Bi kịch của người đàn ông ngập trong nợ để bao bọc tình nhân
Sau ly hôn, Hoàng Phúc ở huyện Cao Lan, tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) nhận nuôi con gái 12 tuổi song cuộc sống rất khó khăn. Không bằng lòng với việc mỗi năm vợ cũ chuyển 800 nhân dân tệ để nuôi con, đầu năm 2015, ông ta nộp đơn ra tòa yêu cầu tăng phí nuôi dưỡng lên 5.000. Không ngờ vài ngày trước khi tòa tuyên án, thi thể Phúc được phát hiện trên đường, có hơn 20 vết thương.
Ban đầu, nhà chức trách cho rằng đây là án mạng do va chạm giao thông, nhưng vị trí Phúc gục ngã cách xe máy đến 70m, trên đường có vết máu nhỏ giọt cho thấy đã có việc truy sát. Năm vết thương trên cổ hình thành sau khi nạn nhân ngã xuống đất, có nghĩa dù Phúc mất khả năng chống cự nhưng hung thủ vẫn tiếp tục ra tay. Xe máy của Phúc vẫn dựng chân chống, giỏ xe bị bẹp, nếu là tai nạn giao thông cũng chỉ va chạm nhẹ, khó có thể là nguyên nhân của những nhát đâm tàn độc này.
Ban chuyên án nhận định đây là án mạng có dự mưu do tranh chấp tình cảm hoặc kinh tế. Do Phúc đang vướng kiện tụng với vợ cũ, cảnh sát điều tra theo hướng này.
Phúc và vợ cũ họ Phùng quen biết qua giới thiệu, cuộc sống không hoà hợp. Phùng tính đanh đá, chê Phúc hèn nhát nên chủ động ly hôn. Cô nhanh chóng tái hôn, Phúc nhận trách nhiệm nuôi con.
Kinh tế sa sút, Phúc từng đến nhà Phùng đòi tiền nuôi con, hai người nhiều lần cãi nhau vì chuyện này. Cảnh sát nghi ngờ án mạng này có thể liên quan đến chồng của Phùng nhưng kết quả điều tra cho thấy cả Phùng và chồng đều không có thời gian gây án.
Tại nhà Phúc, cảnh sát tìm được một quyển sổ ghi chép tài chính cho thấy gia chủ thường xuyên vay tiền của nhiều người, từ ít tới nhiều. Những khoản vay này phần lớn có lãi suất 1,5 đến 2% mỗi tháng, vậy Phúc trả nợ kiểu gì? Cảnh sát phát hiện Phúc dùng tiền vay sau để trả cho khoản vay trước.
Theo logic bình thường, nếu giết chết con nợ thì việc đòi tiền càng khó, vì vậy khả năng giết người do nợ nần là thấp. Tuy nhiên việc Phúc thường xuyên vay tiền vẫn khiến cảnh sát chú ý. Phúc vay nhiều tiền như vậy làm gì? Cảnh sát phát hiện từ năm 2013, Phúc ngày càng vay mượn nhiều hơn. Phúc rất thích sử dụng điện thoại, bắt đầu là nhắn tin trên QQ, sau đó chuyển sang WeChat.
Năm 2013, Phúc quen một phụ nữ họ Lý qua WeChat, thành tình nhân. Lý trẻ hơn nhiều tuổi, lại thích ăn diện, toàn bộ chi tiêu do Phúc chi trả. Dù Phúc vay nợ nhiều song vẫn không thể thỏa mãn nhu cầu vật chất của Lý. Sau vài tháng qua lại, thấy Phúc đã hết tiền, Lý chủ động chia tay rồi kết hôn với người đàn ông khá giả họ Từ. Nhưng Lý vẫn thường xuyên liên lạc với Phúc, việc này bị Từ phát hiện. Cho rằng vợ vẫn chưa quên tình cũ, Từ từng đến tìm Phúc nói sẽ giết nếu còn tìm gặp "người cũ".
