“Trói buộc” mà không đạt mục tiêu quản lý, luật sẽ dở… 2 lần!
Đó là nhận xét của đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), ủy viên UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khi trao đổi về dự án luật Đầu tư (sửa đổi) ngay trước phiên thảo luận của Quốc hội (ngày 26/5) về nội dung này.
Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra. Qua 5 năm thi hành Luật Đầu tư 2014, cơ quan soạn thảo (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng phải sửa luật do trong quá trình xúc tiến đầu tư thời gian qua cho thấy, vẫn còn nhiều thủ tục, cơ chế“trói chân” doanh nghiệp khi việc phân cấp, phân quyền chưa thực sự mạnh mẽ. Đối chiếu mục tiêu với nội dung dự luật, chủ trương này đã được cụ thể hóa chưa, thưa ông?
Trong dự thảo luật sửa đổi lần này, tôi thấy các tiêu chí, điều kiện áp dụng đối với các dự án đầu tư không thay đổi ở cấp độ Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Quốc hội vẫn giữ quyền quyết định với những dự án rất lớn, ở những khu vực nhạy cảm về an ninh quốc gia, dự án sử dụng đất rừng, phải di dân lớn, khả năng tác động tiêu cực tới môi trường…
Nhìn chung, chỉ có một tiêu chí thay đổi là về định mức vốn sử dụng được điều chỉnh tăng lên, trong đó, có việc nâng mức vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng đối với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng.
Ngoài ra, trong Điều 31, dự thảo luật cũng đã thu hẹp phạm vi dự án phải trình Thủ tướng quyết định theo hướng phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh sân golf, dự án nhà ở tại đô thị có quy mô dân số từ 15.000 người trở lên…
Như vậy, chỉ còn những dự án kinh doanh Casino và dự án sử dụng vốn từ 10.000 tỷ đồng trở lên phải do Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư.
Những thay đổi như vậy là theo hướng tích cực, thể hiện quan điểm phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương, cho các bộ, ngành để có thể chủ động quyết định các kế hoạch thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Với tiêu chí mới về định mức vốn, nâng từ giới hạn 5.000 lên 10.000 tỷ đồng mà cơ quan soạn thảo dự luật đề xuất, ông nhận xét gì?
Theo tôi, quy định này không thực tế, không có nhiều ý nghĩa vì với những công cụ kiểm soát như quy định về lĩnh vực, ngành nghề được khuyến khích hay bị hạn chế đầu tư kinh doanh, đưa ra thì đã đảm bảo “khuôn” các dự án ở mức độ nhất định.
Ví dụ, một dự án xây dựng nhà ở tại đô thị mà quy mô tới 15.000 dân, tương đương với 1 phường/xã thì chắc chắc mức vốn đầu tư phải vượt trên 10.000 tỷ đồng rồi. Như vậy thì dự án đương nhiên đã phải qua các khâu, cấp xét duyệt như phạm vi quản lý đặt ra của Nhà nước (do Thủ tướng quyết định).
Mà nếu quy định “cứng” 10.000 tỷ đồng thì thực tế doanh nghiệp cũng không thiếu cách để lách luật. Như thế, đáng ra dự định đầu tư 10.000 tỷ, họ chỉ xây dựng kế hoạch 5.000 – 7.000 tỷ đồng thôi chẳng hạn, để tránh phải đưa lên cấp trên phê duyệt rồi sau khi triển khai hoàn toàn có thể điều chỉnh, bổ sung, thêm vốn.
Như vậy, mục tiêu quản lý sẽ không đạt được mà chỉ gây thêm trở ngại, thủ tục, tăng chi phí đầu tư, thậm chí làm phát sinh chuyện tiêu cực, “chạy chọt” các cấp quản lý.
Nói như vậy có thể hiểu ông không “thuận” với hướng quản lý qua việc kiểm soát quy mô sử dụng vốn của dự án?
Tất nhiên, phải phân biệt, nếu là dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thì quy định giới hạn quy mô nguồn vốn lại cần thiết, để xác định mức ảnh hưởng, tác động của dự án, đảm bảo việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước cũng như việc cân đối nguồn lực đầu tư, cân đối các nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước. Theo đó, các dự án đầu tư công sẽ phân thành nhóm A, B, C… để xác định cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nhưng ở đây, nội dung quy định của Luật Đầu tư là vốn đầu tư tư nhân thì Nhà nước không nên quản lý, chi phối vấn đề này. Doanh nghiệp bỏ tiền sẽ là người đầu tiên phải lo, phải tính để đồng tiền của mình sử dụng, đầu tư đạt hiệu quả.
