Tin tức kinh tế ngày 23/7: Bất ngờ nhập siêu gần 700 triệu USD nửa đầu tháng 7
Bất ngờ nhập siêu gần 700 triệu USD nửa đầu tháng 7
Theo thông tin Tổng cục Hải quan mới công bố, 15 ngày đầu tháng 7, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 10,504 tỷ USD và trị giá nhập khẩu đạt 11,183 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại trong 15 ngày đầu tháng này của nước ta lại nhập siêu gần 700 triệu USD.
Tuy nhiên, do con số xuất siêu hết tháng 6 vẫn đạt mức cao gần 1,6 tỷ USD, nên lũy kế từ đầu năm đến 15/7, nước ta vẫn xuất siêu hơn 900 triệu USD.
Ảnh minh họa |
Những ngày đầu tháng 7, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn liên tục biến động và không theo quy luật nhiều năm gần đây. Nửa đầu tháng, các nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch lớn nhất là điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,717 tỷ USD; dệt may đạt 1,55 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,421 tỷ USD...
Lũy kế từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 133 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương con số tăng thêm hơn 9,8 tỷ USD. Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện đạt 25,2 tỷ USD; dệt may đạt 16,6 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 16,94 tỷ USD.
Từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước được 132,075 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ 2018, tương đương con số tăng thêm gần 11,5 tỷ USD. Đến 15/7, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 265 tỷ USD.
6 tháng đầu năm, tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD
Theo Ban tổ chức Diễn đàn mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A Vietnam Forum 2019), năm 2018, tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt 7,64 tỷ USD, bằng 74,9% so với năm 2017. Tuy nhiên, nếu loại trừ đóng góp của thương vụ kỷ lục Sabeco, yếu tố gây đột biến cho hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2017, thì giá trị M&A năm 2018 tại Việt Nam tăng 41,4%.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam chỉ đạt 1,9 tỷ USD (bằng 53% cùng kỳ năm 2018, 3,55 tỷ USD). Tuy nhiên, chỉ mới hôm qua (22/7), thương vụ KEB HANA Bank với 885 triệu USD mua 15% cổ phần Ngân hàng BIDV đáng chú ý nhất. Đây là thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.
Trong đó, SK Group đến từ Hàn Quốc thành cổ đông lớn của Vingroup sau thương vụ tỷ USD mới đây không chỉ là động lực thúc đẩy thị trường M&A bước sang một giai đoạn mới, khối doanh nghiệp tư nhân tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A hiệu quả cao, quy mô lớn.
Theo nhận định của các chuyên gia của Diễn đàn M&A, các lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2018-2019 tập trung vào các lĩnh vực bao gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản; các thương vụ đáng chú ý tập trung trong ngành tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủy sản, logistics, giáo dục… Vì vậy, dự báo, năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với 2018.
6 tháng, dư nợ tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt trên 2 triệu tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội cho biết, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có xu hướng tăng so với cuối năm 2018. Dự kiến đến 31/7/2019, tổng nguồn vốn huy động đạt 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 7,28% so với 31/12/2018. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 7,81%, tiền gửi thanh toán tăng 7,49%, tiền gửi bằng VND tăng 8,75% và tiền gửi bằng ngoại tệ tăng 0,89% so với 31/12/2018.
(Ảnh minh họa) |
Trong tháng 7, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp huy động vốn, đa dạng hóa các hình thức huy động, tăng cường nắm bắt và tiếp cận các khách hàng có nguồn vốn nhàn rỗi; khuyến khích khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài để cải thiện cơ cấu nguồn vốn huy động, nên nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có xu hướng tăng so với cuối năm 2018.
Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, khách hàng, các nhu cầu đầu tư khác cũng như đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng.
Tính đến 31/7/2019, nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn dự kiến chiếm 2% trong tổng dư nợ. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn luôn đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động ngân hàng, đảm bảo thanh khoản và khả năng chi trả ngay, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế.
