Vắc xin ồ ạt đổ về châu Á giữa "cuồng phong" Covid-19
Nhân viên y tế tiêm vắc xin Covid-19 tại Thái Lan (Ảnh: Getty). |
Chiều 15/7, khoảng 1,5 triệu liều vắc xin Moderna đã đến Indonesia - nơi đã trở thành điểm nóng Covid-19 ở châu Á và là ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á với số ca nhiễm và tử vong cao kỷ lục. Trước đó, 3 triệu liều vắc xin của Mỹ đã đến Indonesia vào ngày 11/7.
Kể từ tháng 3, 11,7 triệu liều vắc xin AstraZeneca đã được gửi đến Indonesia thông qua chương trình chia sẻ vắc xin COVAX của Liên Hợp Quốc.
"Điều đó thật đáng khích lệ. Có vẻ như đang diễn ra một cuộc chạy đua giữa vắc xin và các biến thể virus, không chỉ ở Indonesia, và tôi hy vọng chúng ta sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua này", Sowmya Kadandale, giám đốc y tế của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Indonesia, cho biết.
"Cả Moderna và AstraZeneca đều đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường những con số (vắc xin) này và đảm bảo nguồn cung (vắc xin) sẵn có. Mỗi liều vắc xin đều tạo ra sự khác biệt rất lớn", quan chức UNICEF cho biết, đồng thời lưu ý rằng Indonesia có kế hoạch tiêm chủng thêm cho 208,2 triệu người trước cuối năm này và đang tiêm 1 triệu mũi mỗi ngày.
Nhiều quốc gia khác trong khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều so với Indonesia vì nhiều lý do, bao gồm cả vấn đề sản xuất và phân phối vắc xin cũng như sự chần chừ ban đầu của nhiều nước khi số ca nhiễm còn thấp và chưa nhận thức được sự khẩn cấp.
Tuy nhiên, một số nước đã bị sốc sau khi chứng kiến sự tàn phá của đại dịch Covid-19 ở Ấn Độ vào tháng 4 và tháng 5, khi hệ thống y tế của nước này sụp đổ do sự gia tăng đột biến ca mắc Covid-19, trong khi chính phủ không có sự chuẩn bị và dẫn đến việc tử vong hàng loạt.
Cùng lúc đó, Ấn Độ - một nhà sản xuất vắc xin lớn trong khu vực - đã ngừng xuất khẩu vắc xin để có thể tập trung vào việc tiêm chủng cho người dân trong nước.
Gần đây, Mỹ đã gửi hàng chục triệu liều vắc xin đến nhiều quốc gia ở châu Á, bao gồm Việt Nam, Lào, Hàn Quốc và Bangladesh. Đây là một phần trong cam kết của Tổng thống Joe Biden nhằm cung cấp 80 triệu liều vắc xin cho thế giới.
Mỹ có kế hoạch tài trợ thêm 500 triệu liều vắc xin trên toàn cầu trong năm tới và 200 triệu liều trước cuối năm 2021.
Ngày 15/7, Nhật Bản cũng gửi 1 triệu liều AstraZeneca đến Indonesia, Đài Loan và Việt Nam như một phần của các thỏa thuận song phương. Australia cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam 1,5 triệu liều vắc xin AstraZeneca.
Trong tháng này, thông qua sáng kiến COVAX, Nhật Bản cũng gửi 11 triệu liều vắc xin đến Bangladesh, Campuchia, Iran, Lào, Nepal, Sri Lanka và những nước khác.
Philippines dự kiến sẽ nhận tổng cộng 16 triệu liều vắc xin vào tháng 7, bao gồm 3,2 triệu liều từ Mỹ vào cuối tuần này, 1,1 triệu liều từ Nhật Bản, 132.000 liều Sputnik V từ Nga, cũng như các liều vắc xin khác thông qua sáng kiến COVAX.
Canada tuần này cam kết viện trợ thêm 17,7 triệu liều vắc xin ngoài 100 triệu liều đã cam kết thông qua sáng kiến COVAX. Pháp đã cung cấp 1,7 triệu liều trên toàn thế giới tính tháng 6 thông qua COVAX và sẽ gửi thêm hàng triệu liều nữa vào mùa hè này.
Trong bối cảnh nhiều cam kết về vắc xin vẫn chưa được thực hiện và tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt ở nhiều quốc gia, các chuyên gia cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp các quốc gia đang phải vật lộn với tình trạng quá tải bệnh nhân và thiếu ôxy cũng như các nguồn cung quan trọng khác.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ trích sự bất bình đẳng về vắc xin trên thế giới, chỉ ra rằng nhiều quốc gia giàu có đã tiêm chủng một phần cho hơn một nửa dân số, trong khi đại đa số người dân ở các nước có thu nhập thấp hơn vẫn đang chờ đợi liều đầu tiên.
Theo Dân trí
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí
-
Không quân Việt Nam chuẩn bị khai thác dòng máy bay huấn luyện mới
-
Đại biểu Quốc hội băn khoăn khi mở rộng đất làm nhà ở thương mại
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”