Các đợt sóng nhiệt không còn là chuyện bất thường
Theo phân tích nhanh của tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu World Weather Attribution, các đợt sóng nhiệt tháng 7 ở châu Âu và Bắc Mỹ gần như không thể xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu. Nhưng các sự kiện nắng nóng đó không còn bất thường nữa do sự nóng lên bởi việc đốt nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động khác của con người.
Các đợt sóng nhiệt sẽ gây nguy hại đến sức khỏe của con người. |
Nghiên cứu trên được thực hiện bởi bảy nhà nghiên cứu thuộc World Weather Attribution, bao gồm các nhà khoa học từ các trường đại học và cơ quan khí tượng ở Hà Lan, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
Theo đó, trong tháng 7/2023, Nam Âu, một số khu vực của Hoa Kỳ, Mexico và Trung Quốc đã trải qua những đợt sóng nhiệt với nhiệt độ trên 45°C, dẫn đến cảnh báo nhiệt, cháy rừng và số ca nhập viện liên quan đến nhiệt và tử vong gia tăng.
Biến đổi khí hậu đã làm cho các đợt sóng nhiệt trở nên nóng hơn, kéo dài hơn và thường xuyên hơn. Để định lượng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nhiệt độ cao kéo dài gần đây, các nhà khoa học đã phân tích các mô phỏng dữ liệu thời tiết và mô hình máy tính để so sánh khí hậu hiện nay - sau khi trái đất nóng lên khoảng 1,2°C kể từ cuối những năm 1800, với khí hậu của quá khứ, sử dụng các phương pháp đánh giá ngang hàng.
Phân tích tập trung vào các thời kỳ nắng nóng nguy hiểm nhất ở mỗi khu vực: các mức nhiệt độ tối đa trung bình hơn bảy ngày ở Nam Âu, hơn 18 ngày ở miền tây Hoa Kỳ, Texas và miền bắc Mexico và hơn 14 ngày ở các vùng đất thấp của Trung Quốc (các bản đồ được hiển thị bên dưới).
Các nhà khoa học nhận thấy những đợt nắng nóng như thế này không còn hiếm nữa, do sự nóng lên vì đốt nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động khác của con người. Các sự kiện như thế này hiện có thể diễn ra khoảng 15 năm một lần ở Bắc Mỹ, khoảng 10 năm một lần ở Nam Âu và khoảng 5 năm một lần ở Trung Quốc.
Friederike Otto, Giảng viên cao cấp về Khoa học Khí hậu tại Viện Biến đổi Khí hậu và Môi trường Grantham, Đại học Hoàng gia London, cho biết: “Kết quả của nghiên cứu này không có gì đáng ngạc nhiên. Thế giới vẫn chưa ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch, khí hậu tiếp tục ấm lên và các đợt nắng nóng tiếp tục trở nên cực đoan hơn".
“Tuy nhiên, những đợt sóng nhiệt này không phải là bằng chứng của 'sự nóng lên nhanh chóng' hay 'sự sụp đổ của khí hậu'. Chúng ta vẫn còn thời gian để đảm bảo một tương lai an toàn và lành mạnh, nhưng chúng ta cần khẩn trương ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch và đầu tư vào việc làm giảm tính dễ bị tổn thương. Nếu không, hàng chục nghìn người sẽ tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến nắng nóng mỗi năm. Điều cực kỳ quan trọng là các chính phủ cần hợp pháp hóa việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm nay".
Các đợt sóng nhiệt chính là những đợt nắng nóng kéo dài nhiều ngày tại Việt Nam. |
Biến đổi khí hậu cũng làm tăng đáng kể khả năng xảy ra các đợt nắng nóng như thế này. Nhiệt độ ở châu Âu và Bắc Mỹ sẽ gần như không thể cao đến vậy nếu không có tác động của việc đốt than, dầu và khí đốt, nạn phá rừng và các hoạt động khác của con người. Nguy cơ xảy ra sóng nhiệt ở Trung Quốc cũng cao hơn khoảng 50 lần.
Khí thải nhà kính làm cho các đợt sóng nhiệt trở nên nóng hơn so với bình thường: Sóng nhiệt châu Âu đã nóng hơn 2,5°C, sóng nhiệt Bắc Mỹ nóng hơn 2°C (3,6°F) và sóng nhiệt ở Trung Quốc nóng hơn 1°C vì biến đổi khí hậu.
Những đợt nắng nóng như thế này sẽ trở nên thường xuyên hơn và cực đoan hơn nếu lượng khí thải không được nhanh chóng ngăn chặn và giảm xuống mức phát thải ròng bằng 0, các nhà khoa học cảnh báo. Nếu nhiệt độ tăng lên 2°C - điều này sẽ xảy ra trong khoảng 30 năm nữa trừ khi mọi quốc gia đã ký kết Thỏa thuận Paris thực hiện đầy đủ các cam kết hiện tại của họ để nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải - thì những sự kiện như thế này sẽ trở nên thường xuyên hơn, sẽ xảy ra mỗi 2-5 năm một lần.
Trong khi các nhà nghiên cứu cho rằng sự phát triển của El Niño, một hiện tượng khí hậu xảy ra tự nhiên, có khả năng đã góp phần làm tăng nhiệt độ của các đợt nắng nóng ở một số vùng, thì nhiệt độ toàn cầu tăng do đốt nhiên liệu hóa thạch vẫn là lý do chính khiến sóng nhiệt trở nên quá nghiêm trọng.
Julie Arrighi, Giám đốc tại Trung tâm Khí hậu Chữ thập đỏ Trăng lưỡi liềm đỏ, cho biết: “Nắng nóng là một trong những loại thiên tai nguy hiểm nhất. Chúng ta cần thay đổi văn hóa trong cách suy nghĩ về nhiệt độ cực cao. Nhiệt độ cực cao đang tăng lên một cách chết người và nhanh chóng. Điều quan trọng là phải mở rộng hệ thống cảnh báo, các kế hoạch hành động đối phó với nhiệt độ cao và các khoản đầu tư vào các biện pháp thích ứng dài hạn. Điều này bao gồm quy hoạch đô thị và tăng cường khả năng phục hồi của các hệ thống quan trọng như y tế, điện, nước và giao thông.
Để cứu mạng sống con người trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, chúng ta cần chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất - bao gồm người già, những người có vấn đề về sức khoẻ, những người không có nhà ở và các cộng đồng bị giảm khả năng tiếp cận những không gian mát mẻ vốn là cứu cánh trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt”.
World Weather Attribution là một sáng kiến hợp tác quốc tế nhằm phân tích và truyền đạt ảnh hưởng có thể có của biến đổi khí hậu đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan, chẳng hạn như bão, mưa cực đoan, sóng nhiệt, các đợt lạnh và hạn hán. |
Thành Công
Microsoft Ấn Độ khởi động giai đoạn 2 của mô hình AI dự đoán rủi ro sóng nhiệt |
Nắng nóng sẽ gây thiệt hại về người trên quy mô lớn trong vài thập kỷ tới |
-
Hội thảo phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đảo và khu vực ven biển
-
Quảng Nam: Trong 8 phút xảy ra 3 trận động đất
-
Vì sao mưa lũ ngày càng nghiêm trọng?
-
Quảng Nam đề xuất điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn
-
Kinh nghiệm phòng chống lũ ống, lũ quét