Cận cảnh đại công trường Metro "chạy nước rút về đích"
Hoàn thiện các nhà ga ngầm trước 30/4
Ghi nhận tại công trường nhà ga Ba Son (quận 1) và nhà ga Nhà hát TP HCM vào trưa 11/3, hàng trăm công nhân và kỹ sư đang khẩn trương làm việc dưới cái nắng rát khó chịu của Sài Gòn tháng 3.
Phía trên nhà ga, các thiết bị công trình vẫn hoạt động hết công suất để hoàn thiện các hạng mục hệ thống thoát nước, tái lập mặt đường, vỉa hè… để trả lại mặt bằng thông thoáng cho tuyến đường Lê Lợi. Bên dưới mặt đường này là đoạn ngầm của tuyến Metro 1 đi qua.
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM (MAUR, chủ đầu tư tuyến Metro số 1), hiện công tác thi công tái lập như phá vỡ sàn tạm, cắt tường vây, đắp cát, cống thoát nước... bên trên ga Nhà hát TP (đường Lê Lợi đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Pasteur) đang được khẩn trương thi công nhằm hoàn thành công việc tái lập dự kiến trước ngày 30/4. Đồng thời, các tầng ngầm bên dưới nhà ga, công tác kiến trúc và cơ điện vẫn đang được nhà thầu tiếp tục hoàn thiện.
Nhà ga Nhà hát Thành phố gồm 4 tầng ngầm. Đây là đoạn ngầm độc đáo khi xuyên qua lòng trung tâm TP HCM giữa hàng chục công trình cao tầng vây kín xung quanh.
Còn tại nhà ga Ba Son, công việc thi công hoàn thiện kiến trúc, cơ điện của các tầng ngầm bên dưới và công tác tái lập cảnh quan tạm thời bên trên (thảm cỏ, hệ thống cống thoát nước mặt, đường, vỉa hè...) cũng đang được nhà thầu khẩn trương thi công. Dự kiến, cuối tháng 4/2021, công việc tái lập và hoàn thiện tầng B1 sẽ cơ bản hoàn thành.
Nhà ga Ba Son có chiều dài 240m, chiều rộng trung bình khoảng 35m gồm 2 tầng ngầm với độ sâu -17m dưới lòng đất. Tầng 1 là khu vực tiếp cận hành khách như sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động, phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách. Tầng 2 là sân ga, nơi tàu dừng, đỗ để đón và trả khách. Ga Ba Son có 5 lối lên và xuống để hành khách tiếp cận với đoàn tàu.
MAUR cho biết sẽ tiếp tục phối hợp, đôn đốc nhà thầu thi công phấn đấu, dự kiến hoàn thành cơ bản gói thầu CP 1b (ga Nhà hát TP và ga Ba Son) vào cuối tháng 5/2021, nhưng MAUR đang cố gắng để hoàn thành trước 30/4. Tính đến đầu tháng 3/2021, khối lượng tích lũy của gói thầu CP 1b đã ước đạt 93,36%.
Xử lý sự cố phút chót
Theo MAUR, tính đến tháng 3/2021, về cơ bản, dự án đang đi đến giai đoạn cuối, chuẩn bị hoàn thành. Tuy nhiên, một sự cố đáng tiếc đã xảy ra vào phút cuối khiến dự án tuyến metro đầu tiên của thành phố phải chậm trễ một thời gian.
Cụ thể, vào ngày 30/10/2020, qua kiểm tra hiện trường, tổ kiểm tra đã phát hiện gối cao su (gối trái theo hướng tuyến từ Bến Thành đi Suối Tiên) sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí trụ P14-10 thuộc phân đoạn cầu cạn VD14 bị mất ổn định rơi khỏi đá kê gối không rõ nguyên nhân (đã lắp dầm vào năm 2016).
Tổng thầu là liên danh SCC đã xử lý xong việc đặt gối thay thế đảm bảo ổn định cho dầm trong thời gian xem xét, đánh giá nguyên nhân của sự việc.
Qua quá trình xác minh, chủ đầu tư phát hiện 2 gối cao su lắp trên công trình nhẹ hơn 9kg. Theo hồ sơ thiết kế, hai gối cao su có trọng lượng 126,1kg nhưng thực tế hai gối lắp đặt tại công trình có trọng lượng 117 kg.
Trong quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện thêm 1 gối cao su dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu, thuộc đoạn giữa ngã tư Bình Thái và ngã tư Thủ Đức, tại trụ VD12-34.
