Băng cháy: Nhiên liệu của tương lai
Dễ khai thác, khó lưu giữ
Theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, băng cháy là một loại nhiên liệu an toàn cho môi trường. Khí này tồn tại ở dạng rắn, hình thành từ khí thiên nhiên và nước, ở dưới điều kiện áp suất cao (trên 30 atm) và nhiệt độ thấp (dưới 00C). Băng cháy có tên khoa học là natural hydrat hoặc gas hydrat. Khi hàm lượng methane vượt quá 75% thành phần của gas hydrate thì nó thường được gọi là methane hydrate. Về bản chất nó là khí hidro tồn tại ở dạng lỏng trong môi trường có áp lực lớn. Dạng tồn tại của chúng cũng giống như khí gas. Có thể sử dụng nó để làm nhiên liệu cháy. Khí này hoàn toàn không độc nhưng lại nguy hiểm vì nó là chất dễ cháy và dễ gây nổ. Thông thường ở những vùng có dầu mỏ thì có khí này.
Trong quá trình khai thác dầu mỏ, người ta cũng thường gặp một lớp khí này rồi mới đến lớp dầu. Do ở ngoài biển, đường ống dẫn khá tốn kém nên người ta thường đốt lớp khí này trước khi khai thác dầu. Nếu có ống dẫn và bình đựng thì hoàn toàn có thể tích trữ khí này làm nhiên liệu đốt.
Theo lý giải của TS Trần Tân Văn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản thì dầu khí hình thành do đâu thì băng cháy cũng gần như vậy. Về bản chất đó chủ yếu là khí mê tan CH4, tích tụ lẫn trong bùn từ đáy biển trở xuống đến độ sâu khoảng 500m. Khác với dầu khí cần phải có những cấu trúc thuận lợi để lưu giữ thì băng cháy nếu có sẽ ở ngay sát dưới đáy biển.
Băng cháy khó khai thác do thay đổi điều kiện nhiệt độ, áp suất nó lại không còn ở dạng băng nữa mà tự sôi và sẽ bốc lên lẫn ngay vào trong nước biển hoặc tan vào không khí. Do vậy, khó khăn đối với băng cháy không phải là việc tìm nó ở đâu mà là nằm ở vấn đề lưu giữ nhiên liệu này như thế nào.
Triển vọng năng lượng
Từ hơn 5 năm trước Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT)đã tổ chức các hội nghị khoa học về triển vọng khí hydrat trên các vùng biển Việt Nam. Tổng cục Biển và Hải đảo VN cũng đã xây dựng chương trình nghiên cứu, đánh giá tiềm năng băng cháy ở ta, cử cán bộ tham gia các hội thảo quốc tế về băng cháy và khoáng sản biển sâu tại Nhật, Hàn Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Jamaica, ký biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu, điều tra địa chất - khoáng sản biển sâu với Hàn Quốc, Nga. Tuy nhiên, việc nghiên cứu của các nhà khoa học ở nước ta ở độ sâu 500 đến 2.000m đang gặp nhiều khó khăn do chưa được trang bị đầy đủ thiết bị, công nghệ và còn thiếu nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu, điều tra cơ bản và thăm dò. Theo đánh giá của Cơ quan Địa chất Mỹ, biển Việt Nam đứng hàng thứ 5 ở châu Á về tiềm năng băng cháy.
Mặc dù chưa có quốc gia nào khai thác băng cháy ở quy mô công nghiệp nhưng đây được xem là nguồn năng lượng mới được rất nhiều quốc gia quan tâm vì trữ lượng khổng lồ và khả năng tác động tới biến đổi khí hậu toàn cầu của nó. Khoáng sản năng lượng mới này dự báo lớn gấp 3 lần tổng tài nguyên năng lượng hóa thạch được biết đến trên toàn thế giới. Hiện nay đã có hơn 90 nước trên thế giới đang tiến hành các chương trình nghiên cứu điều tra băng cháy ở các mức độ khác nhau. Trên vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam hội tụ đủ điều kiện hình thành băng cháy. Đó là độ sâu đáy biển, đặc điểm địa mạo, nhiệt độ đáy biển, trầm tích, nguồn khí, các dấu hiệu địa hóa, địa vật lý… đặc biệt là cấu trúc địa chất, bối cảnh địa chất và một trong các điều kiện tiên quyết là sự xuất hiện của các bể chứa dầu khí Sông Hồng, Phú Khánh, Tư Chính - Vũng Mây, Nam Côn Sơn, các nhóm bể Hoàng Sa, Trường Sa.
Hiện Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển, Tổng cục Biển và Hải đảo đề xuất tiếp tục triển khai giai đoạn 2012-2020 của Đề án 47 Dự án điều tra cơ bản địa chất khoáng sản biển phủ kín vùng biển Việt Nam độ sâu đến 300m nước. Theo đó, sau giai đoạn nghiên cứu (2007-2015) kết thúc giai đoạn tiếp cận, nghiên cứu công nghệ, đến giai đoạn 2015-2020 bắt đầu đánh giá, thăm dò băng cháy trên những vùng biển và thềm lục địa có triển vọng. Hy vọng các dự án điều tra địa chất khoáng sản vùng biển sâu tới đây tiếp tục cung cấp thêm các số liệu, cơ sở khoa học thực tế để nghiên cứu, đánh giá tiềm năng băng cháy của Việt Nam, tiến tới khai thác loại hình năng lượng mới này phục vụ phát triển KTXH trong tương lai.
Ngày 13/3/2013, Nhật Bản là nước đầu tiên trên thế giới công bố đã lấy thành công khí đốt từ lớp methane hydrate nằm sâu 300m dưới lớp trầm tích ở đáy đại dương. Đội khoa học Nhật Bản đã dùng một mũi khoan đặc biệt và phương pháp giải nén biến methane hydrate ở bên dưới đáy biển thành khí metan và băng để đưa lên mặt đất. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự hoàn thiện về cả công nghệ điều tra, tìm kiếm và công nghệ khai thác loại hình năng lượng mới là băng cháy trên thế giới.
Mạnh Kiên