Tin tức kinh tế 5/7: Đã xử lý được hơn 937 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Diễn biến thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2019 |
Phát triển kinh tế nhanh để tránh tụt hậu |
Tin tức kinh tế ngày 1/7: Giá xăng có thể tăng 300 đồng/lít vào ngày mai |
Đã xử lý được hơn 937 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Kể từ năm 2012 đến nay, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 937.500 tỉ đồng nợ xấu, kéo tỷ lệ nợ nội bảng xuống chỉ còn 1,91% tổng dư nợ.
Con số trên được Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết tại hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm diễn ra hôm nay, 5.7.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, giữ ổn định các mức lãi suất điều hành và chỉ đạo tổ chức tín dụng rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính.
Đã xử lý được hơn 937 nghìn tỷ đồng nợ xấu |
Kết quả, mặt bằng lãi suất trong 6 tháng đầu năm cơ bản tiếp tục ổn định, hiện lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng phổ biến khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn, khoảng 9 - 11%/năm đối với trung - dài hạn.
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6.2019, ước tính toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 937.500 tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, riêng trong năm 2018 đã xử lý được 163.140 tỉ đồng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước đến cuối tháng 6.2019 là 1,91%.
Về kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15.8.2017 đến cuối tháng 6.2019, toàn hệ thống ước đã xử lý được 264.000 tỉ đồng, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 127.641 tỉ đồng.
Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%, tăng trưởng kinh tế 6,8% trong bối cảnh kinh tế thế giới có biến động phức tạp khó lường, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra với ngành ngân hàng trong năm còn rất nặng nề. Do đó, cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Ông Hưng cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai đề án Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020. Trong đó, tập trung xử lý hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém. Chấn chỉnh hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, nhằm bảo đảm hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích và giữ vững ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương. Tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, tập trung triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, giảm dần tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế. Tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại. Giám sát các hệ thống thanh toán, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; áp dụng các tiêu chuẩn an toàn bảo mật thanh toán theo chuẩn quốc tế.
Bắc Giang thu gần 6.400 tỷ nhờ vải thiều giá cao kỷ lục
Sở Công Thương Bắc Giang vừa cho biết, vụ vải năm nay, tổng sản lượng tiêu toàn tỉnh đạt hơn 147.000 tấn, với giá trị khoảng 6.365 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ vải thiều đạt 4.675 tỷ đồng, từ dịch vụ phụ trợ (đá cây, thùng xốp, vận tải, công lao động...) đạt 1.690 tỷ.
So với vụ năm ngoái, tổng sản lượng giảm mạnh nhưng doanh thu tăng hơn 600 tỷ đồng bởi giá vải Bắc Giang năm nay cao kỷ lục, bình quân cả vụ gần 32.000 đồng mỗi kg. Năm ngoái, giá trung bình cả vụ chỉ khoảng 16.000 đồng.
Tổng sản lượng vải Bắc Giang tiêu thụ trên toàn quốc đạt hơn 67.400 tấn.
Vải thiều Bắc Giang |
Sở Công Thương Bắc Giang thống kê, hơn 79.600 tấn vải được xuất khẩu, chiếm 54,2% sản lượng tiêu thụ. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều nhất với gần 78.900 tấn. Số vải còn lại được xuất sang Trung Đông, châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore...
Lúc cao điểm, toàn tỉnh có 500 điểm cân vải, tập trung chủ yếu tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên. Khoảng 400 lượt thương nhân Trung Quốc đã đến Bắc Giang để cùng người Việt đặt điểm cân phục vụ thu mua xuất khẩu.
Năm 2019, diện tích trồng vải của tỉnh Bắc Giang khoảng 28.000 ha. Trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gần 14.000 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218 ha - được Mỹ cấp mã số (IRADS) với 394 hộ
Bộ Công Thương hoàn thành cắt giảm điều kiện kinh doanh giai đoạn 2017 -2018
Ngày 5/7, Bộ Công Thương công bố danh mục điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đã được bãi bỏ, đơn giản hóa trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Việc công bố này nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời nhằm tuyên bố công khai các điều kiện mà Bộ Công Thương đã dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa trong giai đoạn 2017-2018 đã được Bộ hoàn thành theo yêu cầu.
Đối với nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD giai đoạn 2019-2020 theo phương án tại Quyết định số 3720/QĐ-BCT ngày 11/10/2018, Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định để hiện thực hóa phương án này, dự kiến trình Chính phủ tháng 11/2019.
Tại Báo cáo đánh giá mức độ thay đổi của những cải cách về bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh và tác động thực chất đối với doanh nghiệp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cũng đánh giá, Bộ Công Thương là một trong những bộ cơ bản đạt yêu cầu về mức độ cắt giảm ĐKKD với tỷ lệ 47%.
Xuất siêu gần 4 tỷ USD gỗ và lâm sản trong 6 tháng đầu năm
Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 5,23 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 50% kế hoạch năm. Ước cả năm 2019, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt khoảng 11 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 1,25 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018.
Như vậy, ngành gỗ và lâm sản xuất siêu ước khoảng gần 4 tỷ USD. Điểm đến của 87% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam là các thị trường truyền thống (Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc) có yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, năm 2019 là một năm thách thức rất lớn. Nhưng riêng với ngành lâm nghiệp, đây là thời kỳ bước ngoặt, từ một nước chỉ còn khoảng 20% hệ số che phủ rừng, tới nay đã khôi phục đạt gần 43%, đặc biệt, từ một ngành lâm nghiệp đã chuyển thành nền kinh tế lâm nghiệp thông qua Luật Lâm nghiệp tiến bộ nhất trong lịch sử.
Theo Bộ trưởng, xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2019 ước đạt 11 tỷ USD, qua đó góp phần giải quyết việc làm, giảm bớt áp lực tăng trưởng cho lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu chung của cả ngành.
Bộ trưởng cũng chỉ ra, ngoài lợi thế với khoảng 4.500 doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ, Việt Nam cũng đang còn rất nhiều tiểm năng mảng dược liệu, có thể thu về tỉ đô nếu biết quản lý khai thác, đây là hướng mà ngành lâm nghiệp cần xác định để chuyển trạng thái để có được bước phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp.
Mỹ không áp thuế "khủng" thép Việt Nam dùng nguyên liệu trong nước
Thép sản xuất trong nước không bị Mỹ áp thuế "khủng" |
Trước việc Mỹ áp thuế 456% thép Việt có nguồn gốc Hàn Quốc, Đài Loan, Bộ Công Thương cho biết đã đưa ra cảnh báo, khuyến nghị doanh nghiệp đề ra chiến lược kinh doanh, quay sang sử dụng nguyên liệu trong nước và các nguồn khác...
Ngày 2/7, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ áp thuế quan lên tới 456% đối với một số sản phẩm thép sản xuất ở Hàn Quốc hoặc Đài Loan được vận chuyển tới Việt Nam để gia công nhỏ rồi cuối cùng xuất khẩu sang Mỹ. Thông tin này được ví như “cơn địa chấn” của ngành thép. Bởi đây là mức thuế chống lẩn tránh thuế cao nhất mà phía Hoa Kỳ từng áp dụng với sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho biết Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra vụ việc này từ ngày 2/8/2018.
Trước đó, Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trợ cấp với thép cán nguội và thép chống ăn mòn từ Trung Quốc và Hàn Quốc từ năm 2016.
“Sau 11 tháng điều tra, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã sơ bộ kết luận rằng sản phẩm thép cán nguội và thép chống ăn mòn sử dụng thép cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc là việc chuyển đổi không đáng kể để đối phó với việc chống bán phá giá trợ cấp mà Hoa kỳ đang áp dụng đối với Hàn Quốc và Đài Loan”, ông Lê Triệu Dũng cho hay.
Theo Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, đây là vụ việc điều tra xác định hành vi lẩn tránh thuế. Trong trường hợp thép cán nguội hoặc thép chống ăn mòn của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc các nước nhập khẩu khác thì không bị áp thuế trong trường hợp này.
Theo thông lệ trước đây của Hoa Kỳ, nếu doanh nghiệp nhập khẩu thép cán nóng, sau đó sản xuất thành chủng loại thép khác thì được coi là chuyển đổi đáng kể, không bị coi là lẩn trốn thuế.
“Tuy nhiên những năm gần đây, phía Hoa Kỳ thay đổi quan điểm. Thép phải được cán từ thép cán nóng trong nước mới được coi là không lẩn tránh thuế”, ông Dũng nói.
Vị này cũng cho biết, trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Thép và các doanh nghiệp thép Việt Nam cung cấp thông tin đầy đủ với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ về quá trình sản xuất của Việt Nam cũng như mức độ giá trị gia tăng của sản phẩm.
Bộ Công Thương cũng đưa ra cảnh báo, khuyến nghị doanh nghiệp về việc cơ quan điều tra nước nhập khẩu có thể thay đổi và đưa ra những yêu cầu cao hơn về sản phẩm nhập khẩu để doanh nghiệp nghiên cứu, đề ra chiến lược kinh doanh, quay sang sử dụng nguyên liệu trong nước và các nguồn khác.
Trong thời gian sắp tới, dự kiến, kết luận chính thức sẽ được đưa ra sau 3 - 4 tháng và Bộ Thương mại Hoa Kỳ dự kiến đưa ra kết luận vào tháng 9, 10. Theo đó, Bộ Công Thương khẳng định sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan theo sát vụ việc để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, phù hợp với các quy định hội nhập và các quy định của WTO.
Tú Anh
-
Tin tức kinh tế ngày 5/11: Xuất nhập khẩu gạo 10 tháng lập kỷ lục
-
Tin tức kinh tế ngày 4/11: Doanh nghiệp cảng biển lãi lớn trong quý III
-
Tin tức kinh tế ngày 3/11: Xuất khẩu gạo năm 2024 khả năng đạt kỷ lục mới
-
Tin tức kinh tế ngày 2/11: Chỉ số PMI ngành sản xuất tăng trưởng trở lại
-
Tin tức kinh tế ngày 1/11: Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng vọt