Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Chặng cuối của chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ 2012: Bang đỏ, bang xanh

07:00 | 17/10/2012

1,083 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chỉ vài tuần nữa là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chính thức được tổ chức nhưng tất cả kết quả thăm dò cho đến nay đều không trùng khớp ở số bang mà mỗi ứng cử viên có thể giành được lá phiếu đại cử tri. Số bang còn lại (không xác định chính xác, tính đến thời điểm này) - gọi là swing state (bang có khả năng thay đổi) hoặc battleground state (bang chiến địa), tức những bang chưa quyết định bỏ phiếu (đại cử tri) cho người nào - và đây mới chính là những bang tạo ra kịch tính vào phút chót…

“Tử chiến” tại những bang chiến địa

Chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ đã bắt đầu vào chặng nước rút. Tất cả giờ đây đều tập trung tổng lực giành lá phiếu đại cử tri (tổng các bang có 538 lá phiếu đại cử tri và ứng cử viên cần ít nhất 270 lá phiếu đại cử tri mới đắc cử; cụ thể, California có 55 lá phiếu đại cử tri, Texas có 38, New York 29, Pennsylvania 20...). Tổng quát lịch sử Mỹ có những bang có truyền thống theo Cộng hòa (được xếp vào nhóm bang đỏ) và những bang có khuynh hướng theo Dân chủ (nhóm bang xanh). Cũng có không ít bang mà tại đó, lá phiếu đại cử tri chưa xác định được và người ta gọi đó là những bang chiến địa. Đây chính là những bang có thể quyết định ai là Tổng thống Mỹ. Do vậy, cuộc chiến giành ủng hộ từ những bang chiến địa luôn căng thẳng và quyết liệt…

Dù thất thế trước ông Mitt Romney trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên nhưng Tổng thống Barack Obama vẫn nhỉnh hơn đối thủ trong hầu hết cuộc thăm dò mới nhất

Bang chiến địa luôn chứng kiến chiến dịch vận động ráo riết nhất trong mùa bầu cử tổng thống. Ứng cử viên hai đảng dồn tất cả chiến thuật tranh cử vào các bang này, nhằm giành sự ủng hộ từ những lá phiếu còn phân vân và lưỡng lự. Lịch sử văn hóa - xã hội Mỹ cho thấy, có một số bang gần như luôn có chính kiến Cộng hòa và một số bang có truyền thống Dân chủ. Do đó, ứng cử viên Cộng hòa gần như không cần đổ mồ hôi tại các bang trung thành Cộng hòa lâu năm như Texas và họ cùng lúc gần như nắm chắc thất bại tại Massachusetts, nơi vốn có “tinh thần” Dân chủ lâu đời (cũng có vài bang không tuân theo luật bất thành văn về truyền thống chính trị như nói ở trên, chẳng hạn Maine). Những bang nổi tiếng thuộc nhóm bang chiến địa gồm Illinois, New York (hai bang từng đóng vai trò quyết định trong kết quả bầu cử 1888), Ohio và đặc biệt Missouri (liên tục thay đổi chính kiến từng mùa bầu cử); ngoài ra, còn có Oregon, New Mexico, Iowa, Minnesota, Wisconsin, New Hampshire, Florida, Pennsylvania, Iowa, Michigan, Nevada…

Các bang có khả năng theo Cộng hòa được tô màu đỏ và bang có khuynh hướng ngả theo Dân chủ được tô màu xanh. Thoạt đầu, việc tô màu được các hãng tin thực hiện nhằm giúp độc giả dễ quan sát và phân biệt rõ bang nào có khuynh hướng nghiêng theo đảng nào. Hai màu này ban đầu được dùng luân phiên cho hai đảng trong mỗi mùa bầu cử. Mùa bầu cử 2000, đến lượt Cộng hòa sử dụng màu đỏ và Dân chủ màu xanh. Sau đó, người ta ấn định (không thay đổi) màu đỏ cho Cộng hòa và xanh cho Dân chủ. Các bang đỏ thường tập trung ở phía nam và hạ, trung, tây trong khi bang xanh tập trung ở bờ biển Thái Bình Dương và tây bắc. Những bang “cực đỏ” là Alaska, Idaho, Indiana, Kansas, Nebraska, Oklahoma, South Dakota, Utah, Virginia và Wyoming (chưa từng bỏ phiếu cho bất kỳ ứng cử viên Dân chủ nào từ năm 1964 đến nay); những bang “rất đỏ” là Alabama, Mississippi, North Carolina, North Dakota, South Carolina và Texas (chưa từng bỏ phiếu cho Dân chủ từ năm 1976).