Quan điểm chung của tôi là nên để nhà đầu tư quyền chủ động, linh hoạt trong việc quyết định sử dụng nguồn vốn, đầu tư vào dự án.
Lãnh đạo cơ quan thẩm tra dự thảo luật (UB Kinh tế) của Quốc hội cũng nêu yêu cầu Chính phủ lý giải về căn cứ để xác định con số 10.000 tỷ đồng được đưa ra?
Yêu cầu đó là đúng, xác đáng. Cơ quan soạn thảo đưa ra đề xuất chính sách thì phải có lý lẽ giải trình cho thuyết phục đối với những quy định muốn áp đặt chung.
Tôi thấy quy định chi phối về định lượng vốn như này có phần cứng nhắc, hình thức, không có nhiều ý nghĩa trong khi nó lại có thể gây ra những tác động không tốt với doanh nghiệp, với môi trường đầu tư kinh doanh. Ít nhiều, việc này cũng sẽ khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư khó khăn hơn, vướng mắc hơn trong các dự định đầu tư của mình. Qua đó, chi phí đối với hoạt động đầu tư cũng tăng lên, đó là còn chưa tính chi phí thời gian, chi phí cơ hội.
Một điều luật như ông nói, là hình thức, không có nhiều ý nghĩa như vậy nhưng tới nay, dự án luật đã đến bước trình Quốc hội cho ý kiến“vòng” 2 và được dự kiến thông qua vào cuối kỳ họp này vẫn chưa có sự điều chỉnh cho phù hợp, dù dư luận, các chuyên gia, cơ quan thẩm tra đã lên tiếng. Là một đại biểu sẽ bấm nút thông qua dự luật, ông có băn khoăn gì?
Như tôi đã nói, quy định giới hạn quy mô số vốn sử dụng như này có đưa vào trong luật cũng không có nhiều tác động, không nhiều ý nghĩa nên không cần quá lo lắng về nội dung này. Tuy nhiên, đã là hình thức, kém ý nghĩa thì tốt nhất là nên bỏ ra khỏi dự thảo luật để thuyết phục hơn với Quốc hội, để mỗi đại biểu yên tâm khi bấm nút.
Trong cuộc tranh luận nổi lên xung quanh vấn đề này, có ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo đã máy móc,“bê”quy định từ luật đầu tư công sang, cũng có ý kiến nghi vấn khả năng cơ quan quản lý “cài cắm”lợi ích trong làm luật khi để đưa dự án lên mức phê duyệt cao hơn, các bộ ngành chuyên môn sẽ có “quyền lợi”. Nhận định của ông?
Tôi thì chưa nghĩ đến khả năng lắt léo là có việc cài cắm lợi ích ở đây. Có vẻ như khả năng quy định này được đưa vào một cách máy móc thì nhiều hơn. “Bê” từ luật Đầu tư 2014 vào, chỉ điều chỉnh định mức từ 5.000 lên 10.000 tỷ, “bê” vào cả tư duy quản lý cứng nhắc như với dự án đầu tư công, sử dụng tiền ngân sách.
Để tránh hướng suy đoán không có lợi như vậy, tốt nhất ban soạn thảo luật nên loại bỏ quy định này trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua dự án luật.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Dân trí
-
Dịch vụ đòi nợ thuê sẽ chấm dứt hoạt động: Tránh để phát sinh biến tướng
-
Luật Đầu tư (sửa đổi): Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê
-
Đại biểu lo lắng về tính an ninh của những dự án nước sạch
-
Không nên cấm nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”
-
Hôm nay (15/11): Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)
-
Chủ tịch HĐQT Shinec: Kinh doanh tín chỉ carbon như "bán đàn vịt giời"
-
Thiếu hụt khung pháp lý - Rào cản giảm tốc hình thành thị trường carbon
-
[Video] "Sức khỏe" đất trồng trọt
-
Nâng cao vai trò của đội ngũ trí thức trong công tác phổ biến kiến thức khoa học công nghệ
-
Nếu đất khỏe, con người sẽ khỏe, thế hệ sau sẽ khỏe