Nắm được tình tiết này, cảnh sát điều tra về Từ. Cùng lúc đó việc tìm kiếm nhân chứng cũng có tiến triển đột phá. Buổi sáng hôm đó một tài xế đi qua hiện trường nhìn thấy người đàn ông đi xe máy màu đỏ tranh cãi với một phụ nữ. Người đàn ông mặc đồ rằn ri, đội mũ lưỡi trai, đeo khẩu trang. Chồng Lý cũng có chiều cao và dáng người tương tự.
Cho rằng nếu đã chuẩn bị mũ và khẩu trang, tại sao Từ còn lựa chọn thời gian và địa điểm gây án lộ vào ban ngày, ở ngay trên đường, Ban chuyên án chỉ đạo điều tra sâu về mối qua hệ tay ba Từ - Phúc - Lý.
Theo đó, Lý luôn là người chủ động liên lạc song Phúc không tích cực đáp lại, hơn nữa còn rất khó chịu vì đang bận tán tỉnh một phụ nữ họ Trương quen trên mạng. Rút kinh nghiệm từ mối tình thất bại trước đó, Phúc luôn giữ hình ảnh hào phóng trước mặt Trương, thậm chí nhiều lần tiêu tiền rất mạnh tay. Nhưng cuộc sống yên ổn của hai người nhanh chóng bị phá vỡ vì chồng cũ của Trương là Vương muốn nối lại tình cảm. Vương tức giận tìm đến nhà trọ của Phúc - Trương chửi bới. Để tránh né Vương, hai người chuyển nhà nhưng lại bị tìm ra.
Từ và Vương có chiều cao phù hợp với mô tả của nhân chứng, đều có xe máy màu đỏ. Vậy người tranh cãi và hành hung Phúc buổi sáng hôm đó là ai? Kết quả điều tra lại khiến ban chuyên án thất vọng, vì cả Từ và Vương đều không có mặt tại Hắc Long Giang khi xảy ra vụ án, không có thời gian gây án.
Mở rộng điều tra về quan hệ xã hội của Phúc, tập trung vào những người có quan hệ nợ nần, cảnh sát phát hiện người cho Phúc vay nhiều nhất là chú ruột anh ta, nhiều thứ hai là một họ hàng xa họ Ngô.
Ngô nói buổi sáng hôm đó phun thuốc trừ sâu và bón phân trong vườn rau nhà, không ra khỏi cổng. Tuy nhiên hệ thống camera giao thông cho thấy buổi trưa hôm đó Ngô có đi xe máy ra ngoài.
Tập trung điều tra về Ngô, cảnh sát phát hiện 12h47 hôm xảy ra án mạng, Ngô cùng vợ đi tới một quỹ tín dụng rút ba sổ tiết kiệm chuyển vào một tài khoản ngân hàng. Sáng sớm hôm sau, Ngô đi tới một ngân hàng rút toàn bộ tiền trong thẻ, lần này còn đeo khẩu trang.
Cho rằng có thể Ngô đang chuẩn bị tiền mặt để bỏ trốn, cảnh sát xin lệnh bắt. Trong nhà Ngô, cảnh sát tìm được chiếc xe máy màu đỏ.
Theo lời khai, năm 2013 Ngô cho Phúc vay 10.000 nhân dân tệ, lãi suất 1,5% một tháng, một năm sau trả cả vốn lẫn lãi. Nhưng khi đến hạn, Phúc tìm cách tránh mặt, không nghe điện thoại khiến Ngô cực kì tức giận. Hắn mang dao đi tìm Phúc đòi nợ thì tình cờ lại gặp trên đường.
Nghe thấy tiếng gọi, Phúc quay lại thấy là Ngô liền phóng xe chạy trốn. Ngô đuổi theo ép xe của Phúc vào lề, đạp bẹp giỏ, sau đó dùng dao đâm. Bỏ chạy chừng 70 m, Phúc bị Ngô đâm chết bên đường.
Theo VNE
Bi kịch của người đàn bà sát hại con trai duy nhất |
Bi kịch khi trả đũa kẻ buôn người của thiếu nữ Trung Quốc |
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp