày càng thiếu hụt và trải qua đợt tăng giá lớn sau cuộc chiến tại Ukraine", báo cáo của IEA cho biết.
Theo IEA, một số nước EU đang kéo dài tuổi thọ của các nhà máy than dự kiến đóng cửa hoặc mở cửa trở lại các nhà máy đã đóng cửa hay nâng giới hạn giờ hoạt động để giảm lượng tiêu thụ khí đốt. Ngoài ra, việc tẩy chay than Nga cũng gia tăng áp lực lên giá than.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 24/11: Việt Nam tăng nhập khẩu hàng điện tử Trung Quốc
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11