Các bang đỏ có vài yếu tố khác bang xanh. Họ có khuynh hướng theo chính kiến bảo thủ, sống bằng nông nghiệp, nghèo hơn và có ít con em tốt nghiệp đại học nhưng cung cấp đa số binh lính cho quân đội Mỹ. Bang đỏ cũng có khuynh hướng sùng đạo hơn (hầu hết theo Thiên chúa giáo). Trong khi đó, các bang “cực xanh” là California, Washington, Oregon, Hawaii, New Jersey, New York, Maryland, Connecticut, Massachusetts, Wisconsin, Minnesota, Vermont… Họ có khuynh hướng theo chính trị tự do (“liberal” - thuật từ được hiểu trong chính trị Mỹ ám chỉ thành phần chủ trương thiên tả). Hầu hết bang xanh là đô thị phát triển, có thu nhập bình quân đầu người cao và sinh hoạt văn hóa đa dạng.

Vài bang chiến địa trọng yếu mùa 2012

Với Ohio, bang này thật sự là một trong những điểm nóng nhất mùa bầu cử năm nay (như nhận xét của Eric Rademacher, Giám đốc Tổ chức Thăm dò Ohio thuộc Đại học Cincinnati), bởi không chỉ số phiếu đại cử tri đáng kể (18) mà còn là “lịch sử” thay đổi chính kiến xoành xoạch (suốt từ năm 1964 đến nay, Ohio luôn thay đổi ở mỗi mùa bầu cử tổng thống). Bang nằm ở miền trung tây nước Mỹ này, dù có diện tích nhỏ (đứng thứ 34 của nước Mỹ với dân số khoảng 11,5 triệu), là nơi có nhiều tập đoàn kinh tế lớn (Goodyear, Wendy’s, Office Max, Owens-Corning, P&G, Sherwin Williams, Smucker’s, Kroger, Macy’s…), cũng đóng góp đáng kể cho công nghiệp nước Mỹ (khí thiên nhiên, than, thép) và cả nông nghiệp. Năm 2004, Ohio từng trở thành bang trọng điểm giúp George W. Bush tái đắc cử.

Tuy nhiên, năm 2006, cử tri Ohio lại bỏ phiếu cho hai gương mặt Dân chủ (Ted Strickland cho ghế thống đốc và Sherod Brown ghế thượng nghị sĩ). Lịch sử Cộng hòa cho thấy, họ chưa bao giờ chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng mà không thắng tại chiến địa khốc liệt Ohio. Bang có thể chứng kiến nhiều kịch tính nữa là Virginia (13 lá phiếu đại cử tri). Chưa ứng cử viên tổng thống Dân chủ nào làm nên chuyện tại Virginia kể từ chiến thắng ngoạn mục của Lyndon Johnson năm 1964 và đây cũng là bang miền Nam duy nhất ủng hộ Cộng hòa năm 1976. Tuy nhiên, bang này bắt đầu “phản” phe Cộng hòa khi bầu cho một gương mặt Dân chủ vào ghế thống đốc năm 2005 (Tim Kaine). Năm sau, Jim Webb (Dân chủ) cũng thắng George Allen (Cộng hòa) trong cuộc chạy đua giành ghế thượng nghị sĩ; rồi năm sau nữa Dân chủ lại đại thắng trong cuộc bầu cử thượng viện cấp tiểu bang. Bây giờ, người ngồi ghế Thống đốc Virginia lại là một ông Cộng hòa (Robert Francis McDonnell, đắc cử năm 2010)... Ngoài ra, còn có Colorado (9 lá phiếu đại cử tri) cũng nổi tiếng là bang hay thay đổi. Trong mùa bầu cử 2008, Obama đã thắng tại Colorado, đánh bại ứng cử viên John McCain với gần 9 điểm.

Tổng quát, các bang chiến địa năm nay có thể kiểm soát tổng cộng khoảng 120 lá phiếu đại cử tri. Trong mùa bầu cử 2004, ông George W. Bush thắng ông John Kerry với tỉ lệ 286/252 phiếu đại cử tri. Năm 2008, ông Barack Obama đã giành 349 phiếu đại cử tri so với 163 của ông John McCain. Thời điểm hiện tại, theo Reuters (7/10/2012), ứng cử viên ông Mitt Romney gần như ngang ngửa với ông Barack Obama tại Florida và Virginia trong khi thua ông Obama 3 điểm tại Ohio; cùng lúc, ông Romney lại nhỉnh hơn đối thủ tại hai bang mà ông Obama từng giành chiến thắng năm 2008: Indiana và North Carolina. Tổng quát, theo tổng hợp kết quả thăm dò của hàng chục hãng tin trên Real-ClearPolitics.com, ông Obama đang trội hơn ông Romney khá đậm ở tỉ lệ lá phiếu đại cử tri. Romney cần phải thắng ít nhất 8 trong 12 bang chiến địa từng rơi vào tay ông Obama năm 2008 - đó là những nơi có khuynh hướng ủng hộ Dân chủ trong mùa năm nay như California, New York, Illinois và Pennsylvania. Tổng kết sơ bộ có thể thấy, ông Obama dường như đang nắm trong tay 247 lá phiếu đại cử tri của các bang California, Connecticut, Delaware, Maine, Massachusetts, Minnesota…; trong khi ông Romney có khả năng nắm 180 lá phiếu đại cử tri từ các bang Alabama, Alaska, Arizona, Mississippi, Texas…

Tính quyết định của lá phiếu đại cử tri

Dân Mỹ bỏ phiếu chọn tổng thống (vote for president) nhưng họ không thật sự bầu tổng thống (elect president). Năm 1787, những người soạn Hiến pháp cho rằng, dân chúng không đủ khôn ngoan để đánh giá đức hạnh ứng cử viên tổng thống và họ cũng bác bỏ ý kiến cho rằng, ghế tổng thống nên được Quốc hội quyết định. Vì vậy, họ thành lập cử tri đoàn (electoral college), như một cách dàn xếp giữa hai chọn lựa trên (để dân chúng bầu trực tiếp hoặc để Quốc hội quyết định). Chính các đại cử tri (elector) trong cử tri đoàn mới thật sự là những người quyết định ghế tổng thống chứ không phải cử tri phổ thông (voter).

Bang đỏ, bang xanh trên bản đồ chính trị nước Mỹ

Hiến pháp cho phép các bang chọn đại cử tri. Thoạt đầu, đại cử tri được chỉ định bởi các nhà làm luật tại bang và cuối cùng được chính thức chọn làm đại cử tri bởi sự ủng hộ của các nam công dân thuộc hàng có tên có tuổi của các bang khác. Dần dần, các đảng phái ở từng bang tự đứng ra chọn đại cử tri. Tuy điều này dẫn đến tình trạng đại cử tri có thể thiên vị (từng bị báo chí phản đối nhiều) nhưng luật không cấm. Đại cử tri sẽ tập trung lên thủ phủ bang mình để bỏ phiếu bầu tổng thống, sau khi cuộc bầu cử phổ thông được thực hiện vào tháng 11. Có 26 bang không yêu cầu đại cử tri phải bỏ phiếu cho tương ứng với lá phiếu phổ thông và có 19 bang (trong đó có khu vực Washington DC) buộc đại cử tri phải bỏ phiếu tương ứng với lá phiếu phổ thông. Tuy nhiên, không ai phạt vạ gì khi đại cử tri không tuân thủ điều trên. Chỉ 5 bang có luật phạt đại cử tri không tuân thủ luật này nhưng mức phạt không đáng kể (Oklahoma chẳng hạn, mức phạt là 1.000USD).

Mỗi bang có số đại cử tri tương đương số thượng nghị sĩ và dân biểu của bang mình trong Quốc hội. Tổng cộng, số đại cử tri được phân phối hiện nay là 538, vì Quốc hội có 435 dân biểu và 100 thượng nghị sĩ (ba đại cử tri cộng thêm thuộc khu vực Washington DC, được thêm vào theo Tu chính luật 23rd ra đời năm 1961). Ứng cử viên phải giành được 270 lá phiếu đại cử tri mới đắc cử tổng thống. Sự phân phối kiểu này được gọi là “electoral map” (bản đồ đại cử tri) và được điều chỉnh theo từng thập niên. Chẳng hạn, từ năm 1981-1990, Florida có 21 lá phiếu đại cử tri; từ năm 1991-2000 có 25; từ năm 2001-2010 có 27; và hiện tại thì có 29. Nói cách khác, việc thành lập cử tri đoàn mang ý nghĩa đem lại công bằng cho các bang nhỏ ít dân (nơi lá phiếu phổ thông ít) ngang với các bang lớn đông dân, vì bang nào cũng có đại cử tri.

Tuy nhiên, bang có dân số đông cũng có nhiều phiếu đại cử tri hơn! Vì vậy, các bang lớn luôn có tính quyết định cho cuộc chạy đua giành ghế tổng thống. Năm 1888, ứng cử viên Dân chủ Grover Cleveland có 48,6% phiếu phổ thông trong khi đối thủ Cộng hòa Benjamin Harrison có 47,8% phiếu phổ thông nhưng cuối cùng ông Benjamin Harrison vẫn đắc cử vì ông có 233 phiếu đại cử tri so với 169 phiếu đại cử tri của Cleveland. Năm 2000, ông Al Gore thắng ông George W. Bush ở lá phiếu phổ thông - 49.222.339 so với 48.999.451 phiếu - nhưng ông Bush giành đa số ủng hộ từ đại cử tri, đặc biệt tại bang Florida, nơi em trai ông Bush ngồi ghế thống đốc.


Ngọc Trí

(Năng lượng Mới số 164, ra thứ Ba ngày 16/10/2012)