Tin tức kinh tế ngày 26/5: Sốt giá đất ảo do "cò đất" hoành hành
Sốt giá đất ảo ở Tây Ninh do "cò đất" hoành hành
Một mảnh đất trồng cao su tại huyện Trảng Bàng được "cò đất" phân lô bán nền. (Ảnh: TTXVN) |
Thời gian gần đây, giá đất tại nhiều khu vực tỉnh Tây Ninh bỗng dưng lên "cơn sốt" bất thường. Nguyên nhân được cho là do "cò đất" (môi giới) đồn thổi có nhiều dự án sắp hình thành, đẩy giá đất tăng cao từ 3-5 lần so với thời điểm cuối năm 2018.
Hiện tại, ở một số khu vực như thành phố Tây Ninh, huyện Hòa Thành, Trảng Bàng, Gò Dầu, Châu Thành, Bến Cầu, Dương Minh Châu..., giá đất nền, đất ruộng tăng lên chóng mặt. Thậm chí, đất ở tận những vùng nông thôn trước đây ít người lui tới cũng sốt giá qua từng ngày. Nhiều mảnh đất bỏ hoang được giới "cò" mua lại, rồi làm đường nội bộ, phân lô rao bán với giá tăng gấp 5, 6 lần so với giá mua trước đó.
Để chấn chỉnh việc phân lô, bán nền manh mún, phá vỡ quy hoạch, thiếu kiểm soát, gây "sốt ảo" giá đất, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.
Trước khi thực hiện tách thửa, đối với thửa đất có diện tích từ 500m2 đến 2.000m2, người sử dụng đất phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; thửa đất có diện tích trên 2.000m2, người sử dụng đất phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các quy định khác liên quan đến đầu tư được cơ quan nhà được có thẩm quyền phê duyệt.
Giá trị sản xuất công nghiệp ở phía Bắc chững lại
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tại Hội nghị ngành công thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Theo ông Đặng Hoàng An, nếu như năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của vùng đạt cao nhất so với các khu vực trên cả nước thì mức tăng của những tháng đầu năm 2019 có dấu hiệu chững lại.
Một số ý kiến đưa ra tại hội nghị cho rằng, sự chuyển dịch cơ cấu ở một số lĩnh vực công nghiệp chưa thực sự bền vững, khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp còn hạn chế. Sản xuất công nghiệp vẫn chưa tham gia được nhiều vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn thấp ngay cả với các nước trong khu vực, gây hạn chế đáng kể vào khả năng sản xuất những sản phẩm, dịch vụ có tính ưu việt, chất lượng và giá trị cao. Thêm vào đó, việc quy hoạch phát triển cụm công nghiệp còn chậm. Cung cầu hàng hóa tuy được bảo đảm nhưng thiếu tính bền vững do thiếu sự liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa.
Tiếp thu ý kiến, đề xuất của các địa phương, Bộ Công Thương khẳng đinh sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ những vướng mắc tối đa cho các địa phương. Tuy nhiên, với những khó khăn đã được nhận diện, các địa phương cần sớm triển khai giải pháp, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại.
Triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Thụy Điển
Thủ công mỹ nghệ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Thụy Điển. (Ảnh: TTXVN) |
Từ ngày 26-28/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân có chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1969-2019), góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước
Cùng với sự phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, quan hệ thương mại giữa hai nước đang ngày càng tăng lên. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt hơn 1,8 tỷ USD. Đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Tính đến hết tháng 3/2019, Thụy Điển đứng thứ 33 trong tổng số 131 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 67 dự án còn hiệu lực.
Thụy Điển đầu tư chủ yếu theo hình thức liên doanh (bảy dự án) và 100% vốn nước ngoài (28 dự án). Các dự án của Thụy Điển có mặt tại bảy tỉnh, thành phố của Việt Nam là Hà Nội, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Hưng Yên. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Thụy Điển sớm có mặt tại Việt Nam như Ericsson, ABB, IKEA, Electrolux... Hãng sản xuất xe hơi Volvo và hãng thời trang bình dân H&M của Thụy Điển đã mở cửa hàng tại Việt Nam. Tập đoàn sản xuất đồ gia dụng, nội thất nổi tiếng thế giới của Thụy Điển là IKEA sẽ sớm có hoạt động tương tự.
