Tranh luận doanh nghiệp có trên 50% vốn Nhà nước không phải đấu thầu
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung: Việc đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật; phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu (nội dung còn ý kiến khác nhau: phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước); các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Trách nhiệm của các bên và giải quyết kiến nghị, khiếu nại trong đấu thầu; Các nội dung khác đại biểu Quốc hội quan tâm.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)/Ảnh: Quốc hội |
Với phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án có ý kiến khác nhau để các đại biểu thảo luận, cụ thể:
Phương án 1, chỉ quy định các dự án đầu tư của DNNN thuộc đối tượng phải đấu thầu, bỏ quy định áp dụng đối với toàn bộ các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên, hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án như Luật hiện hành. Đây cũng là phương án Chính phủ kiến nghị tại Dự thảo Luật đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Phương án 2 đề xuất áp dụng với các gói thầu thuộc dự án đầu tư của DNNN theo quy định của Luật Doanh nghiệp và DN có vốn của DNNN trên 50% vốn điều lệ.
Phát biểu thảo luận tại Quốc hội, một số đại biểu có ý kiến cho rằng, cần phải áp dụng Luật Đấu thầu với các DNNN có trên 50% vốn điều lệ, để quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư.
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, về đối tượng áp dụng là doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước tại khoản 2 Điều 2, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhận thấy, đây là nội dung có thay đổi so với Luật hiện hành cũng như dự thảo Luật đã trình tại kỳ họp thứ 4, đây cũng là nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau. Đại biểu cho rằng, cần quy định hoạt động lựa chọn nhà thầu để lựa chọn thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước trên 50% vốn điều lệ...
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang |
Ngoài các lý do đã được nêu trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu cho biết, trong thực tế, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã sử dụng vốn của mình để thành lập các công ty con để phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Với quan điểm ở nơi đâu có sử dụng vốn, tiền ngân sách nhà nước thì ở đó phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do vậy, với những doanh nghiệp mà ở đó có quyền chi phối thuộc về doanh nghiệp nhà nước thì vẫn phải áp dụng cơ chế đấu thầu như dự án sử dụng vốn nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Qua đó sẽ quản lý được chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối và sẽ giữ được vai trò điều tiết trụ cột cho nền kinh tế.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị tương tự như ý kiến thứ 2, nhưng chỉ bổ sung thêm đối tượng là doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước 100% vốn điều lệ. Theo phương án này mở rộng hơn đối tượng so với loại ý kiến thứ nhất và thu hẹp hơn đối tượng so với loại ý kiến thứ 2, song chưa có cơ sở lý luận và thực tiễn để phân định việc loại trừ ra khỏi đối tượng với giữa doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước có từ 50% đến 99% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước 100% vốn điều lệ.
Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) lựa chọn phương án 2, trong đó điểm a quy định các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo luật của doanh nghiệp và doanh nghiệp nhà nước trên 50 % vốn điều lệ.
Tại Điểm b quy định gói thầu trang thiết bị, cơ sở vật chất… cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng nếu áp dụng theo phương án 2, thì với doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống sẽ do doanh nghiệp quyết định theo Luật Doanh nghiệp, khi đó vốn nhà nước trong doanh nghiệp có thể nắm giữ đến 50% vốn điều lệ nhưng không kiểm soát được. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đánh giá tác động đối với những trường hợp doanh nghiệp có vốn nhà nước nắm giữ đến 50% vốn điều lệ.
Đại biểu băn khoăn, khi doanh nghiệp liên doanh, liên kết với doanh nghiệp khác nhưng tỷ trọng vốn của doanh nghiệp nhà nước thực hiện gói thầu, dự án chưa đến 50% thì được xử lý như thế nào?
Tuy nhiên, cũng thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cho rằng, không nên mở rộng đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu đối với các công ty con có vốn trên 50% của DNNN, để đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) |
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đề nghị không mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của DNNN. Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, nếu mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của DNNN thì đồng nghĩa với việc mở rộng thêm 04 nhóm đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu, đây là phạm vi rất rộng, ảnh hưởng lớn đến quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đại biểu Hiếu, thu hẹp phạm vi đấu thầu đối với DNNN là sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng; tương thích trong hệ thống pháp luật. “Tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác”, “Tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước”.
Luật Đấu thầu cũng không phải là công cụ duy nhất quản lý Doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh đó còn có các cơ chế giám sát khác, do đó không nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của Doanh nghiệp nhà nước.
Cũng tại hội trường, đại biểu Phan Đức Hiếu không tán thành ý kiến lập luận của hai đại biểu trước đó, “nếu mở rộng phạm vi đấu thầu thì bảo vệ tốt hơn lợi ích của nhà nước”. Đại biểu Hiếu lập luận: "Theo tôi nếu ta áp dụng cứng nhắc việc mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của DNNN thì có thể làm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kém linh hoạt, không hiệu quả, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nhà đầu tư cũng như dán tiếp vô hình chung lợi ích của nhà nước cũng bị ảnh hưởng. Đại biểu bày tỏ lo ngại sự tác động của việc áp dụng Luật Đấu thầu cho công ty con của DNNN đến cả thị trường chứng khoán, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp. Bởi, hiện nay đa số các công ty con của DNNN cũng niêm yết trên thị trường chứng khoán, cũng lo ngại của các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài, sự lo ngại này có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, ở đó có vốn hỗn hợp giữa DN giữa Nhà nước và tư nhân.
Với các lý do trên, đại biểu Phan Đức Hiếu thống nhất với phương án Chính phủ đã trình là không mở rộng phạm vi đấu thầu đối với các DNNN có vốn điều lệ trên 50%.
Đồng quan điểm với đại biểu Phan Đức Hiếu, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu tại phiên họp về Điều 2 Đối tượng áp dụng trong dự thảo luật, cho rằng cần khuyến khích việc tham gia các hoạt động đấu thầu, nhưng không có nghĩa là các hình thức lựa chọn nhà cung cấp khác là không ưu việt. Cần quy định để đảm bảo không thất thoát tiền bạc của nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, nhưng cũng đảm bảo quyền định đoạt tài sản, tính linh hoạt, khuyến khích xã hội hóa.
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, về đối tượng áp dụng, cần quy định theo Phương án 1 như Chính phủ đã trình, theo đó, cần bãi bỏ quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP HCM phát biểu tranh luận |
Cũng tranh luận về phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, quy định trong luật không thể là vòng kim cô để quản lý, mà yếu tố cuối cùng vẫn là con người. Khi doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào một doanh nghiệp khác có thể chỉ ký 5-10% vốn của doanh nghiệp nên phải chịu sự chi phối của Luật Đấu thầu là không cần thiết.
Hơn nữa, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng và khi đấu thầu không chỉ có tiền mà có rất nhiều yếu tố khác như thời cơ, thời gian, thậm chí quen biết cũng là một yếu tố có lợi. Vì vậy, đại biểu thống nhất như phương án 1 của dự thảo luật, chỉ quản lý doanh nghiệp nhà nước, còn doanh nghiệp nhà nước có 50% vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được quản lý bằng rất nhiều luật khác. Nếu xảy ra tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra, không chỉ quản lý bằng Luật Đấu thầu.
Làm rõ phương án của Chính phủ, Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, phương án của Chính phủ sẽ không làm thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật và vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn Nhà nước. Dự thảo Luật đã quy định tất cả các hoạt động lựa chọn nhà thầu mà có sử dụng vốn ngân sách nhà nước đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Khi mà đã sử dụng vốn của nhà nước thì doanh nghiệp nhà nước hay không phải doanh nghiệp nhà nước mà đã sử dụng vốn của nhà nước đều phải thực hiện đấu thầu theo vi phạm điều chỉnh của Luật này.
Mặt khác, doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm bảo toàn sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Nhà nước không khan thiệp vào các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước tại các doanh nghiệp khác và phải bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí để đánh giá chủ yếu làm sao để đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cạnh tranh bình đẳng theo luật pháp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng phương án Chính phủ trình đã phù hợp với cả các quan điểm của Nghị quyết của Trung ương 12, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, vừa đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đấu thầu của các doanh nghiệp nhà nước, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý của nhà nước tại các doanh nghiệp.
Huy Tùng (lược ghi)
-
[PetroTimesTV] Cần đơn giản hóa các thủ tục, quy định, tăng tính chủ động trong sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước
-
Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5% là hợp lý
-
Bám sát 6 chính sách lớn để xây dựng dự thảo Luật Điện lực
-
Tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc phát sinh trong phát triển các dự án nhiệt điện khí
-
Nếu đất khỏe, con người sẽ khỏe, thế hệ sau sẽ khỏe
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam
-
Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp
-
Cải cách Thuế - Hải quan vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
-
Đề xuất các giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP HCM