Tháng 1/2021, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra công trình Metro số 1 và kết luận sự cố thuộc trách nhiệm của tổng thầu SCC. Chủ đầu tư được yêu cầu tiếp tục kiểm tra hiện trạng, sớm xác định nguyên nhân, khắc phục và đánh giá mức độ ảnh hưởng an toàn chịu lực, tuổi thọ công trình...
Tiến trình giải quyết sự cố cũng khó khăn khi các bên chưa hợp tác tích cực. Sau đó, tổng thầu đã thừa nhận việc chế tạo gối cầu có dung sai không đạt khiến việc lắp đặt không như yêu cầu thiết kế được duyệt.
Theo chủ đầu tư, đến nay đã hơn 4 tháng từ ngày xảy ra sự cố rơi gối cầu tại khu vực VD14, tổng thầu gói CP2 vẫn chưa bố trí đầy đủ nhân sự nhằm tập trung giải quyết các yêu cầu. Sau nhiều tháng chưa xác định rõ nguyên nhân sự cố nên liên danh SCC đã đề xuất tư vấn độc lập vào cuộc. Đến đầu tháng 3/2021, MAUR đã đồng ý với đề xuất này.
Đại diện chủ đầu tư cho biết đang tích cực đôn đốc để phía tổng thầu phải khắc phục sự cố an toàn, đảm bảo chất lượng dự án như cam kết và nhanh chóng để hoàn thành tiến độ dự kiến.
Đẩy nhanh đào tạo nhân lực vận hành
Song song với những gói thầu đang triển khai thi công, để thúc đẩy tuyến Metro số 1 về đích như tiến độ, đưa vào vận hành tháng 12/2021, MAUR cũng vừa đề xuất UBND TP HCM sớm chấp thuận các nội dung trong phụ lục hợp đồng số 19 (hợp đồng dịch vụ tư vấn chung) là kết quả đàm phán giữa MAUR và Liên danh NJPT.
Nhà ga sắp xong, tàu đã có, toàn tuyến cũng chuẩn bị hoàn tất thì khâu nhân sự vận hành là vô cùng quan trọng, phải đảm bảo có nhân sự đạt chất lượng ngay đúng thời điểm toàn tuyến hoàn thiện mới có thể vận hành thử nghiệm và đưa vào khai thác kịp tiến độ.
Theo MAUR, từ tháng 4/2017 đến nay chưa ký kết phụ lục hợp đồng số 19 do các điều kiện khách quan, ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn đối với quá trình thực hiện nhiệm vụ của Liên danh tư vấn NJPT cũng như tiến độ dự án tuyến Metro số 1.
Vì chậm trễ việc ký phụ lục hợp đồng số 19 mà công tác đào tạo học viên lái tàu metro số 1 bị ngưng từ tháng 11/2020. Các học viên được đào tạo trở thành kỹ thuật viên lái tàu đã hoàn thành 8/19 môn học tại trường Cao đẳng Đường sắt nhưng nay phải nghỉ học chờ quyết định của thành phố.
Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho biết, dự án chuẩn bị đưa vào vận hành cuối năm nay và đến nay đã đạt 82% tổng khối lượng. Để đạt được kết quả như trên, trong suốt năm 2020, Ban Quản lý Đường sắt đô thị và các tổng thầu đã sát cánh nhằm đảm bảo hoàn thành "mục tiêu kép".
"Chúng tôi đã thực hiện liên tục và chặt chẽ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn bộ công trường của dự án. Cùng với đó là sự nỗ lực, sáng tạo tìm các giải pháp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 trên toàn cầu, cố gắng đảm bảo tiến độ dự án trên cơ sở luôn đảm bảo an toàn, chất lượng dự án", ông Thanh nói.
Do đó, tập thể Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM cũng như các đơn vị thi công, nhà thầu đều mong mỏi những bước cuối của dự án trọng điểm này sẽ thuận lợi, kịp về đích vào cuối năm 2021 và đưa vào khai thác từ năm 2022.
Theo Dân trí
-
Kiều hối chảy về TP HCM đạt kỷ lục
-
[Chùm ảnh] Toàn cảnh tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên
-
TP HCM: Khai mạc Hội thi tay nghề thanh niên năm 2024
-
Đề xuất các giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP HCM
-
TP HCM sẽ xóa bỏ hoàn toàn hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia vào cuối năm 2025
-
Quy định mới về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục
-
Thiết kế nội thất Nhà ga hành khách sân bay Long Thành thể hiện tính dân tộc, văn hóa, truyền thống
-
Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
-
[Video] Cảnh sát biển Việt Nam - Indonesia luyện tập chung trên biển
-
Nhiều khoảng trống pháp lý trong quản lý thuốc lá điện tử và nung nóng