3 đề xuất của Chủ tịch VCCI để đất nước phát triển bền vững
Chuyển từ mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn
Không dừng lại những đánh giá và kiến nghị chung, ông Lộc cho rằng Hội nghị Vì một thập niên phát triển bền vững hơn, tập trung thảo luận về các mô hình và sáng kiến phát triển bền vững sẽ được thúc đẩy trong thời gian tới đó là: Kinh tế tuần hoàn; Nâng cao chất lượng nguồn vốn nhân lực và năng suất lao động xã hội; Thúc đẩy đối tác công tư; Phát triển doanh nghiệp xã hội; Nâng cao chất lượng quản trị và áp dụng bộ chỉ số phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSI) ...
Với các lĩnh vực trên, ông Lộc đề xuất 3 ý kiến rất cụ thể để Việt Nam phát triển bền vững hơn. Thứ nhất, phải chuyển từ mô hình phát triển truyền thống sang kinh tế tuần hoàn nhằm đạt được 2 mục tiêu: vừa ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào, vừa giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra và để thực hiện được điều đó phải thực hiện xả thải bằng 0 và, không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đề xuất 3 ý kiến để đất nước phát triển bền vững |
Để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, theo ông Lộc có 5 sáng kiến cụ thể là: Liên minh tái chế bao bì Việt Nam; Sáng kiến không xả thải vào thiên nhiên; Dự án phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng; Chương trình thử nghiệm sử dụng rác thải nhựa để tái chế làm đường giao thông và Sáng kiến xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp ở Việt Nam…
Ông Lộc nói: “Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, chúng tôi đề nghị đưa chủ trường thúc đẩy kinh tế toàn hoàn vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đề nghị Quốc hội ban hành “Luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn”. Bên cạnh đó, Quốc hội và Chính phủ có chính sách để khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Xác định rõ trong việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn thì doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm. VCCI sẵn sàng hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế để xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.
Nâng cao nguồn vốn nhân lực
Đề xuất thứ 2 ông Lộc cho rằng, chất lượng nguồn vốn nhân lực và năng suất là hai lĩnh vực phải nâng cao. Bởi nâng cao chất lượng nguồn lao động và tạo việc làm thoả đáng, bền vững chính là yêu cầu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của việc cải thiện năng suất lao động ở Việt Nam.
Ông Lộc phân tích: “Có 2 xu hướng rất đáng chú ý để thúc đẩy quá trình này: Đó là dự thảo luật lao động đã mở rộng phạm vi điều chỉnh từ đối tượng lạo động có hợp đồng lao động trong khu vực chính thức (khoảng 20 triệu người) sang toàn bộ lực lượng động (55 triệu người trong độ tuổi lao động) ở nước ta. Đồng thời Luật doanh nghiệp mở rộng phạm vi, đưa các hộ kinh doanh, trước hết là các hộ kinh doanh có đăng ký vào phạm vi điều chỉnh của luật. Đó là những bức tiến quan trọng theo hướng minh bạch hoá, chính thức hoá, bảo đảm nâng cấp và kết nối được hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp khác và kết nối được khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ ở Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Giải thích cho sự kết nối các doanh nghiệp đó, theo ông Lộc là bởi với bối cảnh hội nhập sâu rộng kinh tế toàn cầu hiện nay, rất cần sự cộng hưởng của các loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, khu vực kinh tế, để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mà minh bạch hoá là chuẩn mực quan trọng nhất cho sự tương tác và cộng hưởng. Sự minh bách hoá cũng giúp bảo đảm quyền, nghĩa vụ của chủ sử dụng lao động, người lao động trong tất cả các khu vực kinh tế góp phần nâng cao năng suất lao động quốc gia.
Về chất lượng của nguồn nhân lực ở Việt Nam, ông Lộc nhận định, một thách thức quan trọng là Việt Nam chỉ có 8% lao động có trình độ đại học. 80% - 85% doanh nghiệp phàn nàn vì khó tuyển dụng lao động có kỹ năng quản trị và tay nghề kỹ thuật. Như vậy là Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế chưa sẵn sàng cho nền kinh tế số mà nguồn nhân lực chính là một rào cản.
Vì vậy, quốc sách về giáo dục cần được đẩy mạnh, đối tác công - tư và vai trò của tư nhân trong lĩnh vực đào tạo cần phải đóng vai trò then chốt.Về nội dung đào tạo, cần đẩy mạnh phương thức giáo dục đào tạo nghề kép “gắn xưởng với trường” và rút ngắn thời gian đào tạo đại học chuyên ngành (ví dụ chỉ cần 2 năm) để bắt kịp xu thế thay đổi của công nghệ và đáp ứng nhanh yêu cầu về nguồn cung lao động chất lượng cao, chú trọng các chương trình ưu tiên STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học).
Phát triển hình thức đối tác Công - Tư
Phát triển hình thức đối tác công tư là một yếu tố góp phần phát triển bền vững |
Đề xuất thứ 3 mà Chủ tịch VCCI muốn nói đến chính là đối tác công tư. Thay vì nói về vai trò tách bạch hay cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, theo ông Lộc có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nói nhiều hơn đến quan hệ đối tác công tư. Đối tác công tư là một cơ chế mới để cộng sinh hài hoà giữa khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước.
Tư nhân chung tay với nhà nước trong việc phát triển các cơ sở hạ tầng của nền kinh tế và trong mọi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Ở nước ta trong những năm tới thì chỉ riêng nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng chúng ta cần ít nhất 20 tỷ USD mỗi năm. Trong điều kiện mà nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, ODA không còn, thì đối tác công tư và việc huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng. Nhưng đối tác công tư không chỉ là sự chung tay giữa nhà nước và tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng mà còn cần được mở rộng ra các lĩnh vực cung ứng dịch vụ công và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp quan trọng đóng vai trò dẫn dắt và bảo đảm yêu cầu tự chủ của nền kinh tế. Mô hình kinh tế chia sẻ cũng cần được nghiên cứu áp dụng trong quan hệ nhà nước với tư nhân.
Ông Lộc đề xuất: “Để thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), chúng tôi đề nghị Quốc hội sớm ban hành luật PPP và tăng cường các thể chế xúc tiến, phát triển thị trường PPP, thành lập quỹ phát triển PPP quốc gia… Đó là những việc cần làm và phải được triển khai sớm. Uỷ ban Đối tác Công tư xin được kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Uỷ ban Quốc gia chương trình hành động cụ thể theo hướng này”.
Bên cạnh những bài học chưa thành công về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), cũng đã có những thực tiễn tốt về PPP trong cả nước, các mô hình “sở hữu công - quản trị tư”, “đầu tư tư - sử dụng công”… ở một số địa phương và bộ ngành ông Lộc cho rằng cũng cần được tổng kết và lan toả. Bổ sung thêm kiến nghị này, ông Lộc nói: “Chúng tôi cũng đề nghị sớm nghiên cứu chiến lược thúc đẩy phát triển một số ngành kinh tế quan trọng có chọn lựa để áp dụng phương thức đối tác công tư trong nghiên cứu phát triển, trong đầu tư để làm bệ đỡ yểm trợ và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta hướng tới yêu cầu phát triển tự chủ và bền vững của nước nhà trong bối cảnh mới”.
Theo mong mỏi của ông Lộc, sau Hội nghị Vì một thập niên phát triển bền vững hơn, Thủ tướng sẽ có Chỉ thị hoặc Quyết định về việc tiếp tục triển khai chương trình hành động quốc gia về phát triển bền vững hơn cho thập niên sắp tới.
Tú Anh