“Mặn đắng” ngành mía
Nỗi buồn người trồng mía
Hội nghị trực tuyến năm 2021 do Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) tổ chức hôm nay (14/10) đã nói lên toàn bộ thực trạng đáng buồn đó. Vào thời kỳ hoàng kim cách đây 10 năm, người dân trồng mía có thu nhập khá ổn định, thậm chí có thể nói ăn nên, làm ra nhờ cây mía, toàn cả nước diện tích trông đạt tới 300.000ha.
Nhưng chỉ đến niên vụ 2020-2021 (thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19) gần 70% diện tích đất trồng mía “biến mất”, tập trung tại 2 vựa mía là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
Nông dân tỉnh Tây Ninh ồ ạt bỏ trồng mía trong thời gian qua |
Trong 20 năm qua, chưa bao giờ sản lượng mía nguyên liệu đưa vào các nhà máy chế biến đường chỉ đạt trên 6,7 triệu tấn, đây là vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 20 vụ gần đây (tính từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu sản xuất là vụ 1999/2000). Trong số 41 nhà máy của ngành mía đường thì đến nay chỉ còn 24 nhà máy đang hoạt động, 17 nhà máy còn lại đã ngừng sản xuất hoặc phá sản.
Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết tổng diện tích trồng mía vụ 2020/2021 là 152.891 ha, giảm 16,27% so với vụ 2019/20. Năng suất mía bình quân đạt 63,0 tấn/ha, tăng 2,44% so với vụ 2019/2020. Sản lượng mía vụ 2020/2021 chỉ đạt 9.635.607 tấn, giảm 14,24% so với vụ 2019/2020.
Sản lượng đường sản xuất toàn niên vụ 20/21 là 901.230 tấn, trong đó đường sản xuất từ mía là 689.830 tấn, còn lại là từ đường thô nhập khẩu (211.400 tấn), giảm 78.124 tấn, tương đương 10,17% so với vụ trước.
Trong niên vụ, ở một số địa phương người dân bỏ mía không chăm bón, tưới tiêu, dẫn đến năng suất, chất lượng mía giảm. Chỉ số ít, diện tích mía tại một số cánh đồng lớn của các nhà máy đường vẫn được đầu tư chăm sóc và tưới tiêu đúng kỹ thuật, vẫn cho hiệu quả kinh tế cao, duy trì được năng suất, chất lượng mía.
Đơn cử như tỉnh Tây Ninh, nơi từng được coi là thủ phủ trồng mía, với diện tích trồng cao điểm lên đến 38.000 ha, thời điểm đó, cây mía cũng là cây trồng chủ lực giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu. Vậy mà đến nay Phó Chủ tịch Hội người trồng mía tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đăng Thuận cho biết, người dân đã không còn mặn mà gì với cây mía.
Đáng buồn hơn, năm nay, dù nhà máy đường đã đưa ra nhiều các chính sách khuyến nông, hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp để cơ giới hóa đồng ruộng theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; thay đổi bộ giống mới, hướng dẫn khuyến nông cho nông dân trồng xen đậu xanh, bổ sung lượng phân hữu cơ… nhưng nhiều nông dân đã quyết tâm bỏ cây mía vì không còn niềm tin vào khả năng phục hồi của ngành mía đường trong nước. “Sau bao năm cố gắng bám trụ với cây mía nhưng càng bám trụ thì mía lại càng “đắng”, ông Thuận nói.
Dẫn chứng như trường hợp bà Hiếu Thuận (phường 3, Thành phố Tây Ninh) đã thuê 800 ha đất tại Campuchia tiếp giáp với Việt Nam để trồng mía cung cấp cho các nhà máy ép mía ở Tây Ninh. Tuy nhiên nhiều năm nay bà liên tục bị thua lỗ vì giá mía quá thấp trong khi chi phí sản xuất tăng nhanh.
Theo bà Thuận, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cấm qua lại biên giới nên việc thu hoạch mía đã phải kéo dài trễ hơn 3 tháng, sản lượng mía từ đó cũng đã giảm từ 20 - 30%, thiệt hại ước tính trên 10 nghìn tấn mía (bình quân năm trước là từ 60 đến 65 tấn/ha). “Với giá mía sau 3 lần tăng từ đầu vụ thu hoạch niên vụ 2020-2021 của nhà máy, đạt 930 nghìn đồng/tấn thì vẫn thua lỗ ít nhất khoảng 7 tỷ đồng” bà Thuận nói.
Tổng thư ký VSSA Nguyễn Văn Lộc nhân định, với thực trạng này, nếu không có giải pháp thị trường đường Việt Nam sẽ hoàn toàn thuộc về đường nhập khẩu, trong khi hàng trăm nghìn nông dân từng gắn bó với cây mía hơn 20 năm phải loay hoay tìm sinh kế khác là điều khó chấp nhận được.
“Nếu không có giải pháp để cải thiện tình hình sản xuất đường trong nước thì diện tích mía nguyên liệu sẽ tiếp tục giảm và có nguy cơ bị xóa khỏi quy hoạch trên diện rộng. Khi đó, không chỉ 1/3 mà toàn bộ doanh nghiệp sản xuất đường trong nước phải đóng cửa vì không có nguyên liệu sản xuất”, ông Lộc cho hay.
Lối đi nào cho mía đường?
Tại hội nghị, đại diện của nhiều nhà máy đường bức xúc nêu tình trạng, do diện tích mía nguyên liệu giảm, nhưng vào vụ chế biến, giá đường, giá mía tăng, tình trạng tranh mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường lại tái diễn ở nhiều vùng.
