Tin tức kinh tế ngày 17/9: Xuất khẩu gạo ngày càng thêm khó
Xuất khẩu rau quả sụt giảm 4 tháng liên tiếp
Nông sản có tháng thứ 4 sụt giảm sản lượng xuất khẩu |
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp, kể từ tháng 5 đến nay, trong đó, tháng 5 giảm 23,1% so với tháng trước đó, tháng 6 giảm 21,8%, tháng 7 giảm 11,8% so với tháng 6/2019, đạt 247,67 triệu USD và tháng 8 tiếp tục giảm còn 246 triệu USD.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước đạt 2,53 tỷ USD, giảm gần 6% so với 8 tháng đầu năm 2018.
Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc 7 tháng qua chỉ đạt 1,6 tỷ USD, chiếm trên 70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Rau quả xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Nam Á cũng bị sụt giảm sâu, đạt 82,79 triệu USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất sang Thái Lan giảm 14,4%, còn 28 triệu USD, Malaysia giảm mạnh 44%, còn 17,6 triệu USD, Campuchia giảm 28,6%, còn 1,5 triệu USD…
Dự báo, xuất khẩu hàng rau quả những tháng cuối năm 2019 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư.
Trong đó, thị trường quan trọng nhất là Trung Quốc đã siết nhập khẩu tiểu ngạch, trong khi Việt Nam mới có 9 loại trái cây được phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu, gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và mới đây là măng cụt.
Xuất khẩu gạo ngày càng thêm khó
Xuất khẩu gạo giảm liên tục trong 3 năm qua |
2019 là năm khó khăn tứ bề với ngành gạo. 8 tháng, giá trị xuất khẩu mới đạt 2 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ, thị trường quan trọng nhất là Trung Quốc còn giảm 67,5% về giá trị.
Tại Hội nghị bàn Giải pháp xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc do Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào cuối tuần qua, ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc ngày càng khó do thị trường này đã siết chặt quy định nhập khẩu gạo.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 318 tấn, tương đương 160 triệu USD, giảm 65,7% về lượng và giảm 67,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ riêng Trung Quốc, gạo xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn cũng "gập ghềnh" từ đầu năm đến nay.
Khó khăn vẫn chưa hết, bởi giá gạo xuất của Việt Nam đang thấp khá nhiều so với các nước khác. Ví như, gạo 5% tấm của Thái Lan tăng từ 395-405 USD/tấn lên 405-425 USD/tấn (FOB Băng Cốc) thì gạo 5% tấm của Việt Nam giảm từ 340-350 USD/tấn còn 335-345 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn). Gạo 5% tấm Ấn Độ dù giảm từ 381-384 USD/tấn xuống còn 373-374 USD/tấn nhưng vẫn cao hơn giá gạo Việt Nam.
Thị trường lúa gạo trong ngắn hạn dự báo vẫn sẽ gặp khó khăn do việc xuất khẩu sang Trung Quốc và Phillipines gặp nhiều hạn chế. Sau thời gian dài giảm, nhu cầu gạo từ thị trường Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.
Ngoài ra, nhiều nước như Indonesia, Malaysia, Philippines… hiện đang tăng cường đầu tư sản xuất lúa để giảm nhập khẩu, chưa kể không nhiều doanh nghiệp Việt có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch.
Hơn 41 nghìn tỷ đồng thuế nợ không có khả năng thu hồi
Nợ thuế không thể thu hồi cần phải xóa lên tới hơn 41 nghìn tỉ đồng |
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, sáng 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Trình bày Báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua, cơ quan quản lý thuế đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hồi nợ đọng thuế, theo đó số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước. Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2018 là 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ. Cơ quan thuế quản lý là 37.572 tỷ đồng, Cơ quan Hải quan quản lý là 3.815 tỷ đồng.
Đưa năng lượng sạch đến từng hộ gia đình
Việt Nam có tiềm năng lớn và đang trở thành thị trường đầu tư hấp dẫn về năng lượng xanh |
Ngày 17/9, tại Hà Nội, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA) và nhóm Công tác về Biến đổi Khí hậu (CCWG) tổ chức Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019.
Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam đã tạo ra một diễn đàn trao đổi thông tin, đối thoại đa phương để đưa ra các đề xuất giải pháp đóng góp vào quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng và mang lại lợi ích lớn nhất cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Trong vòng một năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành, nước ta đã trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, quá trình phát triển “thần tốc” này cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, nguồn nhân lực/việc làm và nguồn tài chính…
Để Việt Nam có thể vượt qua những thách thức này, rất cần sự chung tay, ủng hộ và nỗ lực hành động của các bên từ các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chính quyền và cộng đồng địa phương đến các tổ chức phát triển hay khối tài chính, ngân hàng.
Tuần lễ năng lượng tái tạo 2019 tập trung vào chủ đề Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm từ quốc tế. Đây là cơ hội để mang tiếng nói của các bên liên quan đóng góp vào quá trình thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hiệu quả và bền vững tại Việt Nam. Cụ thể như đóng góp ý tưởng, giải pháp cho những định hướng phát triển năng lượng như Quy hoạch điện VIII hay các chính sách phát triển năng lượng tái tạo và khí hậu, bảo vệ môi trường.
Tuần lễ năng lượng tái tạo 2019 diễn ra từ ngày 17-20/9 tại Hà Nội và An Giang.
Asanzo thông tin chính thức về vụ việc liên quan đến nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hóa
Lãnh đạo Asanzo tuyên bố hoạt động trở lại tại họp báo "Asanzo được minh oan". |
Sáng 17/9, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng liên quan đến nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hóa của đơn vị và thông tin về việc hoạt động trở lại sau thời gian đóng cửa vì những cáo buộc gian lận xuất xứ hàng hóa.
Tại cuộc họp báo, đại diện Asanzo nhấn mạnh, đơn vị không sai phạm về xuất nhập khẩu. Cụ thể là theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã cử Cục Kiểm tra sau thông quan tiến hành kiểm tra đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo. Đến thời điểm này, Cục Kiểm tra sau thông quan là đoàn kiểm tra duy nhất của ngành Hải quan thực hiện việc kiểm tra tại Asanzo.
Tùng Phong (TH)
-
[PetroTimesTV] BSR hướng tới sản phẩm xăng, dầu xanh, sạch, thân thiện với môi trường
-
Tin tức kinh tế ngày 17/11: Tỷ giá dự báo còn "căng thẳng" đến cuối năm
-
Tin tức kinh tế ngày 16/11: Thu ngân sách gần “về đích”
-
Thúc đẩy chuyển đổi xanh trong sản xuất nông sản, thực phẩm sang EU
-
Tin tức kinh tế ngày 12/11: Hàng Việt chiếm tỷ lệ 80% tại các siêu thị
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên
-
Giá dầu hôm nay (20/11): Dầu thô ổn định trong phiên
-
VPI dự báo giá xăng dầu tiếp tục giảm từ 0,3 - 1,6% trong kỳ điều hành ngày 21/11