Tiến sĩ Võ Trí Thành: Kinh tế Việt Nam trước cơ hội không thể bỏ lỡ
PV: Thưa ông, sau khi gia nhập WTO và đặc biệt là kể từ sau Nghị quyết số11/NQ-CP của Chính phủ nhằm thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, ông đánh giá kinh tế Việt Nam có những chuyển biến như thế nào?
TS Võ Trí Thành: Chúng ta ra nhập WTO là một “cú hích” lớn, “cú hích” lớn nhất đứng về mặt kỹ thuật không phải là mức giảm hàng rào thuế quan, mà là mở cửa dịch vụ và liên quan đến nó là thể chế. Chưa bao giờ dịch vụ Việt Nam phát triển như sau 5 năm gia nhập WTO. Tuy nhiên, sau 5 năm ra nhập WTO, hai hình ảnh rõ nhất của Việt Nam đó là: tiền thì ném ra nhiều hơn, kinh tế vĩ mô bất ổn hơn; tăng trưởng thì trong lịch sử cải cách của Việt Nam chưa bao giờ bị rơi vào giai đoạn tăng trưởng giảm đến như thế, suốt từ 2007 đến nay. Nếu tính trong 5 năm, tốc độ trung bình chỉ còn có 6,2% so với 7,2% của 5 năm trước khi gia nhập WTO. 2 năm trở lại đây thì như chúng ta đã biết, chỉ còn trên 5%. Riêng năm nay cố gắng lắm thì được 5,3%.
Điều này thể hiện hai vấn đề khác biệt của Việt Nam, đó là cơ cấu kém và khả năng chống đỡ yếu trước các cú sốc. Bởi vậy mà năm 2011 chúng ta mới có Nghị quyết 11 tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, đây là một bước ngoặt về “chiến thuật” rất căn bản trong điều hành chính sách của Việt Nam. Có điều đến nay, chắc chắn một số mục tiêu được đề ra trong kế hoạch 5 năm không thể thực hiện được, nhất là mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, khách quan mà nói thì kinh tế vĩ mô đã có những dấu hiệu tốt lên. Lạm phát đã giảm nhiều, chưa bao giờ cán cân thanh toán quốc tế được đảm bảo như hiện nay; năm ngoái thặng dư khoảng 9 tỉ USD, còn năm nay dự báo khoảng 3-4 tỉ USD, nếu có âm đối với năm 2014 thì con số cũng là nhỏ.
TS Võ Trí Thành
Việt Nam chưa bao giờ có lượng dự trữ ngoại tệ tăng như bây giờ, tuy rằng vẫn mỏng, chưa nói đến việc so sánh với các nước xung quanh. Nên nhớ, thời điểm trước đây, khi nguồn dự trữ của Việt Nam cao nhất là vào cuối năm 2007 mới chỉ khoảng 20 tỉ USD. Bây giờ ta có gần 40 tỉ USD và từ nay tới cuối năm sẽ còn tăng nữa (ít ai có thể tưởng tượng được rằng vào thời điểm năm 1989, khi Việt Nam bắt đầu những cải cách thị trường, tổng nguồn ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới chỉ có khoảng 20 triệu USD).
Tỷ giá hiện nay cũng tương đối ổn định, tuy nhiên vẫn còn rất mong manh. Sự mong manh ở đây thể hiện ở sự biến động của thị trường. Nếu chỉ gặp phải một cú sốc nhỏ, hay một giải trình thiếu chu đáo của Chính phủ cũng như NHNN, thì lập tức thị trường ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thể nổi sóng bất cứ lúc nào. Điều này thể hiện lòng tin của người dân còn mong manh. Câu chuyện nợ xấu vẫn còn nguyên, thêm nữa, chưa bao giờ ngân sách lại khó như năm nay, sau 8 tháng thu mới được 61% theo dự toán, còn đạt được như vậy một phần là nhờ công đóng góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hoàn thành vượt kế hoạch so với dự toán.
PV: Chúng ta có vẻ đã bắt đầu thấy dấu hiệu khởi sắc qua các số liệu thống kê, vậy theo ông, tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư trong nước hiện đang còn gặp những vướng mắc gì?
