Tình Sài Gòn trong mắt người con xa xứ mắc kẹt giữa tâm dịch
Người Sài Gòn hào sảng, người Sài Gòn bao dung, chở che những đứa con xa quê chọn đất Sài Gòn làm nơi nương náu. Trong dịch dã, ấm lòng hơn bởi cái tình của người Sài Gòn dành cho lữ khách tha hương.
Có ai đó đã nói, không ai được chọn nơi mình sinh ra nhưng chúng ta có thể chọn nơi để sống. 18 năm trước, tôi rời Nghệ An để vào Sài Gòn lập nghiệp. Cơm áo gạo tiền nơi chốn phồn hoa đô hội không hề dễ dàng với một thanh niên nhà quê như tôi.
Thất bại, bầm dập, tôi chọn cách trốn chạy. Tôi đi xuất khẩu lao động để tìm kiếm vận may, nuôi hi vọng không thể làm ông này bà nọ, cũng có đồng vốn dắt lưng mà ngửa mặt với đời. Nhưng rồi, cuộc đời không như tôi nghĩ. Cú sốc tình cảm khiến tôi phải quay về. Sài Gòn một lần nữa bao dung với đứa con xa xứ như tôi.
Công việc của một lái xe tải cũng đủ cho cuộc sống của hai bố con trong khu nhà trọ ở quận Gò Vấp. Sài Gòn nhộn nhịp, sôi động nhưng cũng tĩnh lặng, đủ để ta đắm mình trong suy tư bình yên sau bộn bề lo toan. Cuộc sống cứ như vòng tuần hoàn không dứt với những công việc lặp đi, lặp lại. Sáng, hai bố con ra đầu ngõ gọi một thứ gì đó để ăn rồi con đến trường, bố đi làm. Chiều tối, tôi đón con về, dăm ba câu chuyện chộn rộn căn phòng nhỏ, rảnh rỗi thì sang hàng xóm tán gẫu trước khi chìm vào giấc ngủ trong văng vẳng tiếng rao đêm, tiếng còi xe của một thành phố không ngủ.
Thành phố giãn cách, người dân được khuyến cáo ở trong nhà, không ra ngoài nếu không thực sự cần thiết. Những người cơm đường cháo chợ như chúng tôi không trở tay kịp. Không bếp núc, không dự trữ thực phẩm, cái tủ lạnh chỉ toàn các loại nước và ít hoa quả. Cũng may, tôi đã kịp khuân về thùng mì và ít cháo gói.
So với nhiều người, tôi vẫn tự thấy mình may mắn, ít nhất là đến giờ này khi không bị "bế" đi và vẫn còn một chốn để trú thân trong những ngày dịch bủa vây. Bố tôi gọi điện, bảo bỏ hết tất cả mà về quê. Mẹ tôi lo lắng cho cháu, thở dài than vắn, bà quyết liệt bắt tôi về. Về quê, có chắc sẽ an toàn hơn trong đại dịch? Về quê, nhỡ mang mầm bệnh về lại trở thành gánh nặng cho gia đình, cho quê hương thì sao? Con còn xoay xở được, bố mẹ đừng lo! Tôi nói chắc nịch với bố mẹ như thế, bởi tôi biết người Sài Gòn không bỏ rơi ai, dẫu giữa muôn vàn khó khăn, thiếu thốn.
Sài Gòn bị phong tỏa, người lao động nghèo như chúng tôi là những người phải chịu tác động đầu tiên. Mọi người động viên nhau cố lên trong nỗi lo lắng giấu kín. Nỗi lo dịch bệnh, nỗi lo duy trì bữa ăn hàng ngày khi những khu cách ly được thiết lập khắp nơi.
Những siêu thị 0 đồng đã mọc lên ở nhiều nơi. Trong các khu phong tỏa, người dân chia nhau từng mớ rau, từng cọng hành, từng hạt muối, từng thìa đường... Bữa cơm tuy thiếu thốn nhiều thứ so với ngày thường nhưng lại ăm ắp tình cảm...
Khi những ca dịch đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn, trong nỗi lo âu bao trùm, chúng tôi nhận được thông tin ấm lòng từ cô chú chủ nhà. Dãy trọ của tôi ở quận Gò Vấp có 50 phòng với 200 nhân khẩu trú ngụ, tất cả phòng trọ đều được miễn hoặc giảm tiền thuê phòng.
