Bước ngoặt khai thác quặng đồng
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo chi nhánh cho biết, trên thực tế, các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật công nghệ khai thác quặng đồng bằng phương pháp lộ thiên từ nhiều năm nay vẫn trong ngưỡng cho phép, tuy nhiên, về lâu dài sẽ gặp khó khăn do moong sẽ xuống sâu, chiều cao tầng lớn, chi phí vận tải đất đá, quặng, thoát nước sẽ ngày càng cao. Điều đó cũng tương tự các moong khai thác than lộ thiên tại Quảng Ninh.
Thợ lò Công ty Tuyển đồng Sin Quyền |
Do vậy, những năm gần đây, TKV và VIMICO đã chỉ đạo, định hướng chiến lược dài hơi là chuyển dần sang khai thác đồng bằng công nghệ khai thác hầm lò. Chi nhánh vừa gia tăng sản lượng khai thác lộ thiên, đồng thời cũng bám sát chỉ đạo của VIMICO tổ chức thăm dò, thiết kế và triển khai việc khai thác hầm lò có kết quả khả quan như ngày hôm nay.
Mỏ đồng khai thác bằng công nghệ hầm lò còn gọi là mỏ Vi Kẽm nằm trên địa bàn xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Mỏ được VIMICO tổ chức thăm dò từ tháng 6-2008 đến tháng 11-2011. Trữ lượng huy động gần 5 triệu tấn quặng đồng. Trên cơ sở kết quả thăm dò, VIMICO đã lập dự án khai thác. Sau nhiều năm tích cực nghiên cứu thiết kế, lựa chọn phương án khai thác và hoàn thiện các thủ tục pháp lý, ngày 12-7-2017, VIMICO được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 1688/GP-BTNMT, công suất mỏ 350.000 tấn quặng nguyên khai/năm giai đoạn 1. Giai đoạn tiếp theo sẽ nâng công suất lên trên 1 triệu tấn/năm. Thời gian khai thác mỏ là 19 năm. Tổng mức đầu tư trên 2.500 tỉ đồng. Dự kiến, đầu năm 2020 sẽ hoàn thành công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Dự án góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng công suất khai thác của chi nhánh từ 1,1 triệu tấn quặng nguyên khai/năm lên 2,5 triệu tấn quặng nguyên khai/năm, đáp ứng nguyên liệu cho 2 nhà máy tuyển đồng tại Sin Quyền. Điều đáng nói, việc khai thác quặng đồng mỏ Vi Kẽm sử dụng toàn bộ bằng công nghệ hầm lò, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Để sớm đưa mỏ vào sản xuất, đáp ứng một phần quặng nguyên khai cho 2 nhà máy tuyển đồng, VIMICO đã giao nhiệm vụ thi công xây dựng gói thầu số 13 “Xây dựng đường lò khai thông +150 và đường lò chuẩn bị +110” cho Chi nhánh mỏ tuyển đồng Sin Quyền triển khai. Mặc dù trong quá trình thi công gặp nhiều khó khăn về nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư, điều kiện địa chất phức tạp... nhưng với sự quyết tâm nỗ lực rất cao của CBCNV chi nhánh cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Vimco, đến nay chi nhánh đã hoàn thành gần 300m lò bằng, đào cắt qua 5 thân quặng (trước đó chỉ dự kiến đào qua 2 thân quặng). Đây là một trong những thành công ngoài mong đợi.
Quá trình đào lò xây dựng cơ bản lò +150 cho thấy, tình hình địa chất mỏ tương đối phù hợp với kết quả thăm dò và có nhiều thuận lợi. Đặc biệt, chi nhánh đã tổ chức thu hồi được những tấn quặng nguyên khai đầu tiên từ lòng đất. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng và là nguồn cung quặng đồng nguyên khai cho Nhà máy tuyển số 2 thuộc Tổ hợp đồng Sin Quyền của VIMICO vừa được khánh thành và đưa vào vận hành, giúp nhà máy hoạt động đạt công suất thiết kế, đóng góp cho chiến lược phát triển chung của TKV và VIMICO.
Sự kiện ra tấn quặng đồng đầu tiên vào ngày 19-5-2019 bằng công nghệ khai thác hầm lò của Chi nhánh mỏ tuyển đồng Sin Quyền khẳng định chiến lược trọng tâm trong khai thác khoáng sản của TKV trên địa bàn Lào Cai là đúng đắn. Cùng với đó là hàng loạt các dự án đang được triển khai như: Nhà máy Tuyển số 2 đã khánh thành và đi vào hoạt động; Dự án nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai 20 ngàn tấn/năm đã thực hiện 21/24 gói thầu chính, phấn đấu cuối năm 2019 sẽ đi vào chạy thử…
Về lâu dài, TKV đã xây dựng kế hoạch thăm dò, khai thác, tuyển luyện đến năm 2030, báo cáo tỉnh Lào Cai và các bộ, ngành liên quan để phối hợp triển khai hiệu quả. Trong đó, TKV tập trung vào các mũi nhọn như: Tăng cường thăm dò huy động tài nguyên từ nguồn quỹ thăm dò chung của TKV; hợp tác, ứng dụng công nghệ hiện đại vào các dây chuyền chế biến sâu khoáng sản, nâng cao giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường…
Mỏ đồng khai thác bằng công nghệ hầm lò còn gọi là mỏ Vi Kẽm nằm trên địa bàn xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Mỏ được VIMICO tổ chức thăm dò từ tháng 6-2008 đến tháng 11-2011. Trữ lượng huy động gần 5 triệu tấn quặng đồng. |
H.H