95% các hồ sơ xuất nhập khẩu được xử lý qua cấp phép điện tử
Theo Bộ NN&PTNT, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính và đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành của Bộ là việc khó khăn, không thể một lúc có thể làm ngay mọi thứ. Chính vì thế, năm 2018 Bộ NN&PTNT xác định phải có lộ trình thực hiện và trong mỗi thời điểm, thời gian và phải chọn ra việc cụ thể để làm.
Hiện Bộ NN&PTNT có 33 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực nông nghiệp với 345 điều kiện. Qua rà soát, Bộ đã trình với Chính phủ ban hành Nghị định 123/2018/NĐ-CP, sửa và giảm 131/170 điều kiện; số điều kiện còn lại sửa và giảm thuộc Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản đã ban hành (có hiệu lực từ 1/1/2019) và các nghị định. Tới đây, 2 Luật này đi vào cuộc sống sẽ có nhiều thủ tục được cắt giảm; theo tính toán, tổng số điều kiện cụ thể sẽ giảm tới 69%.
Toàn cảnh hội nghị |
Song song với việc giảm các điều kiện kinh doanh, Bộ NN&PTNT cũng đã tiến hành cắt giảm các danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan xuất nhập khẩu. Để cắt giảm các danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành này, ngay từ đầu năm 2017, Bộ NN&PTNT đã thực hiện rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở hàng hóa được gắn mã hồ sơ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ là 7.698 dòng hàng quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Theo đó ngày 30/10/2018, Bộ đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT bao gồm 2 danh mục là danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu gắn mã HS là 2.873 dòng hàng; danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan kèm mã hồ sơ là 1.800 dòng hàng (tỷ lệ cắt giảm trên 76%). Điều này đã góp phần giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho sản xuất, kinh doanh phát triển.
Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, trong năm 2017, Bộ NN&PTNT đã xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 18 thủ tục hành chính tại 5 đơn vị của Bộ. Theo kế hoạch năm 2018, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thành triển khai 10 thủ tục hành chính mới. Như vậy, với việc triển khai 28 thủ tục hành chính qua Cổng một cửa quốc gia thì có tới 95% các hồ sơ xuất nhập khẩu được xử lý qua cấp phép điện tử
Theo số liệu chính thức tại Hội nghị Công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) các bộ, cơ quan ngang bộ ngày 2/5/2018 về Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017, Bộ NN&PTNT có sự bứt phá trên bảng xếp hạng từ vị trí thứ 13 lên vị trí thứ 7 (82,40 điểm) trong tổng số 19 bộ, cơ quan ngang bộ.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành, xây dựng Chính phủ điện tử là đòi hỏi từ thực tiễn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, góp phần tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản xuất khẩu, đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế.
N.H (T/h)
-
Bài 3: Để phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi một cách hợp lý
-
Tin tức kinh tế ngày 25/10: Thu ngân sách cả năm 2024 ước tăng trên 10%
-
[Infographic] Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm
-
Lo ngại bị đối xử thiếu bình đẳng trong dự thảo quy định hoàn thuế GTGT
-
Giá vàng hôm nay (25/10): Tăng trở lại