Hai bố con tôi chiến đấu với mì tôm với cháo gói mấy ngày liền. Thời điểm đó thành phố chưa phát phiếu đi chợ, phần nữa lo bước chân ra ngoài lỡ "dính" dịch. Tôi thì không vấn đề gì nhưng với cậu con trai 11 tuổi thì đó là cả một vấn đề. Trong lúc rối bời thì tôi nhận được tin nhắn từ cô chú chủ nhà: "Trưa nay cô nấu cơm, hai bố con nghỉ ăn mì tôm một bữa nhé". Chỉ câu nhắn ấy thôi mà thằng đàn ông đã gần 40 tuổi đời như tôi rơi nước mắt. Bữa cơm của cô chú không chỉ là no cái bụng mà ấm áp vô cùng bởi tình người giữa dịch.
Cô chú mua tủ lạnh lớn, về chất vào đấy bao nhiêu rau, trứng để dãy trọ ai cần có thể lấy, thực phẩm luôn được bổ sung hàng ngày. Biết bố con tôi không có bếp núc, xoong nồi, cô cho mượn... Hỏi ra mới biết cô chú còn mấy tỷ vay ngân hàng hồi xây dãy trọ chưa trả hết, hàng tháng cũng phải trả khoản tiền lãi không hề nhỏ. Mà không chỉ giúp bố con tôi, 50 hộ trong xóm đều được cô chú nhắn tin, gọi điện hỏi han, hỗ trợ thực phẩm thiết yếu nếu cần.
Không chỉ cô chú chủ nhà trọ của tôi, nhiều bạn bè, đồng hương của tôi cũng nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của người dân Sài Gòn. Điều đó khiến chúng tôi - những lao động xa xứ bị mắc kẹt trong tâm dịch Sài Gòn không còn cảm giác bơ vơ, cô độc.
Rồi Chính phủ quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách 19 tỉnh, thành phía Nam thêm 14 ngày, trong đó có Sài Gòn. Tình hình dịch được dự báo sẽ phức tạp hơn, do đó công tác chống dịch cũng khẩn trương hơn, khó khăn hơn. Tất cả người dân ngoại tỉnh như chúng tôi được yêu cầu "ai ở đâu ở đấy" để chống dịch. Nỗi lo lắng tăng lên gấp bội, bởi không phải tất cả mọi người đều may mắn như bố con tôi.
"Bà con hãy bình tĩnh, yên tâm ở lại thành phố. Trong giai đoạn khó khăn, bà con cố gắng đồng hành cùng thành phố, thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực xã hội, nguồn lực từ các địa phương, thậm chí ngân sách, quỹ dự trữ của thành phố để đảm bảo việc chăm lo cho bà con. Chúng tôi cam kết không để ai phải thiếu đói trong thời điểm này". Tôi đọc được phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi trên báo và vững tâm hơn.
Cả nước lại dồn mọi nguồn hỗ trợ cho Sài Gòn, từ con người, hàng hóa thiết yếu, kinh phí, đặc biệt là thiết bị y tế, vắc xin. Ân tình của người Sài Gòn dành cho chúng tôi quá lớn. Yêu thương cả nước dành cho Sài Gòn quá lớn. Và chúng tôi tin vào lời cam kết của Phó Bí thư Phan Văn Mãi, vào những gì Sài Gòn đang nỗ lực để đảm bảo an toàn sức khỏe và cuộc sống của chúng tôi.
Nhanh thôi, Sài Gòn sẽ đẩy lùi dịch bệnh. Nhanh thôi, Sài Gòn sẽ tái thiết và trở lại. Nhanh thôi, chúng ta sẽ trở lại với những sôi động, ồn ã như vốn có của thành phố hơn 10 triệu dân này.
Theo Dân trí
-
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Đề xuất vinh danh 58 bộ sách, cuốn sách
-
Hơn 60 quốc gia tham gia Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 tại Hà Nội
-
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tại Kon Tum
-
Phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa
-
[Chùm ảnh] Cận cảnh Tượng đài Chuyến tàu Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cà Mau