Giá cá tra lao dốc
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá bán buôn cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tháng 6/2019 tiếp tục xu hướng giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng trước xuống còn 22.000-23.000 đồng/kg đối với cá tra loại I (800-900g/con), trong khi giá thu mua chỉ trong khoảng 20.000-21.000 đồng/kg. Lượng bắt của các doanh nghiệp (DN) ở mức thấp, chủ yếu bắt cá ao nhà và hạn chế mua ngoài.
(Ảnh minh họa) |
Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản nhận định, nhìn chung thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong nửa đầu năm 2019 có xu hướng suy yếu dần sau một năm liên tục tăng nóng: giảm gần 16.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018, giảm gần 10.000 đồng/kg so với đầu năm nay và đang ở mức thấp nhất trong khoảng 2 năm qua. Do ảnh hưởng bởi giá cá tra nguyên liệu giảm nên nhu cầu giống thả nuôi trong dân giảm, giá cá giống cũng giảm mạnh: loại 30 con/kg dao động ở mức 18.000-20.000 đồng/kg (trong khi cuối năm 2018 giá cá giống là 60.000-65.000 đồng/kg).
Lý giải nguyên nhân khiến giá cá tra giảm mạnh, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng, nửa cuối năm 2018 giá cá tra tăng cao khiến nhiều hộ nuôi thả phấn khởi mở rộng diện tích ao, đầu tư thêm diện tích mới. Hơn nữa, sang năm 2019 dù giá cá tra có dấu hiệu "giảm nhiệt", nhưng đến hết quý I/2019, nông dân và DN vẫn thu lãi lớn từ nuôi và xuất khẩu cá tra.
Tuy nhiên, từ cuối quý I/2019 giá cá tra bắt đầu giảm mạnh và từ đầu tháng 7/2019 đến nay, giá cá tra thương phẩm và cá giống ở mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Hơn nữa, Trung Quốc siết chặt hàng rào kỹ thuật; số lượng cá tra xuất khẩu sang Mỹ cũng giảm sút mạnh khiến lượng cá bị “đóng băng” không thể xuất khẩu, lượng cá tồn đọng đang gia tăng.
Việt Nam xuất khẩu hạt giống dưa hấu sang Nhật
Sau 2 năm nhận chuyển giao kỹ thuật theo thỏa thuận giữa Hagihara Farm (Nhật Bản) và Tập đoàn Lộc Trời, 8,1 kg hạt giống dưa hấu đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang Nhật, cung cấp giống cho gần 20 ha canh tác.
Giống dưa hấu trồng lấy hạt được cung cấp bởi Hagihara Farm. Ban đầu, công ty này chọn Gia Lai để làm khảo nghiệm nhưng kết quả không như mong muốn. Phía Lộc Trời thuyết phục các chuyên gia Nhật Bản chuyển về trồng thử tại Tiền Giang và Hậu Giang, bởi điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi và nông dân có kinh nghiệm canh tác dưa hấu lâu năm.
Anh Trần Việt Trương (Đồng Phước, Châu Thành, Hậu Giang) là một trong hai người trực tiếp tham gia sản xuất thành công lô hạt giống dưa hấu xuất khẩu đầu tiên. Đầu năm, anh Trương đã trồng thử nghiệm vụ dưa lấy hạt theo quy trình sản xuất của Hagihara, với hỗ trợ kỹ thuật của Lực lượng 3 Cùng (Lộc Trời).
Phía Lộc Trời cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với Hagihara Farm tiến tới xây dựng quy trình trồng dưa hữu cơ tại Việt Nam. Đồng thời, sản xuất và phân phối hạt giống tại Việt Nam, xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước. Hiện khoảng 80-90% hạt giống dưa hấu tại Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu.
M.L (t/h)
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Tin tức kinh tế ngày 17/10: Việt Nam xuất khẩu gần 1,3 triệu tấn phân bón trong 9 tháng
-
Tin tức kinh tế ngày 16/10: Thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ chính thức vượt 100 tỷ USD
-
Tin tức kinh tế ngày 15/10: Trái phiếu doanh nghiệp “ấm dần”
-
Tin tức kinh tế ngày 14/10: Giá cà phê xuống mức thấp nhất 5 tuần
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện cho Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%