Chính phủ bảo lưu quan điểm về phạm vi áp dụng đấu thầu đối với DNNN
Ngày 5/4, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Tại Hội nghị, một trong những nội dung tại dự thảo trước đây của Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhận được nhiều quan điểm trái chiều đối với tờ trình của Chính phủ về việc đề xuất thu hẹp phạm vi điều chỉnh áp dụng Luật Đấu thầu đối với DNNN.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, hiện đang có 2 loại ý kiến khác nhau về đối tượng điều chỉnh của luật này so với luật hiện hành.
Một loại ý kiến nhất trí với tờ trình của Chính phủ, chỉ quy định các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc đối tượng phải đấu thầu, bỏ quy định áp dụng đối với toàn bộ các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên, hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án như luật hiện hành.
Loại ý kiến thứ 2 cho rằng, nếu quy định như dự thảo Chính phủ trình có tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước, dẫn tới toàn bộ các dự án đầu tư của công ty con của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN… sẽ không phải áp dụng luật đấu thầu.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng: Rà soát, chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan…
Sau khi tiếp thu, tại Tờ trình mới nhất, Chính phủ giữ nguyên quan điểm cần thu hẹp đối tượng áp dụng đối với DNNN để đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu ( Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) |
Trao đổi với PV PetroTimes về vấn đề này, Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) khẳng định, ông hoàn toàn nhất trí và ủng hộ với Tờ trình của Chính phủ với các lý do:
Thứ nhất, theo ông Hiếu, sở dĩ trước kia Luật Doanh nghiệp (DN) chỉ xác định doanh nghiệp ‘F0’ mới là DNNN và chia DNNN làm 2 loại với mức độ sở hữu khác nhau vì cách tiếp cận mới về quản lý DNNN: DN có mức độ sỡ hữu khác nhau thì phải có phương thức quản lý khác nhau và không đánh đồng chủ thể. Khi những DNNN có vốn dưới 100% và công ty con của DNNN là chủ thể có cả lợi ích của nhà đầu tư tư nhân nên cách thức quản lý phải khác, là phải cân bằng giữa mục tiêu quản lý phần vốn nhà nước và quyền tự chủ, sự linh hoạt, nhanh nhạy, quyền lợi của các nhà đầu tư tư nhân trong DNNN. Nếu cứ đánh đồng các chủ thể này và áp dụng cùng một phương thức quản lý thì ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nhà đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư, có thể ảnh hưởng đến việc cổ phần hóa của DNNN sau này.
Thứ hai, cần hiểu là lợi ích của nhà đầu tư tư nhân trong công ty con của DNNN là rất lớn ngay cả khi chỉ sở hữu vài % nhưng khối lượng vốn trong DN rất lớn. Với khối lượng vốn như vậy, nhà đầu tư tư nhân có lợi ích để thiết kế những quy định, quy chế giám sát nội bộ, bao gồm cả đấu thầu để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, của cổ đông, của doanh nghiệp, giảm sự lạm quyền cổ đông lớn, giảm nguy cơ CBNV, người lao động chiếm đoạt lợi ích của công ty. Tuy nhiên, họ sẽ Thiết kế quy trình phù hợp với tính chất, phạm vi và công việc kinh doanh của họ. Như vậy, nếu áp dụng cứng nhắc như quy định của Nhà nước thì sẽ thấy không phù hợp, có thể gây hạn chế cho hoạt động công ty, ảnh hưởng lợi ích tất cả các bên. Cho nên, tôi vẫn nói là phải dựa trên sự cân bằng giữa quản lý Nhà nước và lợi ích nhà đầu tư tư nhân, nhu cầu tự thân của các nhà đầu tư tư nhân trong việc bảo vệ lợi ích của mình, ngay cả khi Nhà nước không yêu cầu thì họ vẫn cứ làm. Như vậy, sẽ phù hợp nếu áp dụng quy định của Luật Đấu thầu này với những DNNN, có lợi ích tuyệt đối ở đó.
Thứ ba, nếu áp dụng nguyên tắc cân bằng lợi ích và quyền tự chủ kinh doanh, nhanh nhạy của doanh nghiệp, thì công ty con của DNNN cần sự linh hoạt, chủ động lựa chọn phương thức, cách thức đấu thầu để phù hợp với mục tiêu, tính chất, lĩnh vực kinh doanh, với tình huống thực tế thì phải để cho họ lựa chọn cách của họ, nếu thấy cần thiết họ có thể áp dụng Luật Đấu thầu. Khi áp dụng Luật như vậy thì lợi ích của Nhà nước cũng được bảo vệ, tư nhân cũng vẫn được bảo vệ. Ngoài ra, đối với phần vốn nhà nước và phần vốn của DNNN trong doanh nghiệp khác còn có nhiều cơ chế khác để quản lý như Luật doanh nghiệp, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp,…
Còn theo ông Phan Đức Hiếu, nếu theo phương án 2 như nêu trên, áp dụng cho DNNN (theo LDN) và công ty con DNNN, tức là mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng doanh nghiệp, điều này dẫn đến nguyên tắc cân bằng lợi ích nêu trên bị nghiêng về nguy cơ là áp dụng cứng nhắc và hạn chế quyền tự chủ kinh doanh, sự nhanh nhạy trong DN vừa có vốn nhà nước, vừa có vốn tư nhân. Như vậy, trong nhiều trường hợp sẽ tạo ra sự thua thiệt, kém cạnh tranh cho chính DN đó và cả nhà đầu tư bên ngoài, như thế cả Nhà nước cũng sẽ bị thiệt. Tiếp đến, sau này cổ phần hóa, thoái vốn, sẽ ảnh hướng đến việc nhà đầu tư tư nhân cân nhắc quyết định có mua hay không để cùng kinh doanh với Nhà nước.
So sánh đối tượng áp dụng theo hai phương án ( Đồ họa: Phan Đức Hiếu) |
Với 3 lập luận như trên, “tôi đồng ý cần bảo vệ lợi ích của Nhà nước nhưng phải cân bằng giữa quyền tự chủ kinh doanh, nhanh nhạy, phù hợp của thực tiễn kinh doanh với nhu cầu nội tại của các nhà đầu tư trong các DN vừa có vốn nhà nước, vừa có vốn tư nhân. Rất nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp 100% nhà đầu tư tư nhân, đã thiết kế quy trình để đấu thầu, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ để bảo vệ lợi ích của mình, của cổ đông, đáp ứng được yêu cầu là đảm bảo phù hợp với thực tiễn kinh doanh, còn nếu áp dụng cứng nhắc là không phù hợp”, ông Hiếu cho biết. Trao đổi thêm về việc liệu có phương án nào khác, thì ông Hiếu cho rằng nếu muốn mở rộng hơn phương án của Chính phủ thì cũng chỉ nên cân nhắc thận trọng với một nhóm đối tượng là doanh nghiệp có 100% vốn của DNNN có sở hữu 100% vốn điều lệ của Nhà nước - nhưng cũng phải rất thận trọng, ông Hiếu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Phan Đức Hiếu, ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cũng đồng ý với Tờ trình của Chính phủ.
Ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC |
Theo ông Cường, nếu áp dụng Phương án 2 của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội là xem xét mở rộng áp dụng Luật Đấu thầu đối với những công ty con có vốn của DNNN như PTSC thì sẽ gần như bế tắc, gây khó khăn cho hoạt động của DN như PTSC.
Thứ nhất, là sẽ không giống với thông lệ quốc tế. PTSC chúng tôi có thể nói là một trong những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong phát triển dịch vụ dầu khí ra nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài sớm nhất. Tại các nước sở tại mà PTSC có quan hệ đối tác, hoạt động quản lý đấu thầu chỉ áp dụng bắt buộc chủ yếu đối với các tài sản công, nguồn vốn công. Các doanh nghiệp, kể cả có vốn của DNNN cũng được chủ động quyết định trong quá trình đầu tư, mua sắm. Khi cần thiết, họ có các quy trình mua sắm riêng của mình do họ tự xây dựng. Luật đấu thầu của họ không áp dụng đối với công tác mua sắm tại các DN có phần vốn của DNNN góp vào.
Chính vì vậy mà tại các Dự án, các đối tác nước ngoài hoàn toàn chủ động quyết định, đưa ra các phương án nhanh chóng, phát huy được sự linh hoạt, hiệu quả, tự làm tự chịu trách nhiệm. Các đối tác nước ngoài, khi làm việc với chúng tôi, nói thật, họ cũng thường “ái ngại” với các thủ tục đầu tư mua sắm nếu phải áp dụng Luật Đấu thầu của Việt Nam.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp đại chúng như PTSC, mặc dù có cổ đông là DNNN, nhưng cũng có hàng ngàn cổ đông khác trong và ngoài nước, thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nữa. Việc áp đặt các quy định bắt buộc của Luật đấu thầu đối với đầu tư mua sắm tài sản công, bằng vốn nhà nước, vào hoạt động đầu tư mua sắm của các công ty đại chúng sẽ làm mất bình đẳng với các cổ đông khác.
Thứ ba, một DN bình thường sẽ được làm những gì DN và luật không cấm, nhưng với DN có phần vốn của DNNN lại bị hạn chế hoặc phải tuân thủ theo các điều khoản A, B, C,… Nghĩa là làm giảm năng lực cạnh tranh của các DN có vốn NN so với DN bình thường, dẫn đến làm ăn không hiệu quả gây thiệt hại cho toàn bộ cổ đông, bao gồm cả cổ đông có vốn NN, khác gì tự mình hại mình.
Thứ tư, DN đại chúng theo lý thuyết tạm gọi là loại hình DN hiện đại nhất trên thế giới. Loại hình DN này công khai hơn, minh bạch hơn, quản trị tốt hơn, giám sát chặt chẽ hơn, phải hướng đến các cơ chế linh hoạt tối ưu thúc đẩy tối đa sự phát triển cho DN. Cơ chế chính sách cũng cần vận động theo xu hướng đó. Nếu tiếp tục áp dụng cơ chế quản lý đấu thầu theo cách thức quản lý đầu tư công, nghĩa là mình đang thụt lùi, đi ngược lại, làm cho mô hình hiện đại này bị hạn chế. Cuối cùng, việc áp những quy định thuần túy của quản lý Nhà nước vào sâu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN cổ phần trong giai đoạn, thời đại mọi thứ đang thay đổi liên tục như hiện nay, sẽ dẫn đến tạo ra áp lực cho chính người đại diện phần vốn của DN có vốn Nhà nước, cũng nghĩa là tạo áp lực cho cơ quan chức năng. Vì nếu cơ quan chức năng đặt ra luật mà lại không kiểm soát, giám sát được thì sau này sẽ tạo thành áp lực lên chính mình.
Ông Cường lấy ví dụ: Chúng tôi từng gặp nhiều khó khăn tại các Dự án quốc tế. Mặc dù chúng tôi được Khách hàng nước ngoài đánh giá cao về năng lực kỹ thuật, tài chính, đáp ứng được hầu hết các tiêu chí yêu cầu của chủ đầu tư. Nhưng để thực hiện Dự án, PTSC phải đảm bảo phải có sẵn một số phương tiện, thiết bị, nhà xưởng để phục vụ Dự án nếu trúng thầu, trong khi tiến độ Dự án là vô cùng gấp rút. Mà để có các phương tiện, thiết bị này một cách nhanh chóng, nếu phải áp dụng đầu tư theo các phương thức mua sắm của Luật Đấu thầu, tức là lập dự án, báo cáo trình duyệt các cấp, đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà cung cấp, sẽ là khó khả thi vì thường mất thời gian tương đối dài. Trong khi yêu cầu của khách hàng cần nhanh chóng, sẽ không thể đợi chúng tôi đầu tư mua sắm theo thủ tục. Để kịp thực hiện dự án, chúng tôi phải thay thế bằng giải pháp đi thuê phương tiện, dịch vụ. Mà đi thuê dịch vụ thì đương nhiên giá dịch vụ thuê ngoài sẽ không kinh tế, mình lại không chủ động được hoàn toàn. Giá thành tăng thì sức cạnh tranh đương nhiên sẽ giảm xuống.
Do vậy, Tổng giám đốc PTSC cho rằng cần phải thu hẹp đối tượng áp dụng để đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.
Huy Tùng - Thanh Thùy
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
-
Những ‘lo ngại’ thiếu định lượng sẽ làm hiểu sai tác động thuế GTGT phân bón 5% với nông dân
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị giữ quy định áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Đại biểu Quốc hội: Có dấu hiệu đầu cơ, thao túng thị trường bất động sản
-
VLF 2024: Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics
-
Giá vàng hôm nay (1/11): Thị trường thế giới quay đầu giảm
-
Sóc Trăng hợp tác nuôi trồng thủy sản bền vững
-
Bộ Công Thương phát động Cuộc thi tìm hiểu truyền thống ngành Công Thương
-
Giá vàng hôm nay (31/10): Đồng loạt tăng