TS Võ Trí Thành: Nếu nhìn sang sản xuất kinh doanh, ta vẫn nghe nói rằng tháng này vẫn tốt hơn tháng trước, chỉ số công nghiệp, xuất khẩu vẫn tăng 14,7% trong 8 tháng qua; tăng trưởng GDP quý sau tăng hơn quý trước một phần do tín dụng giải nhanh hơn; ngân sách, trái phiếu cũng vậy… Thế nhưng mặt tích cực ấy rất lẫn lộn. Tôi chỉ đưa ra hai chỉ số, đó là chỉ số mua, chỉ số đơn đặt hàng với công nghiệp chế biến (của HSBC) dù tăng nhưng hiện vẫn dưới 50. Thứ hai là chỉ số xuất khẩu, trong khi quý I tăng gần 20%, thì bây giờ chỉ còn tăng có 14,7%, điều này cho thấy tốc độ giảm “tăng” nhanh. Hơn nữa, mức tăng xuất khẩu chủ yếu do một công ty (Samsung) đóng góp.
Chưa bao giờ sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông nghiệp khó như bây giờ, hầu hết các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực đều tăng trưởng âm. Các thị trường xuất khẩu của Việt Nam khó khăn hơn, trong khi đó thì doanh nghiệp (DN) vẫn phải loay hoay đi tìm cơ hội để kiếm tiền. Tổng cầu giảm, tiêu dùng giảm, đầu tư thì từ mức 42% trung bình trong 5 năm sau gia nhập WTO, mà đỉnh điểm là trên 45% GDP, giờ thì trong 2 năm vừa qua mức đầu tư chỉ còn 33%; và 6 tháng đầu năm 2013 còn có 29,9% GDP.
“Khó khăn” vẫn là từ diễn tả đúng nhất trạng thái sản xuất kinh doanh của chúng ta hiện nay, khi mà nền kinh tế vĩ mô có khởi sắc nhưng vẫn còn mong manh.
PV: Trên thế giới, trong lúc khó khăn này, nhiều nước đã sử dụng biện pháp kích cầu đầu tư, ông thấy ta có nên học tập hay không?
TS Võ Trí Thành: Trước tình hình như vậy, hiện nay đang có hai dòng quan điểm đến từ lãnh đạo cấp cao, cấp chuyên gia, báo chí… Quan điểm thứ nhất là hiện nay tiền đang có, vĩ mô cũng ổn định hơn một chút, vì thế nên kích cầu khoảng 200 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên còn một dòng quan điểm thứ hai, mà tôi cũng đồng tình, đó là không thể có một gói kích cầu lớn kiểu như năm 2009.
PV: Lý do nào khiến ông không đồng tình vậy, thưa tiến sĩ?
TS Võ Trí Thành: Tôi có 3 lý do sau đây. Thứ nhất, ổn định là điều kiện tiên quyết cho thay đổi cách thức phát triển, không có ổn định thì người ta sẽ chỉ đầu cơ chứ không muốn làm ăn thật sự, có lẽ 100% người có tiền sẽ đầu cơ vào vàng, USD, cổ phiếu, trái phiếu hay bất động sản. Điều đó không hẳn xấu, cũng rất đời thường, đúng không chỉ ở ta mà các nhà đầu tư lớn nước ngoài cũng vậy. Tuy nhiên thế thì làm sao tăng hiệu quả cho sản xuất kinh doanh thực được. Thứ hai, bất ổn thì người khổ nhất là người nghèo, những người thu nhập thấp và cố định. Vấn đề thứ ba và là vấn đề quan trọng nhất, đó là câu chuyện với TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương). Việt Nam muôn trùng khó khăn chưa bao giờ được đứng trước một cơ hội, một “cú hích” có thể có như bây giờ cho tới năm 2015. Bởi vì, lòng tin chỉ quay trở lại nếu Việt Nam ổn định, thực sự xắn tay vào tái cấu trúc, cải cách. Khi đó, Việt Nam sẽ có 3 “cú hích” và 3 “cú hích” này còn lớn hơn “ông” WTO vì hội nhập sâu rộng hơn, với những bạn hàng và bạn đầu tư lớn nhất của Việt Nam, với cách chơi sâu sắc hơn rất nhiều. TPP có thể ký vào cuối năm nay hoặc năm sau. Thứ nữa là các hiệp định như Vietnam-EU; Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand v.v... cũng sẽ sắp được ký kết trong 2 năm tới.
Sau khi chúng ta học được bài học đau đớn về sự chuẩn bị cho WTO, đây là cơ hội chưa từng có của Việt Nam, là một giá trị không thể không nắm bắt và giữ gìn.
PV: Sự ổn định kinh tế vĩ mô là điều mà Chính phủ đang nỗ lực tạo lập qua các chính sách và các doanh nghiệp cũng đang rất kỳ vọng, theo tiến sĩ, những giải pháp nào là cần thiết vào lúc này?
