Tìm giải pháp thực hiện quy hoạch ngành năng lượng, đáp ứng cam kết Net zero
Năng lượng, trong đó có điện lực là một lĩnh vực quan trọng, nền tảng phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong hiện tại cũng như tương lai, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động cả về chính tri, kinh tế cũng như các yếu tố an ninh phi truyền thống.
Với quan điểm phát triển ngành năng lượng Việt Nam bền vững, theo hướng tự chủ, năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55/NQ-TW về về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bám sát Nghị quyết này và kế thừa các Quy hoạch điện lực, Chiến lược phát triển năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình và được Chính phủ phê duyệt các Quy hoạch ngành năng lượng, trong đó có quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các diễn giả tham dự buổi Tọa đàm |
3 quy hoạch - không gian phát triển mới cho các ngành năng lượng
Việc ban hành các quy hoạch về năng lượng và khoáng sản gồm trên có ý nghĩa rất lớn để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng, phát triển của một lĩnh vực rất quan trọng, đó là tài nguyên thiên nhiên và nguồn năng lượng đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Các quy hoạch này trở thành một trong những định hướng cơ bản cho hoạt động của các lĩnh vực đó trong thời gian tới. Trong đó, quy hoạch về năng lượng hướng tới mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng; ứng dụng những thành tựu của phát triển khoa học công nghệ trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Điểm chung nổi bật của 3 Quy hoạch ngành quốc gia thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương nêu trên thì đó chính là khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, cùng với việc phát triển năng lượng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Chia sẻ tại tọa đàm, PGS. TS Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc nhìn nhận, trước hết chưa nói đến chất lượng của các quy hoạch trên, nhưng cá nhân tôi ghi nhận đây là một nỗ lực lớn của Chính phủ và Bộ Công Thương khi mà một lúc ban hành 3 quy hoạch quan trọng. “Có thể thấy, tất cả các nước trên thế giới khi làm về lĩnh vực năng lượng họ đều có quy hoạch ngành và quy hoạch tổng thể bởi thực tế ngành năng lượng rất khác biệt. Nên chúng ta cần phải có các quy hoạch mà liên kết với nhau để đảm bảo tính tổng thể của ngành hướng tới phát bền vững. Đây được coi là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ và Bộ Công Thương”- PGS. TS Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh.
Nêu quan điểm tại Tọa đàm, Chuyên gia Kinh tế TS. Võ Trí Thành cho biết, đối với 3 quy hoạch này vai trò của Bộ Công Thương rất lớn. Trong khi năng lượng hiện nay đang đối mặt với một số bất định như công nghệ; biến đổi khí hậu; nguồn vốn… Những đòi hỏi này cần có sự thay đổi rất nhiều về thể chế và nhưng đủ để linh hoạt để thích ứng với các biến động, khó lường.
Thách thức và những điểm nghẽn
Nêu những khó khăn thách thức, đại diện Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương cho biết, liên quan đế Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia chủ yếu mang tính định hướng về vị trí, quy mô hệ thống kho dự trữ, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu, khí đốt trên phạm vi cả nước để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hiệu quả, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần đảm bảo hạ tầng dự trữ, đảm bảo an ninh năng lượng.
“Vốn đầu tư Dự án chủ yếu là vốn của doanh nghiệp. Ngân sách nhà nước chủ yếu ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ quốc gia. Khó khăn lớn nhất việc thực hiện quy hoạch này là vốn ngân sách hạn chế nên việc triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng dành riêng cho dự trữ quốc gia là khó khăn”- đại diện Vụ Dầu khí và than nêu.
Bên cạnh đó, khó khăn đối với nguồn than cho sản xuất điện thời gian tới như việc gia tăng khối lượng lớn than sản xuất trong nước bị hạn chế do điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn. Nhu cầu sử dụng than trong nước hiện tại đã vượt khả năng sản xuất than trong nước và có xu hướng ngày càng tăng, tương lai Việt Nam sẽ phải tiếp tục nhập khẩu than với khối lượng lớn đến vài chục triệu tấn để cung ứng cho thị trường trong nước. Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của nền kinh tế vào than nhập khẩu. Trong khi đó, than nhập khẩu bị tác động bởi nhiều yếu tố: sự biến động của tình hình chính trị thế giới, xu thế phát triển năng lượng trên thế giới, biến đổi khí hậu, vấn đề đảm bảo an toàn môi trường sinh thái.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong Quy hoạch điện VIII EVN tiếp tục được giao giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải theo nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tỷ lệ các nguồn điện thuộc sở hữu của EVN và các đơn vị thuộc EVN (bao gồm các CTCP GENCO 2, 3) chỉ chiếm khoảng 38% trong đó EVN quản lý trực tiếp chỉ khoảng 15% nguồn điện và tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm nhanh khi tỷ trong năng lượng tái tạo tăng cao trong thời gian tới.
“Do đó thách thức lớn nhất là đảm bảo cân đối cung - cầu điện, việc này không chỉ trách nhiệm của EVN mà còn phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân bên ngoài EVN khác”- đại diện EVN bày tỏ.
Nêu rõ hơn về thách thức, chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành cho rằng, “Chính vì vậy ngành năng lượng có vai trò quyết định trong thực hiện sứ mệnh xanh, khát vọng xanh. Tuy nhiên, với một đất nước còn hạn chế nhiều về nguồn lực, về vốn như chúng ta, thực hiện “xanh hóa” ngành năng lượng vẫn còn nhiều thách thức.
Cái khó ở đây là, trong quá trình “thoát cũ, xây mới” thì làm thế nào để vẫn đảm bảo được an ninh năng lượng, đảm bảo phát triển kinh tế và chữ “xanh” vẫn phủ nhiều hơn. Theo tôi, thách thức đầu tiên là vấn đề thể chế.
TS. Võ Trí Thành nêu, thứ nhất là liệu môi trường kinh doanh có đủ hấp dẫn các nhà đầu tư hay không? Theo tính toán từ WB, để xanh hóa thì lộ trình đến 2040 Việt Nam cần 368 tỷ USD. “Dù có sử dụng hết khả năng hỗ trợ của quốc tế thì khối đầu tư của tư nhân cũng giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Thứ hai là thể chế thực thi. Thứ ba là vấn đề lựa chọn công nghệ. Đây là vấn đề vẫn còn rất nhiều tranh cãi. Có quá nhiều vấn đề cần phải đối diện và giải quyết”- TS. Võ Trí Thành nêu thực tế.
Hướng tới đáp ứng cam kết Net zero
Tại Tọa đàm các chuyên gia và nhà quản lý cũng như doanh nghiệp đều chung quan điểm, để triển khai có hiệu quả các Quy hoạch, trước hết, với quy hoạch phát triển năng lượng, về lâu dài phải làm sao cho việc phát triển năng lượng xanh hơn, sạch hơn và đáp ứng được các yêu cầu cung ứng nguồn nguyên liệu sạch cho phát triển.
Tuy nhiên bên cạnh đó, cần phải tính toán đến quá trình xử lý liên quan đến việc bảo vệ môi trường cũng như phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của trình độ phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam, các điều kiện tự nhiên mà chúng ta đang có thì lúc đó quy hoạch năng lượng sẽ có hiệu quả vừa mang tính thực tiễn nhưng vừa có tính phát triển bền vững, lâu dài. Nếu chúng ta ko cố hết sức thì những ngành khác cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng ngành điện.
Để Việt Nam thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững thì ngành năng lượng là một trong những ngành quyết định. Thực tế, chiến lược tăng trường xanh đòi hỏi rất nhiều lĩnh vực như tiêu dùng xanh, sản xuất xanh…. và đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt đầu tư vào năng lượng, gắn với chữ “Xanh”. Nội dung này rất quan trọng theo hướng thị trường hơn, cạnh tranh hơn.
Nhiều chuyên gia cũng gợi mở, hiện Việt Nam thực hiện cái cam kết COP26, thì Việt Nam không tự làm được, chúng ta cần sự hỗ trợ quốc tế, sự vào cuộc của khu vực tư nhân, không chỉ trong nước mà các nhà đầu tư trên thế giới vào các lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng xanh.
Về việc đảm bảo tính đồng bộ, liên thông giữa các quy hoạch là một trong những vấn đề rất quan trọng. Thực tế này không chỉ xảy ra đối với các quy hoạch của Bộ Công Thương mà còn tại nhiều quy hoạch khách. Hiện chúng ta đang thực hiện quy hoạch với mục tiêu rộng, không chỉ bó hẹp của từng địa phương, từng ngành, nếu không đảm bảo tính đồng bộ liên thông giữa các quy hoạch với nhau thì lúc đó quy hoạch chỉ là “quy hoạch chết”.
Theo đó, quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch chung của đất nước theo cùng một định hướng và như vậy có thể có những ngành việc phát triển chậm hơn một chút nhưng nó lại có hiệu quả cao hơn. Nhưng cũng có những ngành phải phát triển nhanh hơn để từ đó tạo ra bước đột phá, giúp cho sự phát triển của một số ngành khác cũng như của một số địa phương.
Về phía Vụ Dầu khí và than cũng nêu giải pháp, cần tổ chức thực hiện việc lựa chọn chủ đầu tư các dự án năng lượng, bố trí quỹ đất cho phát triển các công trình năng lượng theo quy định của pháp luật, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất để thực hiện các dự án năng lượng theo Quy hoạch; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án năng lượng theo quy định.
Hải Anh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện cho Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Giá dầu hôm nay (18/10): Dầu thô tăng trở lại