Tin kinh tế ngày 7/7: Phát hiện giày Trung Quốc gắn mác “Made in Vietnam”
Phát hiện giày Trung Quốc gắn mác “Made in Vietnam”
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I (Cục Hải quan Hải Phòng) cho biết: Mới đây, Công ty TNHH Lạc Lạc (địa chỉ tại Hà Nội) khai báo làm thủ tục tạm nhập tái xuất lô hàng giày thể thao các loại, xuất xứ Việt Nam.
Lô hàng được thực hiện thủ tục theo loại hình tạm nhập tái xuất với thông tin xuất xứ Việt Nam, nhưng cơ quan Hải quan phát hiện dấu hiệu nghi vấn và đang tổ chức kiểm tra, xác minh làm rõ.
Phát hiện giày tạm nhập từ Trung Quốc gắn nhãn "Made in Vietnam" |
Lô hàng tạm nhập từ cảng Xiamen (Trung Quốc), theo vận đơn số 582430533 ngày 25/5/2019, số container SUDU6695162 thuộc tờ khai số 102671334731/G11 ngày 29/5/2019 đăng ký tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I. Lô hàng được phân luồng Vàng (kiểm tra chi tiết hồ sơ).
Kiểm tra chi tiết hồ sơ cơ quan Hải quan xác định lô hàng có dấu hiệu nghi vấn về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, tên hàng và vận đơn thể hiện xuất xứ Việt Nam trong khi cảng xếp hàng là cảng Xiamen (Trung Quốc); vận đơn thể hiện thông tin “PO# CARTON NO. IMPORTER: ALPARGATAS S.A.I.C MADE IN VIETNAM”.
Trước những nghi vấn nêu trên, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I đã chuyển luồng kiểm tra thực tế đối với lô hàng.
Ngày 28/6/2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I và Đội Kiểm soát hải quan phối hợp kiểm tra thực tế đối với lô hàng trên. Kết quả, số lượng, chủng loại hàng hóa đúng khai báo; trên các đôi giày đều gắn chữ TOPPER, bên trong giày có tem trắng ghi dòng chữ “MADE IN VIETNAM” kèm theo các thông tin bằng chữ Argentina.
Ngày 2/7/2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I có công văn 4436/HQKV1-TTXNK chuyển toàn bộ thông tin và hồ sơ để Đội Kiểm soát hải quan kiểm tra làm rõ dấu hiệu vi phạm đối với lô hàng trên.
EVFTA chưa mang lại lợi ích ngay cho Việt Nam
Nhận định về Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA), ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng hiệp định này có một số cam kết rất khó triển khai và Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng triển khai, đặc biệt là rà soát lại tất cả các vấn đề phi thuế quan ảnh hưởng tới xuất khẩu.
Ví dụ như ngành thực phẩm, trong đó Việt Nam phải đảm bảo các chuẩn mực về an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo ra các cơ chế đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có các sản phẩm phù hợp với thị trường mục tiêu. Việc này đòi hỏi hành động của không chỉ chính phủ mà cả các nhà sản xuất.
Theo ông Eckardt, trong ngắn hạn hiệp định sẽ chưa mang lại lợi ích ngay, nhưng trước mắt sẽ gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư, nâng cao triển vọng kinh tế Việt Nam và thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài. "Muốn tăng thêm xuất khẩu, Việt Nam cần phải tăng cường thực thi các cam kết. Chúng tôi chưa nhận thấy được lợi ích từ hiệp định EVFTA trong kỳ dự báo này", ông Eckardt cho biết.
6 tháng, giải ngân vốn đầu tư qua Kho bạc Nhà nước mới đạt hơn 31%
Báo cáo mới nhất của Kho bạc Nhà nước cho thấy, 6 tháng qua, nguồn Chính phủ giao giải ngân được 112.086,2 tỷ đồng (đạt 31,2% kế hoạch), gồm: vốn xây dựng cơ bản giải ngân được 89.776,7 tỷ đồng; vốn trái phiếu chính phủ giải ngân được 6.210,5 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu và chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân được 16.099 tỷ đồng.
Nguồn thu để lại giải ngân là 607,1 tỷ đồng, đạt 29,9% kế hoạch Kho bạc Nhà nước nhận được.
Giải ngân vốn đầu tư qua Kho bạc Nhà nước mới đạt hơn 30% |
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng đã từ chối thanh toán 20 tỷ đồng. Số tiền từ chối này là do chủ đầu tư đề nghị thanh toán khối lượng phát sinh chưa được phê duyệt, một số khoản chi chưa đủ hồ sơ theo quy định....
Vải Nhật không hạt: 125 nghìn đồng một quả
Một hệ thống cửa hàng trái cây cao cấp tại TP HCM và Hà Nội vừa chào bán loại vải không hạt của Nhật với giá 990.000 đồng mỗi hộp đóng gói sẵn.
Mỗi hộp vải nặng 200 gram, gồm 8 quả. Như vậy, tính ra mỗi quả vải có giá gần 125.000 đồng, hay mỗi kg vải có giá 5 triệu đồng. Loại vải này không có hạt, vỏ dày màu đỏ ruby và vị ngọt lịm.
Khi ăn, người dùng chỉ cần tách đôi rãnh ngay thân vỏ và ăn trọn phần thịt bên trong, được quảng cáo là 'dày như thạch jelly, ngọt thơm như kẹo sữa'. Theo thông tin trên bao bì và cửa hàng, vải được trồng tại thị trấn Miyazaki, tỉnh Saga (Nhật).
Vải Nhật bản không hạt giá 125 nghìn đồng 1 quả |
Việt Nam đang xuất, nhập khẩu mặt hàng nào nhiều nhất với EU?
Máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, máy móc, dệt may, da giày, nông sản, thuỷ sản… là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU, nên EVFTA sẽ là cơ hội lớn.
Năm 2018, một số ngành hàng chủ yếu mà Việt Nam xuất khẩu sang EU là hàng dệt may đạt 4,16 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2017.
Tiếp đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,47 tỷ USD, tăng 18,6%. Riêng mặt hàng nông sản chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 2,73 tỷ USD, giảm 7,3% so với năm 2017, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU chiếm đến 15,3% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xuất khẩu nhiều máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác sang thị trường EU. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2018 Việt Nam đã xuất 2,27 tỷ USD mặt hàng này, tăng gần 22% so với năm 2017.
Trồng chanh tươi không hạt, thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm
Trang trại chanh không hạt của ông Nguyễn Văn Hiển (42 tuổi) nằm trên khu đất ở xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Năm 2012, ông Hiển bắt đầu trồng thử nghiệm giống chanh không hạt có nguồn gốc từ Mỹ. Tuy nhiên, do thời tiết và đất trồng chưa phù hợp nên chanh không thể phát triển và cho trái.
Chanh không hạt thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm |
Trải qua nhiều lần thất bại, ông Hiển phải thay đổi phương pháp trồng để giống chanh có thể phát triển. Sau 2 năm, giống chanh không hạt dần phát triển và cho thu hoạch ổn định.
Loài chanh này có quả to và đạt số lượng trái nhiều hơn chanh thường, được thị trường ưa chuộng. Từ vài mẫu đất dùng để trồng chanh, ông Hiển bắt đầu nhân rộng thành trang trại diện tích hơn 100 ha, với khoảng 35.000 gốc chanh.
Khi trái chanh to bằng nửa nắm tay, vỏ xanh, bóng là có thể thu hoạch được. Giống chanh này ra trái quanh năm, cứ khoảng 20 ngày có thể thu hoạch 1 lần, đạt năng suất khoảng 15kg mỗi cây. "Cả trang trại thu hoạch được hơn 3 tấn/ ngày", chủ trang trại cho biết.
Ngoài bán chanh tươi, ông Hiển còn có xưởng chế biến chanh thành phẩm như làm nước cốt, tinh dầu, bột chanh, vỏ sấy. Lợi nhuận thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Tú Anh
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Tin tức kinh tế ngày 17/10: Việt Nam xuất khẩu gần 1,3 triệu tấn phân bón trong 9 tháng
-
Tin tức kinh tế ngày 16/10: Thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ chính thức vượt 100 tỷ USD
-
Tin tức kinh tế ngày 15/10: Trái phiếu doanh nghiệp “ấm dần”
-
Tin tức kinh tế ngày 14/10: Giá cà phê xuống mức thấp nhất 5 tuần
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện cho Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%