An toàn lao động ở Vinacomin: Vẫn còn nỗi lo
Tai nạn do thiếu kỷ luật ATLĐ
Năm 2013, công tác AT-VSLĐ toàn Tập đoàn có nhiều diễn biến phức tạp do đặc thù nghề nghiệp, thời tiết mưa bão, các nguy cơ mất an toàn gia tăng. Được sự quan tâm, đầu tư cho công tác ATLĐ (gần 500 tỉ đồng) nên đã hạn chế được các sự cố nghiêm trọng như cháy nổ khí, bục nước, sập lò... Tuy nhiên, toàn Tập đoàn đã để xảy ra 16 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng, trong đó 12 vụ xảy ra trong hầm lò và 4 vụ xảy ra trên mặt bằng. Như vụ tai nạn tại Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu diễn ra vào khoảng 20 giờ 10 phút ngày 4-5 tại bãi thải +50 đông nam, khai trường mỏ Cọc Sáu. Nguyên nhân do công nhân bất cẩn đứng đằng sau máy gạt trong lúc máy đang vận hành, đây là sự kiện lặp lại sau những vụ nổ lốp xe gây chết người cũng tại đơn vị này.
An toàn cho người lao động luôn là vấn đề lớn của ngành than
Hay vụ tai nạn do ngạt khí tại Xí nghiệp Than Cao Thắng, Công ty TNHH MTV Than Hòn Gai.
Công ty Than Mạo Khê vẫn còn để xảy ra một số vụ TNLĐ nặng, trong đó có 1 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết 1 công nhân và 6 vụ sự cố trong sản xuất. Nguyên nhân chính là ý thức chủ quan làm bừa, làm ẩu, bớt xén quy trình, quy phạm của người lao động mà chủ yếu nằm ở đối tượng công nhân trẻ, có tay nghề thấp và sự lơ là trong chỉ đạo điều hành của một số cán bộ chỉ huy sản xuất tại hiện trường.
Trước đó, tại Công ty Cổ phần Than Mông Dương, vào 5 giờ 20 ngày 9-3, công nhân Nguyễn Hồng Chinh được giao nhiệm vụ vận tải đất đá tại tuyến trục mức (-97,5 ÷ - 250) H10 Cánh Đông thuộc Phân xưởng Vận tải Giếng 2, khi anh Chinh đi từ dưới chân trục mức -250 lên thì cũng bị xe goòng va vào người gây tai nạn tử vong. Điều đáng chú ý là những vụ do va goòng diễn ra quá nhiều vào những năm trước cũng tại đơn vị này, cũng như tại Khe Chàm, Dương Huy…
Qua phân tích nguyên nhân các vụ TNLĐ, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra chủ yếu do sự chủ quan của người lao động, vi phạm nội quy lao động, quy trình kỹ thuật. Trong 6 tháng đầu năm 2013, mặc dù Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc đã triển khai thực hiện kế hoạch AT-VSLĐ bằng nhiều giải pháp, tổ chức thực hiện công tác AT-VSLĐ - phòng chống cháy nổ nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế các vụ TNLĐ, sự cố thiết bị lớn. Nhưng do công tác quản lý còn chưa tốt, việc kiểm soát sản xuất của các đơn vị chưa chặt chẽ, biện pháp kỹ thuật an toàn, quy trình còn chưa thiết thực dẫn đến người lao động chưa nắm bắt được cụ thể nên đã xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Tất cả vì con người
Ðể ngăn chặn, đẩy lùi TNLÐ, đòi hỏi toàn ngành than cần hết sức chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn lao động bằng nhiều hình thức, biện pháp. Trong đó, yếu tố an toàn phải được coi là một trong những mục tiêu hàng đầu và cũng là tiêu chí quan trọng để xem xét, đánh giá công tác thi đua, thành tích của các đơn vị.
Nhấn mạnh công tác AT-VSLĐ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, phải làm rõ các nguyên nhân dẫn đến TNLĐ để có biện pháp khắc phục, ngăn chặn nguy cơ xảy ra TNLĐ, Tổng giám đốc Vinacomin Lê Minh Chuẩn đã yêu cầu các đơn vị phải tăng cường, hoàn thiện nhiều biện pháp đảm bảo AT-VSLĐ, điều tra kỹ các vụ tai nạn lao động để tìm rõ nguyên nhân, rút kinh nghiệm kịp thời. Chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện của đơn vị cũng là nội dung đáng lưu ý nhằm nâng hệ số an toàn, nhất là các đơn vị hầm lò.
Để thực hiện nhiệm vụ công tác AT-VSLĐ cho 6 tháng cuối năm, Vinacomin triển khai 11 biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn nguy cơ TNLĐ, khắc phục những hạn chế tồn tại, đảm bảo an toàn trong sản xuất. Theo đó, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp đảm bảo ATLĐ đến từng người lao động đã được cụ thể hóa bằng các kết luận hội nghị an toàn của Tập đoàn và các chỉ thị về công tác an toàn của Tổng giám đốc Tập đoàn. Chủ động xây dựng chương trình tự chủ an toàn cho những tháng cuối năm phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị mình.
Các ban chuyên môn của Tập đoàn sẽ kiểm tra chặt chẽ kết quả thực hiện ở các đơn vị và thường xuyên báo cáo Tổng giám đốc để có biện pháp xử lý kịp thời. Lãnh đạo các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo việc lập các biện pháp nâng cao mức độ đảm bảo an toàn để ứng phó với các nguy cơ mất an toàn, những thiếu sót, tồn tại...
Một số công tác khác như huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ giám sát an toàn, cán bộ chỉ huy sản xuất... cũng cần được các đơn vị lưu ý triển khai thật tốt.
Ngày 31/7, vào khoảng 0 đến 6 giờ, một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy ra tại vỉa than số 643, Công ty Than Đồng Vông (Vinacomin) khiến 3 cán bộ công ty thiệt mạng. Nguyên nhân tử vong ban đầu được xác định là do ngạt khí hầm lò. |
H.Hải