Rau quả Việt Nam chinh phục các thị trường khó tính
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả tháng 4 đạt 466,65 triệu USD, tăng 28% so với tháng 3. Nâng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả 4 tháng năm 2019 lên 1,4 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm 73% với giá trị đạt hơn 1 tỷ USD. Tiếp đến là Mỹ, chiếm 3,2% tỷ trọng đạt 45,5 triệu USD. Hàn Quốc, Nhật Bản... đạt lần lượt 43,6 triệu USD; 36,58 triệu USD.
Mặc dù vậy, điểm khác biệt là thị trường truyền thống như Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại trong khi các nơi khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật lại tăng mạnh.
Cùng với sự chuyển dịch trên, năm nay xuất khẩu rau quả tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc khi các thị trường Italy, Indonesia, Lào đang dần ưa chuộng rau củ quả của Việt Nam.
Bốn tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả sang Italy tăng hơn 5 lần, xuất sang Indonesia cũng tăng gấp 4 lần. Tại thị trường Lào, xuất khẩu rau quả cũng tăng gấp đôi. Ngoài ra, các thị trường mới từ đầu năm là Na Uy, Ai Cập, Saudi Arabia, Thụy Sỹ.
Vinamilk xây "resort" bò sữa organic 5.000 ha tại Lào
Dự án Tổ hợp "Resort" bò sữa Organic tại cao nguyên Xiêng Khoảng |
Ngày 24/5, tại tỉnh Xiêng Khoảng, Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Tổ hợp "Resort" bò sữa Organic của Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk chính thức khởi công giai đoạn 1. Dự án đồng thời là kết quả hợp tác chiến lược giữa Vinamilk với công ty liên doanh của Lào và Nhật Bản Lao-Jagro.
Tổ hợp "Resort" bò sữa của Vinamilk tọa lạc tại cao nguyên Xiêng Khoảng, dự kiến hoạt động vào năm 2020, định hướng trở thành tổ hợp trang trại có quy mô 20.000 ha với đàn bò 100.000 con. Dự kiến cuối năm 2020, trang trại sẽ hoàn thành việc xây dựng và đạt chứng nhận hữu cơ theo chuẩn châu Âu và tiêu chuẩn Mỹ, cung cấp nguyên liệu sữa tươi organic cho nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam và xuất khẩu.
Giai đoạn 1 của dự án có tổng diện tích quy hoạch hơn 5.000 ha. Quy mô tổng đàn là 24.000 con, với vốn đầu tư ban đầu là 120 triệu USD. Giai đoạn 2 sẽ được đầu tư để nâng quy mô đàn bò dự kiến lên đến 100.000 con, trên diện tích từ 15.000 đến 20.000 ha. Tổng mức đầu tư cho cả hai giai đoạn dự kiến là 500 triệu USD.
Lâm Anh (t/h)
-
Tin tức kinh tế ngày 27/10: Thanh, kiểm tra các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam
-
Tin tức kinh tế ngày 26/10: Nợ nước ngoài của Chính phủ giảm nhanh
-
Tin tức kinh tế ngày 25/10: Thu ngân sách cả năm 2024 ước tăng trên 10%
-
Tin tức kinh tế ngày 22/10: Nhập khẩu sắt thép của Việt Nam tăng mạnh
-
Tin tức kinh tế ngày 21/10: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%
-
Giá vàng hôm nay (28/10): Giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Giá dầu hôm nay (28/10): Bất ngờ giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Liên minh Châu Âu và Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm giải pháp thuế quan xe điện
-
Thủy sản Việt Nam duy trì sức hấp dẫn trên thị trường thế giới
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 28/10: Giá dầu thế giới "tuột dốc không phanh"