Ví dụ như Công ty Mía đường Sơn Dương, Tuyên Quang, thời gian qua, đã có ít nhất 52 ha mía nguyên liệu (diện tích công ty đã ký liên kết với người dân) bị người dân đốn chặt để bán cho tiểu thương. Trong số đó, nhiều nhất là huyện Chiêm Hóa với khoảng 40 ha, tương đương 2.000 tấn mía cây.
Tình trạng tranh mua mua mía nguyên liệu không lành mạnh nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực |
Chung tình cảnh như vậy là các vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, dẫn tới nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, của các nhà máy đường đối với nông dân và thương lái mía để tranh mua mía nguyên liệu. Chính tình trạng tranh mua mua mía nguyên liệu không lành mạnh đã và đang gián tiếp phá vỡ mối liên kết giữa các nhà máy đường với nông dân trồng mía, gây bất ổn định cho sự phát triển của các vùng mía tập trung.
Về nguyên nhân sụt giảm sản lượng mía nguyên liệu có nhiều lý do, VSSA cho rằng do một số vùng mía tiếp tục bị hạn hán, bão lụt gây hại, làm giảm cả diện tích lẫn năng suất và chất lượng mía. Hơn nữa, giá đường các vụ trước đó xuống thấp do tác động cạnh tranh quyết liệt của các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nước ngoài, đường nhập lậu và gian lận thương mại.
Báo cáo của VSSA nêu rõ, mặc dù, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT ngày 9/02/2021 về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, các nhà máy đường đã ngay lập tức nâng giá mua mía từ mức 800.000 – 850.000 đồng/tấn lên mức từ 900.000 – 1.100.000 đồng/tấn tùy theo vùng, nhằm khuyến khích nông dân mở rộng thêm diện tích trồng mới, từng bước khôi phục diện tích mía vùng nguyên liệu.
Tuy nhiên, do đây mới là quyết định áp thuế tạm thời và thời điểm ban hành lại rơi vào giai đoạn cuối vụ, giữa mùa khô, không còn phù hợp cho việc trồng mới ở đa số vùng nguyên liệu, ngoài ra ở thời điểm này, cũng không còn nhiều nguồn giống và quỹ đất để trồng mới, nên không thể ngay lập tức tăng nhanh diện tăng diện mía vụ 2021/2022.
Mùa vụ 2021/2022 được dự báo sẽ là một năm khởi sắc của ngành đường Việt Nam, TS. Cao Anh Đương, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định, sau khi có Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15/6/2021 của Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá chống trợ cấp chính thức đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm. Trong khi, cân đối cung cầu đường thế giới dự báo sẽ thiếu hụt gần 2,7 triệu tấn đường, khiến cho giá đường thế giới tăng cao.
Để ngành mía ổn định và vực dậy trong mùa vụ tới, các doanh nghiệp thành viên của VSSA tại Hội nghị đã thống nhất cần tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm trong niên vụ tới và các năm tiếp theo. Thứ nhất, củng cố phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường. Trong đó quan trọng nhất là nông dân và nhà máy đường phải cùng nhau thỏa thuận, thiết lập được hệ thống chia sẻ tỷ lệ lợi nhuận từ việc sản xuất 1 tấn đường, theo một tỷ lệ nhất định (70:30 hay 65:35), nhằm đảm bảo được vị thế bình đẳng của nông dân và nhà máy đường trong mối liên kết.
Hai là, cần phải minh bạch hóa khâu phân tích chữ đường (CCS) và đánh giá tỷ lệ trừ tạp chất của các nhà máy đường, tạo sự tin tưởng của nông dân để yên tâm đầu tư thâm canh tăng năng suất mía.
Ba là, tăng cường liên kết ngang giữa các hộ nông dân với hộ nông dân, hình thành nên các tổ hợp tác, hợp tác xã, nông trường trồng mía tập trung, áp dụng giống mía mới, cơ giới hóa đồng bộ và biện pháp thâm canh tiên tiến để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả trồng mía và chế biến đường.
Bốn là, xây dựng các nguyên tắc để thống nhất trong Hiệp hội VSSA về các biện pháp đối phó với hiện tượng những nhà máy tranh mua mía được đầu tư bởi nhà máy khác. Cần xây dựng thị trường đường lành mạnh phát triển hài hòa: với biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp được áp dụng.
Năm là, phòng chống các hành vi gian lận thương mại đường. Trong bối cảnh Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành đường, giá đường trong nước tăng cao hơn so với trước đây, các hành vi gian lận thương mại đường càng có nguy cơ xảy ra với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Bởi vậy, cần thiết lập hệ thống theo dõi thu thập các thông tin về diễn biến thị trường và các hoạt động gian lận thương mại để kịp thời cung cấp cho các cơ quan nhà nước. Đồng thời, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc để giúp ngăn chặn hành vi gian lận thương mại nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng phân biệt các loại hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, gian lận thương mại
Vụ chế biến 2021-2022, dự kiến sẽ chỉ còn 24 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2020/2021. Số liệu tổng hợp từ kế hoạch sản xuất niên vụ 2021/2022 của các nhà máy đường như sau: diện tích mía thu hoạch 148.196 ha; sản lượng mía đưa vào chế biến 8.599.409 tấn. Năng suất mía dự báo sẽ đạt 66,5 tấn/ha, với chữ đường bình quân 10,3 CCS. Sản lượng đường niên vụ 2021/2022 dự báo đạt 873.283 tấn. |
M.C
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?