Bão đổi hướng, đổ bộ Quảng Ninh - Thái Bình chiều mai
Lúc 13h ngày 1/8, tâm bão cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 340 km về phía đông, sức gió mạnh nhất 90 km/h (cấp 9). Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 170 km tính từ tâm bão.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong 12 giờ tới bão đi vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) với tốc độ chậm chỉ 5-10 km mỗi giờ và vào phía bắc vịnh Bắc Bộ. Trong 12-24 giờ tiếp theo, bão đổi sang hướng tây, men theo bờ biển Trung Quốc và giữ nguyên cấp gió.
Chiều tối 2/8, bão đi vào các tỉnh Quảng Ninh đến Thái Bình với sức gió giảm còn 60-75 km/h (cấp 7-8), sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Ảnh hưởng của bão, Quảng Ninh, Hải Phòng từ sáng 2/8 có gió mạnh dần từ cấp 6 lên 8, giật cấp 10-11. Các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Thanh Hóa từ trưa 2/8 có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9-10.
Bão và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn trên diện rộng từ ngày 1 đến 4/8. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-300 mm, riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa 200-400 mm.
Khu vực Hà Nội từ sáng nay trời âm u, mưa nhiều nơi. Dự báo từ chiều và đêm mai 2/8, mưa sẽ tăng lên, tổng lượng mưa cả đợt khoảng 100-200 mm, có nơi trên 250 mm. Từ chiều tối 2/8, thời điểm bão đổ bộ, Hà Nội gió mạnh cấp 5.
Vị trí và dự báo đường đi của bão Wipha sáng 1/8. Nguồn: NCHMF. |
Hôm qua 31/7, cơ quan dự báo của Việt Nam và Trung Quốc đã hiệp thương về bão Wipha. Qua thảo luận, chuyên gia hai bên thống nhất hướng di chuyển của bão sẽ vượt qua đảo Lôi Châu và đổ bộ vào Hải Phòng với cường độ cấp 7-8.
Dự báo của đài khí tượng Mỹ, bão đi lên phía bắc Lôi Châu và tan trên đất liền Trung Quốc. Đài Hong Kong lại nhận định bão có xu hướng đi xuôi xuống phía nam, đi vào đất liền Việt Nam trong ngày 2/8.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai sáng 1/8, đại diện Cục cứu hộ cứu nạn cho biết, Bộ Quốc phòng đã huy động lực lượng ứng trực từ Nghệ An trở ra với hơn 317.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và trên 2.300 phương tiện. Bộ cũng chỉ đạo lực lượng đi ứng phó với bão theo 3 hướng Hải Phòng - Quảng Ninh, Thái Bình - Nam Định và các tỉnh miền núi phíabắc.
Tàu thuyền neo đậu tránh bão Mun (đầu tháng 7/2019) tại cảng cá Ngọc Hải, Đồ Sơn, Hải Phòng. Ảnh: Giang Chinh. |
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, toàn bộ tàu đánh cá, vận tải và du lịch đã được báo, hướng dẫn đến vùng an toàn. Tuy nhiên, số khu neo đậu (16 khu) chỉ đáp ứng 27% tổng lượng tàu thuyền nên hơn 70% còn lại cần tính toán đưa vào luồng lạch tránh trú bão.
Đến sáng 1/8 các đảo thuộc Quảng Ninh còn trên 300 khách du lịch; đảo của Hải Phòng có hơn 100. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những khách còn ở đảo vì trong cơn bão Mun (bão số 2) có hiện tượng khách ở lại đảo để trải nghiệm bão.
Đến chiều 1/8, Thái Bình và Quảng Ninh đã cấm biển. Hải Phòng có kế hoạch cấm biển từ 17h chiều cùng ngày.
Hình thành từ vùng áp thấp ở bắc biển Đông ngày 29/7, đến 30/7 mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và một ngày sau thì thành bão Wipha - cơn bão thứ ba hoạt động ở biển Đông trong năm 2019. Năm 2019, biển Đông được dự báo xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. |
Theo VNE
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Kinh nghiệm phòng chống lũ ống, lũ quét
-
TKV trao hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ người lao động Than Núi béo bị ảnh hưởng bởi bão số 3
-
Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp