Cần cảnh báo đỏ về kiểm soát chất lượng thực phẩm
Liên quan đến việc một số sản phẩm của Công ty Acecook và Công ty Thiên Hương bị một số quốc gia châu Âu bắt thu hồi gần đây do chứa chất cấm (EO), Bộ Công Thương đã đưa ra một số khuyến cáo đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, trong đó nhấn mạnh việc kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng.
Mì khô của Công ty Thiên Hương bị cảnh báo có chất Ethylene Oxide |
Trong công nghiệp sản xuất thực phẩm hiện nay, khâu kiểm soát chất lượng là khâu có tính sống còn của doanh nghiệp. Bởi vậy nhiều người cho rằng việc đưa ra cảnh báo ở thời điểm này là... động tác thừa. Nhưng thực tế cho thấy trong những năm qua, từ những vụ việc lùm xùm trong nước như "sữa bột có chứa melamin", "sữa học đường có chứa chất cấm", hay "nước mắm có thạch tín"... thì không thể vội vàng đưa ra phán xét về một sản phẩm nào nếu thiếu bằng chứng khoa học hay cơ sở pháp lý.
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, nhiều mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc ở nhiều quốc gia, kể cả sản xuất tại các nước trong liên minh châu Âu (EU) đã bị cảnh báo về hàm lượng hợp chất EO vượt quá giới hạn dư lượng cho phép trong thực phẩm theo quy định của EU.
Tới thời điểm này, các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến EO. Các sản phẩm có chứa EO bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, bao gồm các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, thảo mộc, kem, món tráng miệng, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến từ cacao...
Mặc dù EU đã cấm sử dụng trong nông nghiệp và khử trùng trong quá trình sản xuất thực phẩm, nhưng vẫn phát hiện ra dư lượng EO trong thực phẩm ngay cả khi được sản xuất ở những nước trong khối EU. Hiện nay, các chức trách của EU đang tiếp tục thảo luận để tìm ra nguyên nhân của việc xuất hiện và tồn dư hợp chất này trong thực phẩm nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới cũng như được sản xuất ngay tại một số quốc gia trong khối EU.
Trong khi đó, hiện nay, nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp/thực phẩm hay dư lượng của chất này trong thực phẩm. Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm cũng chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với sự chênh lệch rất lớn.
Bộ Công Thương cho biết, đã có một số sản phẩm của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng EO khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Đặc biệt, đây là những loại sản phẩm có nhiều cấu phần như mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt... Những sản phẩm này có thể có chuỗi cung ứng gồm nhiều nhánh nhỏ dành riêng cho các cấu phần khác nhau trước khi được đóng gói trong sản phẩm cuối cùng.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng cần được coi là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm. Song song với việc thường xuyên rà soát, đánh giá quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng về mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, doanh nghiệp cần kiểm tra định kỳ các sản phẩm và nguyên liệu, đặc biệt là các cấu phần thuê mua gia công/sản xuất để đánh giá nguy cơ, kiểm soát nhằm giảm thiểu mức độ rủi ro.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo điều kiện sản xuất, bảo quản và vận chuyển nguyên vật liệu và bao bì không phát sinh mối nguy.
Doanh nghiệp luôn phải có ý thức bảo đảm an toàn thực phẩm. |
Liên quan đến quy định EO trong sản xuất nông nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, hiện Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép hoặc cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng...
Vì vậy, trong trường hợp này, mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác. Đây là một yếu tố các doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản sản xuất trước khi xuất khẩu.
Những ngày qua, Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công thương) đang khẩn trương xác minh thông tin về việc sản phẩm mì Hảo Hảo xuất khẩu, miến Good xuất khẩu của công ty Acecook và mì khô vị bò gà của công ty Thiên Hương được cho là phát hiện có chất cấm. Chính phủ cũng có văn bản yêu cầu Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 7/9 về vụ chất cấm trong mì Hảo Hảo xuất khẩu.
Có thể thấy rằng, việc xác minh chất cấm trong mỳ, miến hay bất cứ sản phẩm thực phẩm công nghiệp nào cần phải có thời gian và sự thận trọng. Không được phép suy đoán trước khi có kết luận và bằng chứng khoa học đầy đủ nhưng cũng không nuông chiều, che dấu cho bất cứ doanh nghiệp nào vi phạm về an toàn thực phẩm. Bởi một loại "thực phẩm bẩn" không chỉ đe dọa an toàn sức khỏe, tính mạng của con người mà còn ảnh hưởng đến uy tín của cả nền kinh tế Việt Nam.
Tùng Dương
-
Thúc đẩy chuyển đổi xanh trong sản xuất nông sản, thực phẩm sang EU
-
Bộ Công Thương: Không tích trữ nhu yếu phẩm để chia sẻ với đồng bào vùng lũ
-
Tổng cục QLTT kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa từ Tết Trung thu đến hết năm 2024
-
Tăng cường điều tra, xử lý nghiêm các vụ buôn bán thực phẩm lậu
-
Xanh hóa bao bì thực phẩm: Kiểm soát chất lượng và nắm bắt xu hướng
-
Tin tức kinh tế ngày 18/11: Cua ghẹ Việt Nam “đắt hàng” tại Trung Quốc
-
Vì sao vàng không còn “lấp lánh” sau chiến thắng của Donald Trump?
-
VPBank lọt Top 10 Doanh nghiệp vốn hóa lớn có Quản trị công ty tốt nhất năm 2024
-
Agribank đẩy mạnh cho vay qua tổ vay vốn - tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng
-
Bắc Giang dẫn đầu về tốc độ tăng IIP 10 tháng