Vì sao đường sắt Cát Linh – Hà Đông khó cán đích đúng kỳ vọng?
“Tử thần” lơ lửng trên đầu người dân
Thời gian qua, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã xảy ra hàng loạt sự cố khiến người dân tham gia giao thông luôn cảm thấy bất an. “Tử thần” luôn thường trực trên đầu và có thể cướp đi sinh mạng bất cứ khi nào. Chính sự tắc trách của nhà thầu, cẩu thả đơn vị thi công khiến “đại công trình” này được ví như một “lưỡi hái tử thần”. Để rồi mỗi khi ai đó phải tham gia giao thông trên tuyến Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Trần Phú - Quang Trung (Hà Đông) lại phải rùng mình lo sợ “tử thần” hỏi thăm.
Điển hình, sáng ngày 6/11/2014, tại công trường xây dựng Nhà ga Thanh Xuân III (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội), trong quá trình cẩu thép cây để thi công đã xảy ra sự cố làm một người điều khiển xe máy tử vong và hai người dân khác bị thương. Đánh giá tính chất phức tạp của vụ việc, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định tạm dừng thi công trên toàn bộ dự án để rà soát, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, an toàn thi công. Tại cuộc họp với các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã chỉ ra nguyên nhân chậm tiến độ là do năng lực của Tổng thầu EPC quá yếu, thiết kế chậm, máy móc con người kém, không có biện pháp thúc đẩy tiến độ dự án, tư vấn giám sát lơ là trong công việc.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, dự án đang quá chậm, gây phiền hà cho người dân trong việc đi lại. Vì vậy, để mạnh tay chấn chỉnh, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định kỷ luật hàng loạt đơn vị liên quan, trong đó có ông Phạm Dũng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông I, là nhà thầu thi công nhà ga xảy ra sự cố vì thiếu trách nhiệm, vô cảm với tính mạng người dân trong vụ tai nạn. Sau khi triển khai các giải pháp về tăng cường an toàn lao động, vệ sinh môi trường và an toàn giao thông, dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt thi công trở lại vào cuối tháng 11/2014.
Toàn cảnh công trường dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đoạn qua quận Thanh Xuân.
Hơn 1 tháng sau, sáng ngày 27/12, tại vị trí Nhà ga Bến xe Hà Đông lại xảy ra sự cố sập đà giáo và bê tông trong lúc thi công hạng mục xà mũ trụ H7. Hơn 80 tấn bê tông, thép đã chôn vùi chiếc xe taxi chở 4 người, rất may không có ai bị thương. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định đình chỉ hàng loạt đơn vị, cá nhân liên quan. Trong đó, đình chỉ công tác điều hành đối với ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt để làm rõ trách nhiệm. Ông Bảo là người trực tiếp theo dõi và giám sát thi công nhưng đã để xảy ra sự cố.
Đến ngày 29/12, người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải quyết định kỷ luật với hình thức giáng chức ông Nguyễn Mạnh Hùng - Quyền Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, xuống Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt kể từ ngày 10/01/2015. Ông Nguyễn Mạnh Hùng bị xem xét kỷ luật do có sai sót với tư cách là người đứng đầu Ban Quản lý dự án trong chỉ đạo, quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, nhưng để xảy ra sự cố nghiêm trọng. Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng quyết định kỷ luật mức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt và ông Triệu Khắc Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông do có sai sót trong chỉ đạo quản lý xây dựng dự án, để xảy ra sự cố mất an toàn nghiêm trọng.
Liên quan đến các sự cố liên tiếp xảy ra, đầu tháng 1/2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tổng thầu EPC - Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định Tổng thầu EPC thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm, quá kém mới dẫn đến các sự cố.
Đơn vị tư vấn giám sát cũng yếu kém, vô cảm với tính mạng của người dân bởi Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành rất nhiều văn bản nhắc nhở Tổng thầu EPC về quy trình trong khi thi công, đặc biệt là sau khi xảy ra sự cố hồi tháng 11/2014, nhưng không thực hiện. Chỉ một việc đơn giản như khi đổ bê tông trên cao hoặc làm các công đoạn có thể gây nguy hiểm cho người phải có các biện pháp đảm bảo an toàn và ngăn không cho người dân đi qua cũng không làm.
Rồi mỗi khi xảy ra sự cố, Tổng thầu EPC, đơn vị thi công lại nhận khuyết điểm, xin lỗi, hứa sửa chữa nhưng các sự cố nghiêm trọng vẫn xảy ra. EPC phải thay tổng chỉ huy công trường. Cử ngay các kỹ sư, cán bộ và những người có trách nhiệm, năng lực, lương tâm sang thay làm việc tại dự án. Đồng thời chấm dứt hợp đồng với tư vấn giám sát hiện tại và ký hợp đồng tư vấn giám sát với đơn vị của Việt Nam do Bộ Giao thông Vận tải chỉ định. Tổng thầu EPC chấm dứt hợp đồng toàn bộ nhà thầu phụ không đủ năng lực và ký trực tiếp với các tổng công ty lớn của Việt Nam có đủ năng lực, trách nhiệm.
Những yêu cầu của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã được ông Mã Giang Kiềm - Tổng Giám đốc Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc cam kết thực hiện.
“Đội vốn” gần 7.000 tỉ đồng
Sau 5 năm thi công dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, do thay đổi một loạt yếu tố đầu vào nên tổng mức đầu tư không dừng ở con số 552 triệu USD như kế hoạch ban đầu, mà cần thêm 315 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỉ đồng).
Cụ thể, để hoàn thành hơn 13km đường sắt đôi, khổ 1.435 mm chạy trên cao với 12 ga, từ Cát Linh đến Bến xe Yên Nghĩa, tốc độ chạy tàu tối đa 80km/h cùng hệ thống thiết bị khai thác gồm đoàn tàu có khả năng chở được hơn 1 triệu lượt khách/ngày đêm, sẽ cần tới khoảng 868,04 triệu USD (tương đương 18.001 tỉ đồng), trong đó phần vốn vay ODA Trung Quốc tăng thêm 250,62 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam (chủ yếu dành cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án…) cần thêm 64,56 triệu USD. Đáng kể nhất trong số phần vốn mà Ban Quản lý dự án đường sắt đề nghị cơi nới là chi phí xây dựng (tăng 146,3 triệu USD); chi phí thiết bị (tăng 77 triệu USD); mua sắm đoàn tàu (tăng 19,41 triệu USD); chi phí giải phóng mặt bằng (tăng 24,41 triệu USD); lãi vay, phí quản lý, phí cam kết (tăng 21,44 triệu USD)…
Lý giải về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, Tổng thầu EPC có văn bản đề nghị điều chỉnh tổng vốn đầu tư. Ngay sau khi nhận được đề nghị, chủ đầu tư (Cục Đường sắt Việt Nam) và tư vấn thẩm tra (Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải - TEDI) tiến hành rà soát, tính toán, xác định tổng mức đầu tư cần điều chỉnh lên gần 7.000 tỉ đồng.
Sự cố sập đà giáo và bê tông trong lúc thi công hạng mục xà mũ trụ H7.
Tiến độ “rùa bò”
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông do Ban Quản lý dự án đường sắt làm chủ dầu tư. Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, Tư vấn giám sát là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giám sát xây dựng-Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh thực hiện thi công. Thời gian thực hiện dự án được phê duyệt là từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013. Do nhiều vướng mắc, đến tháng 10/2011 dự án mới được khởi công. Dự kiến, tuyến đường sắt này hoàn thành vào tháng 9/2015 và đưa vào khai thác tháng 12/2015 với điều kiện giải phóng mặt bằng hoàn thành trong năm 2013. Tuy nhiên, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn vướng mắc ở Ga Cát Linh.
Trong khoảng một năm trở lại đây, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã được đẩy mạnh thi công. Tuy nhiên, tiến độ dự án vẫn “rùa bò” và chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện công tác xây dựng trụ cầu đang chậm khoảng 6 tháng, đúc và lao lắp dầm chậm khoảng 5 tháng, xây dựng các nhà ga chậm từ 3-5 tháng.
Tại Tờ trình số 360/TTr-BQLDAĐS, Ban quản lý dự án đường sắt kiến nghị, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chỉ có thể hoàn thành công tác xây lắp vào ngày 31/12/2015, chạy thử tàu vào tháng 1/2016 và sau đó đi vào khai thác thương mại.
Ban Quản lý dự án đang nỗ lực thi công, rà soát, yêu cầu lập lại tiến độ khả thi nhất để rút ngắn thời gian thi công, đưa công trình về đích đáp ứng đúng theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng là đến tháng 10/2015 phải đưa vào chạy thử, để đến ngày 31/12/2015 phải đưa dự án vào khai thác thương mại.
Mặc dù tổng mức đầu tư đã được cơi nới, nhưng công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc, quá trình thi công luôn xảy ra sự cố thì tiến độ khó mà cán đích như kỳ vọng đặt ra.
Quang Dương (tổng hợp)
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Petrovietnam và Zarubezhneft trao văn kiện hợp tác
-
[VIDEO] Thủ tướng đến Nga dự Hội nghị BRICS mở rộng
-
Liên doanh dầu khí Nga - Việt đã mang về cho đất nước tỷ USD
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện