Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (12-18/9)
Vào tháng 2/2022, TotalEnergies đã công bố một thỏa thuận đầu tư trị giá 10 tỷ USD với Uganda, Tanzania và tập đoàn dầu mỏ khổng lồ CNOOC (Trung Quốc). Mục tiêu của dự án bao gồm kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn dầu dài hơn 1.400 km nối các mỏ của Hồ Albert ở phía tây Uganda với phía Tanzania. Tuy nhiên, dự án này vừa bị bãi bỏ thông qua một nghị quyết không mang tính ràng buộc thực thị của Nghị viện châu Âu. Theo đó, EP “cực kỳ quan ngại về những vi phạm nhân quyền” đang xảy ra tại hai quốc gia này, với những hành vi “bắt giữ, đe dọa và sách nhiễu tư pháp đối với những nhà hoạt động nhân quyền và các tổ chức phi chính phủ”. Đối mặt với vấn đề này, ông Thomas Tayebwa - Phó Chủ tịch Quốc hội Uganda cho biết: “Đây là những dự án đã được Quốc hội Uganda thông qua. Uganda là một quốc gia có chủ quyền. Do đó, bất cứ hành động nào đi ngược lại với lợi ích quốc gia đều là sự xúc phạm đến tính độc lập của Uganda và chúng tôi không thể xem nhẹ vấn đề”.
Cũng trong tuần qua, TotalEnergies và các đối tác đã ký Thỏa thuận thăm dò và chia sẻ sản lượng (EPSA) với Bộ Năng lượng và Khoáng sản (MEM) của Vương quốc Hồi giáo Oman cho Lô 11. Giai đoạn đầu tiên của hợp đồng này là một chiến dịch thăm dò địa chấn sẽ diễn ra vào cuối năm 2022, tiếp theo là việc khoan giếng thăm dò đầu tiên được lên kế hoạch cho năm 2023. TotalEnergies sẽ nắm giữ 22,5% cổ phần trong khối này, cùng với OQ (10%) và Shell (67,5%, nhà điều hành).
Hiện nay, sản lượng khí đốt do Gazprom vận chuyển vào châu Âu chỉ đạt khoảng 84 triệu m3/ngày, so với mức trung bình là 480 triệu m3/ngày của năm ngoái. Tuy nhiên, vào năm 2021, Gazprom xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ với mức giá trung bình là 310 USD/m3, thu về 54 tỷ USD. Còn năm nay, giá khí đốt trung bình đạt mức 1.000 USD cho mỗi m3. Olivér Hortay – Trưởng bộ phận nghiên cứu chính sách về khí hậu và năng lượng của Gazprom cho biết, doanh thu xuất khẩu khí đốt sang châu Âu đã tăng từ 53 tỷ USD lên 100 tỷ USD. Trong nửa đầu năm 2022, Gazprom đã thu được lợi nhuận ròng là 41,75 tỷ USD, so với mức 29 tỷ USD của cả năm 2021. Lưu ý, đây là lợi nhuận thu được sau khi đã trả 20 tỷ USD cổ tức cho nhà nước Nga.
Giám đốc điều hành của công ty hóa dầu tích hợp đa quốc gia Áo OMV Alfred Stern đã cảnh báo rằng mức thuế thu nhập theo kế hoạch của EU có thể có tác động rất lớn, đồng thời chỉ trích việc áp thuế dựa trên lợi nhuận trong ba năm qua. Trước đó, Brussels được cho là muốn các công ty nhiên liệu hóa thạch chia sẻ lợi nhuận thu được, trong nỗ lực huy động hơn 140 tỷ euro (140 tỷ USD) để bảo vệ người tiêu dùng khi giá năng lượng tăng cao. Các chính phủ trên khắp châu Âu đã đầu tư hàng trăm tỷ euro vào việc cắt giảm thuế, phân bổ và trợ cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng đang buộc các ngành công nghiệp phải đóng cửa sản xuất, làm gia tăng lạm phát và tăng các hóa đơn trước mùa đông. Theo một dự thảo đề xuất được công bố hôm 14/9 vừa qua, các công ty năng lượng sẽ phải nộp mức thuế 33% trên bất kỳ khoản lợi nhuận nào trong năm hiện tại, cao hơn 20% so với mức trung bình của ba năm qua.
Ngày 15 tháng 9, Reuters và truyền thông quốc tế đưa tin Shell bổ nhiệm ông Wael Sawan làm Giám đốc điều hành thay thế ông Ben van Beurden, người sẽ từ chức vào cuối năm sau gần một thập kỷ giữ vai trò lãnh đạo công ty dầu khí khổng lồ Shell và 40 năm làm việc tại công ty. Wael Sawan là người đứng đầu mảng kinh doanh khí đốt và năng lượng tái tạo, Shell với mục tiêu giảm lượng khí thải xuống 0 ròng vào năm 2050 và rời xa nhiên liệu hóa thạch đã chọn Sawan để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một tương lai xanh. Quyết định bổ nhiệm Ông Wael Sawan có hiệu lực từ 1 tháng 1 năm 2023. Các nhà phân tích cho rằng với sự thay đổi nhân sự này, Wael Sawan sẽ tiếp nối những chính sách và chiến lược của Ông Van Beurden đưa ra. Trong nhiệm kỳ của mình, van Beurden đã giám sát thương vụ mua lại lớn nhất trong nhiều thập kỷ của Shell và đưa công ty vượt qua hai thời kỳ suy thoái lớn, cũng như có những hành động quyết đoán trong việc cắt giảm carbon. Lợi nhuận quí 2 năm 2022 của Shell cũng được công bố với kết quả kỷ lục - 11,5 tỷ. Shell cũng sẽ có thời gian để chuyển giao giữa hai nhà lãnh đạo, và Ông Van Beurden sẽ tiếp tục làm cố vấn cho Hội đồng quản trị và rời công ty vào cuối tháng 6 năm sau.
Technip Energies đã được trao hợp đồng kỹ thuật, cung cấp, xây dựng và vận hành cho cơ sở sản xuất hydro xanh của Yuri Operations ở vùng Pilbara, Tây Úc, theo một tuyên bố được công bố hôm thứ Sáu. Cơ sở này sẽ bao gồm một nhà máy điện phân 10 megawatt và một trang trại năng lượng mặt trời quang điện 18 MW để sản xuất tới 640 tấn hydro xanh mỗi năm. Hydro xanh sau đó sẽ được sử dụng để sản xuất amoniac xanh tại nhà máy amoniac hiện có của Yara Pilbara.
Siemens Smart Infrastructure và Shell Global Solutions International đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển các giải pháp năng lượng hiệu quả cao, các-bon thấp hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng. Thỏa thuận sẽ bao gồm các dự án sản xuất hydro xanh cho các ứng dụng công nghiệp của Shell và các khách hàng của mình, cũng như tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nhiên liệu sinh học và hóa học vòng tròn. Trong khi Siemens sẽ hợp tác với Shell để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các hoạt động có mức độ phát thải bằng 0, Shell sẽ cung cấp cho Siemens và các công ty con của họ các sản phẩm carbon thấp, bao gồm cả việc cung cấp nhiên liệu sinh học. Graham Henley, phó chủ tịch Engineering & Project Capability tại Shell cho biết: “Chuyên môn về điện khí hóa và tự động hóa của Siemens, cùng với khả năng kỹ thuật và phân phối dự án của Shell sẽ chứng minh sự kết hợp này”.
Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nga Rosneft hôm thứ Năm đã công bố lợi nhuận ròng tăng 13,1% trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước, bất chấp "các yếu tố bên ngoài bất lợi" trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Lợi nhuận ròng trong giai đoạn này lên tới 432 tỷ rúp (7,3 tỷ euro), tăng mạnh do giá dầu thô tăng liên quan đến nhu cầu mạnh và hậu quả của việc Nga can thiệp quân sự vào Ukraine. Doanh thu Rosneft tăng 32,5% lên 5,172 tỷ rúp (86,8 tỷ euro) trong nửa đầu năm.
Giám đốc điều hành của Eni, Claudio Descalzi, cho biết ông tin tưởng Ý sẽ có thể sống sót qua mùa đông ngay cả khi không có nguồn cung cấp khí đốt của Nga nếu nhiệt độ vẫn ở mức không quá lạnh, Bloomberg News đưa tin hôm thứ Năm. Sự lạc quan của ông Descalzi dựa trên thực tế là các cơ sở lưu trữ khí đốt đang ở mức 90% công suất, nhờ nguồn cung từ Algeria đến Ý tăng gấp đôi. Công ty năng lượng Ý do nhà nước kiểm soát này có kế hoạch thay thế một nửa lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào năm 2022 và 2023, dự kiến sẽ tăng lên 80% vào năm 2023-24, với kế hoạch thay thế hoàn toàn vào năm 2024-25.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (5-11/9) |
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (29/8-4/9) |
Nh.Thạch
AFP
-
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cảnh báo rủi ro gia tăng
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới dự kiến sa thải 17.000 nhân viên
-
Ấn Độ trên hành trình trở thành gã khổng lồ về “vàng trắng”
-
Nga dự kiến chi hơn 500 triệu USD xây dựng kho dự trữ kim loại quý