TS Võ Trí Thành: Sự ổn định càng tốt thì “dư địa” để hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp càng lớn. Ổn định càng tạo điều kiện để thực hiện mạnh mẽ Nghị quyết 02 của Chính phủ thông qua ngay từ đầu năm. Hơn nữa, giảm lãi suất thì khó nhưng cố gắng nâng tín dụng tăng khoảng 10-12% từ nay đến cuối năm; có thể bổ sung, ứng trước bằng cách cho phát hành thêm trái phiếu hoặc cho ứng trước để giải ngân nguồn vốn ODA. Riêng về sử dụng gói kích cầu theo nghĩa của gói kích cầu hồi năm 2009 thì tôi phản đối.
Vấn đề xử lý nợ xấu hiện nay thì không dễ. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) ra đời gần như chỉ xử lý nợ xấu cho những doanh nghiệp có tài sản đảm bảo, trong khi nhiều doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có những khoản vay không có tài sản đảm bảo. Nhiều câu chuyện khác nữa đang dồn gánh nặng lên vai NHNN đòi hỏi phải có cách xử lý rất khôn khéo.
Một điểm nữa không đơn giản là việc duy trì ổn định tỷ giá trong thời gian tới, nếu lạm phát tăng trong khi đồng đôla lên giá và lãi suất đồng đôla cũng tăng do chính sách nới lỏng định lượng (QE3) của Mỹ có thể dừng. Chúng ta cần thực hiện một chương trình tiếp tục ổn định nền kinh tế vĩ mô, phục hồi dần tăng trưởng, năm sau đạt mức quanh 5,5% và năm 2015 mức 5,7-5,8%, giữ lạm phát ít ra ở mức 7% trở xuống.
PV: Cho đến nay với nhiều DN, TPP vẫn còn là một khái niệm mơ hồ, nhiều người cho rằng không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức quá lớn đối với một số vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, DNNN, lĩnh vực dệt may..., ông thì ngược lại, khẳng định là không thể bỏ lỡ những “cú hích” quan trọng như vậy, xin được nghe những kiến giải của ông?
TS Võ Trí Thành: Thứ nhất, tôi muốn nói đến một số điều liên quan đến cái nhìn tổng thể về TPP, những khác biệt, những đặc trưng, ý nghĩa và tác động của nó… Thứ hai, tạm gọi là một số lời khuyên với các DN Việt Nam trong câu chuyện TPP.
Như chúng ta đã biết, TPP là một hiệp định do Mỹ dẫn dắt bao gồm 12 nước (Việt Nam, Brunei, Singapore, Malaysia, Chile, Australia, New Zealand, Peru, Mexico, Canada, Nhật Bản và Mỹ), chiếm 40% sản lượng thế giới, 30% thương mại thế giới, công nghệ hàng đầu thế giới, tiền nhiều vô kể, thị trường là những thị trường lớn nhất của Việt Nam.
Ngành Dầu khí đang góp phần quan trọng vào tổng thu ngân sách hằng năm
TPP có những đặc trưng rất cơ bản, khác biệt so với các hiệp định thương mại khác. Đây là hiệp định đỉnh cao nhất trong vấn đề đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng, còn được gọi là hiệp định của thế kỷ XXI. Đây là hiệp định mà kể cả những lĩnh vực truyền thống như là thương mại, đầu tư, dịch vụ cũng sâu sắc nhất, mở cửa mạnh nhất. Đây cũng là hiệp định không chỉ liên quan đến xuất nhập khẩu, tiếp cận thị trường, thuế suất, hải quan, mà là hiệp định liên quan nhiều nhất đến những rào cản sau đường biên giới, tức là liên quan đến gần như tất cả những chính sách bên trong của một quốc gia thành viên.
Ví dụ, tiêu chuẩn lao động, môi trường, tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước, thậm chí, có thể có những cái tranh chấp nhà đầu tư có thể có quyền kiện nhà nước trước khi cấp phép.
Đây cũng là hiệp định mà cách thức đàm phán cũng khác WTO, như đối với dịch vụ là “chọn bỏ chứ không phải chọn cho”, minh bạch hơn rất nhiều, đàng hoàng hơn rất nhiều. Các thành viên cùng bắt đầu đàm phán, khác với WTO khi ta đàm phán là phải chấp nhận luật chơi của một câu lạc bộ sẵn có. Tất nhiên, cam kết cũng nhạy cảm hơn, cả đối với một số vấn đề có tính chính trị.
Một cái khác biệt nữa, đây là hiệp định gắn với tư tưởng của APEC, tức là một khu vực mở, một thế giới mở, mở cửa cho bất kỳ ai muốn vào nhưng tính chính trị của nó cực cao. Ví dụ, với Hoa Kỳ đó là câu chuyện về cân bằng phương trình quyền lực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Với ASEAN, về dài hạn thì TPP là tốt cho ASEAN, song trước mắt có thể ít nhiều tạo hiệu ứng “chuyển hướng thương mại”, bất lợi cho một số nước chưa phải thành viên ASEAN và vì vậy, Mỹ cũng cần hỗ trợ cả ASEAN cùng phát triển.
Vấn đề thứ hai là câu chuyện của Việt Nam tham gia TPP. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta nâng quan hệ đối tác với Hoa Kỳ là đối tác toàn diện. Việc nâng quan hệ lên thành đối tác chiến lược cũng rất đáng nghiên cứu, xem xét.
Cái quan trọng nhất tôi luôn muốn nhấn mạnh là TPP rất liên quan đến vấn đề pháp lý và chính sách cải cách trong nước. Nó có những nguyên tắc ví dụ như nguyên tắc “con cóc”, tức là anh có quyền bảo lưu, sau này đất nước anh thay đổi, cải thiện cái bảo lưu ấy từ mức A lên A+ cao hơn thì mặc nhiên cái mức A+ ấy là cam kết với tất cả các nước thành viên TPP.
Tác động của TPP và ý nghĩa của nó vô cùng lớn, theo nhiều tính toán thì Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất, nhưng có lớn nhất hay không thì câu trả lời là: “Phụ thuộc hoàn toàn vào chính Việt Nam” vì những mô hình ấy dựa rất nhiều vào giả định, vì nó chưa tính hết đến những cải cách trong nước hỗ trợ cho quá trình hội nhập, do đó vấn đề là Việt Nam có dám “chơi” hay không và “chơi” như thế nào.
PV: Vậy để các DN Việt Nam có thể tham gia cuộc chơi mới này, nếu có thể quy về 3 “điều ước”, tiến sĩ có thể dành cho họ 3 điều gì trước vận hội TPP?
TS Võ Trí Thành: DN đối với TPP cần phải làm gì? Tôi có thể khuyên 3 điều: Thứ nhất là phải nắm được những vấn đề cam kết liên quan đến ngành của mình. Nhớ rằng hiệp định này do Mỹ dẫn dắt cho nên nền tảng của các cam kết ấy hầu như dựa trên những nền tảng các hiệp định thương mại tự do mà Mỹ đã từng ký kết, ví dụ, những cam kết về quyền sở hữu trí tuệ thì theo tôi hiểu, cái nền để bắt đầu đàm phán chính là căn cứ vào Hiệp định Thương mại tự do giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Khi tham khảo các hiệp định đó, chúng ta có thể hình dung mức độ, cấp độ, chi tiết... để chúng ta biết mà chuẩn bị trước.
Thứ hai, giống như WTO, là cái cực kỳ quan trọng, đối với WTO thì chỉ là dịch vụ, nhưng ở đây không chỉ là dịch vụ mà nó rất nhiều chính sách, tiêu chuẩn sau đường biên giới, cho nên lại phải theo sát những thay đổi chính sách của Việt Nam. Và nếu có một nguyên tắc chính sách nào không thay đổi, không phù hợp cam kết thì chúng ta lấy các cam kết quốc tế làm đỉnh chúng ta chiếu vào. Như vậy chưa bao giờ có một hiệp định nào lại cần phải theo sát chính sách trong nước như trong hiệp định TPP.
Điều thứ ba, bên cạnh vấn đề pháp lý và chính sách trong nước là chuyện thay đổi cách chơi hiện nay, chữ quan trọng nhất bên cạnh chữ “cạnh tranh” là chữ “kết nối”. Thế giới bây giờ là thế giới của kết nối, không kết nối là thua. Nói gì cũng phải nói đến mạng, đến chuỗi, đối tác và kết nối ấy không phải nội ngành, nó là dịch vụ, là sản xuất, là chính sách, nghiên cứu triển khai, xã hội, lao động… Bởi nếu không có kết nối thì chưa nói đến giao diện kém, mà không thể chạy theo được tốc độ dịch chuyển các nhân tố sản xuất hiện nay, tốc độ rất nhanh.
Nói gọn lại, 3 cụm từ quan trọng nhất đối với tính toán, làm ăn với TPP là: pháp lý, chính sách trong nước và kết nối.
PV: Là người hiểu biết sâu sắc về chính sách tài chính tiền tệ, xin tiến sĩ cho biết ý kiến về một vấn đề “vi mô” hơn, đó là quản trị tài chính trong bối cảnh biến đổi mà nhiều vấn đề lý thuyết “sách vở”có vẻ như đang lung lay thì cần quan tâm đến điều gì?
TS Võ Trí Thành: Quản trị tài chính bây giờ là rất cần thiết, có những tư tưởng rất nền tảng mà không cần phải học sách giáo khoa nhiều. Chúng ta rất nên quan tâm và để ý bởi vì hai điều: Thế giới tài chính bây giờ quá lớn để mà đổ vỡ, quá lớn để mà chúng ta chối bỏ, dù chúng ta có yêu có ghét thì vẫn phải hiểu nó. Thứ hai là nó rất tinh xảo, các trò chơi của nó tinh xảo đến mức mà bây giờ từ đầu tiên nói về trò chơi tài chính là từ “hội tụ”. Đầu tư, thương mại, cho vay, trái phiếu, cổ phiếu... là những từ rất nền tảng nhưng bây giờ nó có thể hội tụ để chuyển hóa rất nhanh.
Lại là 3 điều cần quan tâm đối với quản trị tài chính: Nguyên tắc đầu tiên liên quan đến hai từ thôi, đó là: tài sản hay giá trị và dòng tiền hay thanh khoản. Hai cái ấy có quan hệ chặt chẽ với nhau, song không tương đương, đừng bao giờ đặt trọng số như nhau, càng nguy hiểm hơn khi vào thời điểm khó khăn như hiện nay lại đặt trọng số cao hơn vào giá trị, vào tài sản. Dòng tiền mới là quan trọng.
Điều nữa là tài sản giá trị liên quan đến đòn bẩy tài chính, giá trị có thể dùng đòn bẩy để nâng gấp nhiều lần, gấp 10-15 lần... và tất nhiên, càng cao càng rủi ro. Khi người ta hy vọng tạo ra dòng tiền gấp 10 lần giá trị thực thì tức là đã tạo ra một sự ràng buộc, một sự nhằng nhịt mà đổ vỡ nhỏ ở một khâu có thể dẫn đến đổ vỡ tất cả, đó chính là rủi ro cao nhất của trò chơi đòn bẩy. Bởi vì đòn bẩy tài chính không chỉ một người có thể tạo ra mà nó là sự kết nối với nhiều trò chơi, nhiều cách chơi, nhiều thị trường, nhiều con người để giá trị của nó tăng lên và khi chỉ một khâu hỏng thôi là “chết”, thậm chí khó biết “chết” từ đâu.
Điều thứ ba là gắn với thanh khoản. Khi chơi tài sản tài chính thì bao giờ cũng nên nhớ là thanh khoản của tài sản tài chính cao hay thấp. Tài sản tài chính thanh khoản cao nhất là tiền đồng, thứ nhì là đôla, thứ ba là vàng, thứ tư là cổ phiếu, thứ năm là trái phiếu, thấp nhất là bất động sản. Bên cạnh cái giá chuyển đổi lợi tức bao giờ cũng phải nhìn thêm cái nữa trong trò chơi ấy là thanh khoản. Đừng bao giờ coi nhẹ dòng tiền cho dù có thể dòng tiền nhỏ hơn giá trị rất nhiều.
Cuối cùng, trong một thế giới đầy rủi ro và bất định hiện nay, chúng ta rất cần phải biết biến cái bất định của tương lai thành cái xác định của hiện tại để tính toán. Nhiều công cụ tài chính (như phái sinh) có thể hỗ trợ cho pháp “biến” đó. Cũng có thể san sẻ rủi ro cho “người khác” bằng mua bảo hiểm, song tất nhiên phải trả phí. Hạn chế bất định còn có thể nhờ thu thập thông tin có phân tích. May ra ở đây những người như chúng tôi có ích.
PV: Xin cảm ơn tiến sĩ đã nhận trả lời phỏng vấn.
Nguyễn Tiến Dũng (thực hiện)
-
Chứng khoán tuần mới (từ 28/10 đến 1/11): Trong nguy có cơ
-
Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp
-
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024
-
ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,0% trong năm 2024
-
Hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2024
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam