TotalEnergies giữ nguyên chiến lược phát triển, bất chấp làn sóng biểu tình chống biến đổi khí hậu
Thêm một cáo buộc TotalEnergies đồng lõa với tội ác chống lại nhân quyền |
Ai thay thế TotalEnergies tại dự án dầu tỷ đô ở Kenya |
Hình ảnh tại cuộc biểu tình nơi diễn ra cuộc họp cổ đông của TotalEnergies |
Patrick Pouyanne, Giám đốc điều hành của TotalEnergies, nói với hàng trăm người tham dự tại nhà hát Salle Pleyel ở thủ đô nước Pháp rằng khí hậu là mối quan tâm hàng đầu của công ty.
Ông cho biết công ty của ông đã làm được nhiều hơn những doanh nghiệp khác trong đầu tư vào năng lượng tái tạo. Nhưng khi nhu cầu dầu thế giới đang tăng lên, “nếu TotalEnergies không đáp ứng nhu cầu này, những người khác cũng sẽ làm điều đó thay chúng tôi”.
Cảnh sát Pháp trước đó đã sử dụng hơi cay để giải tán những người biểu tình cố gắng ngồi trên mặt đất trước nhà hát sau khi họ phớt lờ ba cảnh báo trước đó. Pouyanne cho biết ông lấy làm tiếc khi phải “thực hiện các biện pháp đặc biệt cả trong việc gọi cảnh sát và kiểm soát chặt chẽ việc tiếp cận hội nghị này”.
Tuy nhiên, hàng trăm người biểu tình vẫn ở hai bên đường khi các cổ đông bước vào hội trường. Cảnh sát cho biết bốn người đã bị bắt giữ.
“Tất cả những gì chúng tôi muốn là đánh sập Total,” những người biểu tình hô vang.
TotalEnergies có kế hoạch phân bổ một phần ba khoản đầu tư của mình vào các nguồn năng lượng phát thải thấp và nâng công suất phát điện từ năng lượng tái tạo lên 100 gigawatt vào năm 2030. Tuy nhiên, Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp bà Agnès Pannier-Runacher vào thứ Sáu đã thúc giục công ty đẩy nhanh hơn nữa tiến độ.
Các hoạt động hiện tại của công ty bao gồm các dự án dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Iraq, Papua New Guinea và đặc biệt là Uganda, nơi tập đoàn này bị chỉ trích vì một dự án đường ống mà các nhà hoạt động cho rằng đe dọa hệ sinh thái dễ bị tổn thương và sinh kế ở đây.
Gã khổng lồ của nước Pháp cũng đã gây ra tranh cãi sau khi công bố mức lợi nhuận ròng kỷ lục 20,5 tỷ USD cho năm ngoái, số thuế họ trả ở Pháp và số tiền họ trả cho CEO Pouyanne.
Biểu tình
Cuộc biểu tình nổ ra tại một loạt các cuộc họp cổ đông của các tập đoàn lớn ở châu Âu khi các nhà hoạt động gia tăng áp lực lên các công ty nhằm giảm lượng khí thải carbon của họ.
Các nhà vận động khí hậu đang ngày càng mất kiên nhẫn với các tập đoàn dầu mỏ lớn và các công ty khác về tác động của họ đối với trái đất. Các đại gia năng lượng đã công bố lợi nhuận kỷ lục vào năm ngoái khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu và khí đốt tăng vọt.
Trong cuộc họp cổ đông thường niên của tập đoàn dầu khí Shell của Anh hôm thứ Ba, các nhà hoạt động đã hô to "Go to Hell Shell!" (Xuống địa ngục đi Shell).
Tại Thụy Sĩ vào thứ Sáu, các cổ đông của gã khổng lồ hàng hóa Thụy Sĩ Glencore đã tìm cách buộc công ty phải chịu trách nhiệm về chiến lược than đá của mình.