Lo khủng hoảng năng lượng, châu Âu trì hoãn tung thêm "vũ khí" vào dầu Nga
Với vị thế cường quốc năng lượng, các động thái của Nga đều có tác động tới thị trường toàn cầu (Ảnh minh họa: Reuters). |
Financial Times đưa tin, chính phủ các nước châu Âu đang kìm bớt các nỗ lực làm khó Nga xuất khẩu dầu ra thế giới, trước những lo ngại rằng giá dầu thô có thể tăng phi mã và nguồn cung toàn cầu có xu hướng thiếu hụt.
Cụ thể, châu Âu đã trì hoãn kế hoạch đẩy Moscow ra khỏi thị trường bảo hiểm hàng hải của Anh, cũng như cho phép một số chuyến hàng dầu của Nga ra thị trường quốc tế.
Hai tháng trước, EU đã công bố lệnh cấm trên toàn thế giới đối với việc cung cấp bảo hiểm hàng hải cho các tàu chở dầu của Nga. EU kỳ vọng, Anh - trung tâm của ngành bảo hiểm hàng hải toàn cầu - sẽ tham gia vào nỗ lực này để làm khó hoạt động xuất khẩu dầu của Nga. Tuy nhiên, cho tới nay, Anh vẫn chưa có động thái tương tự dù sự tham gia của London được xem là có vai trò then chốt, đảm bảo lệnh cấm có hiệu quả với Nga.
Trong khi đó, vào cuối tháng 7, EU cũng đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế giao dịch với các công ty nhà nước của Nga, với lý do lo ngại về an ninh năng lượng toàn cầu.
Theo Financial Times, một lệnh cấm chung giữa Anh và EU đối với bảo hiểm hàng hải về lý thuyết sẽ tạo thành hạn chế toàn diện nhất cho đến nay đối với dầu của Nga, chấm dứt khả năng tiếp cận phần lớn đội tàu chở dầu toàn cầu cho hàng hóa xuất khẩu của Moscow.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng lệnh cấm toàn cầu ngay lập tức đối với bảo hiểm hàng hải sẽ đẩy giá dầu tăng vọt khi hàng triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Nga rút ra khỏi thị trường.
Các quan chức châu Âu và Anh nói với Financial Times vào tháng 5 rằng, Anh đã đồng ý phối hợp với EU để thi hành lệnh cấm bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga.
Tuy nhiên, trong lệnh cấm vận mới nhất Anh áp lên Moscow hồi tháng 7, London chỉ cấm cấp bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga tới Anh, và chỉ sau ngày 31/12.
Lệnh cấm bán bảo hiểm cho tàu chở dầu Nga của EU vẫn đang có hiệu lực sau khi được cấp ngày 4/6, nhưng sẽ không có quá nhiều ý nghĩa nếu thiếu sự tham gia của Anh.
Mặt khác, EU đã sửa đổi một phần các biện pháp trừng phạt của chính họ để cho phép các công ty châu Âu giao dịch với một số đơn vị thuộc sở hữu nhà nước của Nga, ví dụ như Rosneft, với mục đích vận chuyển dầu đến các nước ngoài khối.
EU giải thích, động thái của họ nhằm "tránh bất cứ hậu quả tiêu cực tiềm ẩn nào đối với an ninh lương thực và năng lượng trên toàn thế giới".
Giờ đây, Mỹ và các đồng minh châu Âu đang thúc đẩy việc áp giá trần cho dầu Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc này dường như khó thực hiện vì nếu Nga ngắt nguồn cung dầu để trả đũa, giá dầu thế giới sẽ tăng phi mã. Với vị thế là cường quốc năng lượng, các động thái của Nga trong vài tháng qua đều khiến thị trường phản ứng mạnh mẽ.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên