Vì sao Bộ Công Thương gia hạn điều tra lẩn tránh thương mại đối với đường mía Thái Lan?
Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, để đảm bảo việc điều tra được tiến hành một cách toàn diện, khách quan, cân nhắc đầy đủ thông tin mà các bên liên quan đã cung cấp, căn cứ Điều 82 Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại nên ngày 18/3/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-BCT gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía thêm 2 tháng. Theo đó, thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 21/5/2022.
Đường nhập lậu tràn ngập - Mía đường Việt Nam đang đứng trên bờ vực thẳm. |
Vụ việc chống bán phá giá mặt hàng đường mía bắt đầu từ tháng 2/2021 khi Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 477/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Sau quá trình điều tra, có đầy đủ căn cứ về việc mía đường Thái Lan bán phá giá tại thị trường Việt Nam, đến ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan ở mức 47,64% trong 5 năm, tính từ ngày 16/6/2021.
Sau khi Việt Nam áp thuế phòng vệ thương mại nêu trên, số liệu nhập khẩu của cơ quan hải quan cho thấy lượng nhập khẩu đường được khai báo là có xuất xứ từ 5 nước ASEAN đã tăng mạnh so với giai đoạn 9 tháng trước đó.
Cụ thể lượng nhập khẩu tăng từ 107.600 tấn lên 527.200 tấn. Trong khi đó, lượng nhập khẩu đường có xuất xứ từ Thái Lan vào Việt Nam đã giảm gần 38%, từ 955.500 tấn xuống còn 595.000 tấn.
Trên cơ sở đề nghị của ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía trên cơ sở yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước.
Ngày 21/9/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía.
Bộ Công Thương cho biết, hồ sơ của ngành sản xuất trong nước, bao gồm: Hiệp hội Mía đường Việt Nam và đại diện cho 6 công ty sản xuất đường mía trong nước đã cung cấp một số thông tin, bằng chứng cho thấy có dấu hiệu về việc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại qua 5 nước ASEAN nói trên, đặc biệt là lượng nhập khẩu gia tăng đột biến từ 5 nước ASEAN.
Ở đây cần phải nói thêm, khi xuất hiện bất cứ sản phẩm nào có dấu hiệu bán phá giá vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp có quyền khởi kiện và yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Công Thương) vào cuộc thực hiện các biện pháp mạnh (áp thuế, áp hạn ngạch nhập khẩu) để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Sau thời gian quy định nếu sản phẩm nhập khẩu nêu trên (các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài và các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước) chứng minh không bán phá giá sẽ được xem xét giảm thuế hoặc gỡ bỏ các biện pháp chống bán phá giá.
Ngược lại, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài tiếp tục tìm mọi cách lẩn tránh như trường hợp mía đường Thái Lan tuồn vào bán tại Việt Nam qua các nước ASEAN khác, lợi dụng chính sách thuế ưu đãi của Việt Nam như đã nêu ở trên thì mặt hàng, doanh nghiệp có thể bị trừng phạt nặng, cấm vĩnh viễn kinh doanh tại Việt Nam bởi đây không chỉ là hành vi kinh doanh thông thường mà có chủ đích phá hoại ngành sản xuất mía đường Việt Nam.
Có thể thấy rằng, mỗi ngày gia hạn điều tra, triển khai biện pháp trừng phạt đối với doanh nghiệp xuất - nhập khẩu mía đường đang bán phá giá vào Việt Nam sẽ khiến các doanh nghiệp, nhà máy mía đường trong nước thiệt hại hàng tỉ đồng. Đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước đã và đang đứng bên bờ vực thẳm. Việc Bộ Công Thương gia hạn điều tra là một hành động khó hiểu và khó chấp nhận được.
Tùng Dương
-
Bài 1: Để Quy hoạch phát triển điện lực được thực thi
-
Giá điện có thể được điều chỉnh tăng gần 10%
-
Giá bán lẻ điện tăng 4,8% từ 11/10: EVN khẳng định mức tăng hài hòa an sinh xã hội
-
Những điểm mới của Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu
-
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị về Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu