Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, dự báo kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá
Nhận định này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2018.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được dự báo không ảnh hưởng đến tăng trưởng Việt Nam. |
Kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng khá
Báo cáo cho biết, kinh tế thế giới có nhiều biến động trong tháng 8/2018 bởi mối quan hệ căng thẳng giữa các nước lớn trong việc xác định vị thế mới của các nước này trong bối cảnh mới, như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và các nước đồng minh, giữa Mỹ và Nga,…
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang. Ngày 23/8/2018, Mỹ áp mức thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Sau hai ngày đàm phán (ngày 22- 23/8), Mỹ và Trung Quốc đều không đạt được thỏa thuận nào giúp chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giá cả hàng hóa thế giới diễn biến phức tạp theo tình hình của cuộc chiến tranh thương mại và cuộc khủng hoảng tài chính tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù vậy, kinh tế của Việt Nam được dự báo vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá.
Ngày 21/8/2018, Moody’s đã đánh giá Việt Nam nhiều khả năng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,4% trong giai đoạn 2018-2022, giúp ổn định tình hình nợ công của Việt Nam, năng lực cạnh tranh được cải thiện, dòng chảy thương mại lành mạnh và tiêu dùng trong nước ở mức cao.
Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý III và cả năm 2018 sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới, tăng trưởng thương mại toàn cầu, từ tiến trình xúc tiến đàm phán các FTA.
Tuy nhiên, theo Bộ này, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm vẫn còn hết sức nặng nề, đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục nỗ lực, tập trung chỉ đạo thực hiện.
Cụ thể, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến căng thẳng thương mại Trung - Mỹ và động thái của các đối tác thương mại và đầu tư chính; nghiên cứu, đánh giá tác động và khả năng ứng phó của Việt Nam. Có biện pháp ngăn chặn gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc.
Đối với lạm phát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để bình ổn giá cả thị trường những tháng còn lại của năm 2018 cần theo dõi diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, xử lý các vấn đề phát sinh khi thị trường có biến động bất thường. Đồng thời, một số hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng, nhất là giá dầu thô đang diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, cần chủ động công tác truyền thông để không gây tâm lý kỳ vọng lạm phát, bất ổn trên thị trường ngoại hối. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Tiếp tục thông tin định kỳ với thị trường về công tác điều hành tỷ giá.
Đối với ngân sách nhà nước, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần thực hiện nghiêm kỷ luật chi NSNN; đẩy mạnh các giải pháp nhằm giảm bội chi ngân sách, tăng thu ngân sách qua chống thất thu thuế, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách.
Cùng với đó, tiếp tục ưu tiên cải cách môi trường kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong nông nghiệp, cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bám sát diễn biến thời tiết để kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ở những vùng thường xuyên bị thiên tai như Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
Mục tiêu tăng trưởng 6,7% hoàn toàn khả thi
Nhận định về dự báo tăng trưởng Việt Nam, ông Nguyễn Bích Lân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, mục tiêu 6,7% là khá cao của nền kinh tế Việt Nam.
Ngay từ đầu năm Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-6,7% và Quốc hội phê duyệt 6,7%. Với bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm, với những yếu tố năng lực mới tăng của nền kinh tế, chỉ đạo của Chính phủ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư vào Việt Nam, kịch bản tăng trưởng từng quý và từng nội dung thì mục tiêu 6,7% hoàn toàn có tính khả thi.
"Chúng tôi đã xây dựng từng ngành trong quý III tăng bao nhiêu và từng ngành tăng bao nhiêu, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ có giải pháp điều hành cụ thể để đạt được mục tiêu cho từng quý.
Biện pháp đưa ra là kiên trì ổn định kinh tế vỹ mô qua chính sách tài chính tiền tệ linh hoạt, đồng thời có động lực cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư. Chính sách tài khóa cố gắng làm sao cho chi tiêu thường xuyên, chi tiêu công đầu tư hiệu quả, sớm giải ngân và hoàn thành các dự án lớn". - ông Lân nói.
Về vấn đề thị trường, theo ông Lân, các bộ, ngành cố gắng tạo ra sản phẩm tốt, tìm kiếm các thị trường tốt, độ mở nền kinh tế của Việt Nam khá cao, tổng giá trị xuất nhập khẩu/GDP là 200% nên tăng trưởng Việt Nam còn phụ thuộc vào thương mại toàn cầu.
Còn theo nhìn nhận của PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, ngay quý I, GDP đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong 10 năm gần đây khi ở mức 7,38%, so với quý I/2017 là 5,15%, quý I/2016 là 5,48%, quý I/2015 là 5,12%.
Tiếp tục, quý II/2018, GDP tăng 6,79%, tính chung 6 tháng đầu năm tăng 7,08% cao nhất 7 năm qua. Tuy nhiên, ngay trong quý I/2018 khi GDP tăng rất cao tới 7,38%, nhưng Thủ tướng Chính phủ đã cho rằng cả năm 2018 có thể tăng trưởng GDP thấp hơn kỳ vọng. Điều này cho thấy Chính phủ chú trọng nhiều hơn đến ổn định vĩ mô và tập trung hơn nữa cho cải cách, hàm chứa tình hình thế giới cực kỳ bất thường theo hướng tiêu cực, làm cho dự báo tăng trưởng GDP giảm xuống.
"Môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng được đánh giá rất tốt. Xếp hạng của Thornton về môi trường đầu tư của Việt Nam hết quý I/2018 cho thấy, mức độ hấp dẫn đầu tư so với các nước ASEAN đứng thứ nhất. Việt Nam vẫn tạo ra niềm tin về đầu tư từ những cải cách đã làm trong năm 2017.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cho rằng sự thiếu minh bạch và nhất quán trong các quy định, thủ tục đầu tư là rào cản lớn nhất khi đầu tư tại Việt Nam. Cảnh báo này là đúng. Năm nay, cải thiện đầu tư công vẫn rất chậm". - ông Thiên nói.
Theo ông Thiên, sự tăng trưởng của Việt Nam năm 2018 đang bị lo ngại từ các xu hướng bất ổn đang xuất hiện, nguy cơ lặp lại khủng hoảng tài chính thế giới chu kỳ 10 năm (khủng hoảng tiền tệ Đông Á năm 1997 - 1998 và khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2008).
Việc điều hành và năng lực của Chính phủ đã tốt hơn với những kinh nghiệm về khủng hoảng trước đó. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng. Tác động tài chính của cuộc chiến này mới là câu chuyện thiết thực nhất. Do đó, dự báo của Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, GDP bình quân trong giai đoạn 2018 - 2020 có thể ở mức 6,85%.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 7% trong năm 2018 | |
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng ra sao tới kinh tế Việt Nam | |
ADB: Kinh tế Việt Nam 2018 tiếp tục tăng trưởng cao |
-
Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp
-
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024
-
ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,0% trong năm 2024
-
Hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2024
-
Ngoại lực của kinh tế Việt Nam
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện cho Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4