Thủy sản Việt chớp cơ hội trong đại dịch
Mô hình nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ đạt hiệu quả, cho năng suất cao khi thu hoạch |
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ năm 2020 đến tháng 2-2021, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam rất khó khăn do gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu của dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, sự phục hồi đã diễn ra trong tháng 3 và tháng 4-2021 khi xuất khẩu thủy sản tăng lần lượt 17% và 30% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp thủy sản có doanh thu tăng mạnh, nhưng lợi nhuận ròng giảm do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng nhanh hơn so với giá bán và chi phí logistics cao trong quý I/2021.
Tại Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán: MPC), doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ quý I/2021 đạt 2.809 tỉ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 27 tỉ đồng, giảm tới 52%.
Theo Công ty CP Chứng khoán SSI, với tỷ trọng doanh thu tôm nguyên liệu cao, chiếm tới 50% và mạng lưới khách hàng mạnh, MPC nên là doanh nghiệp hưởng lợi chính khi chiếm thị phần cao hơn ở Mỹ. Thực tế, MPC phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ khi thị trường Mỹ chiếm hơn 30% doanh thu của MPC. Tuy nhiên, do MPC nhập khẩu một tỷ trọng nhỏ tôm Ấn Độ để chế biến (dưới 16% cho toàn ngành thủy sản), nên phải chịu thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ tại Mỹ.
Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của MPC biến động trong giai đoạn 2015-2020. Năm 2021, MPC đặt mục tiêu lợi nhuận ròng đầy tham vọng ở mức 1.400 tỉ đồng, tăng 109% so với năm 2020. Nhưng SSI cho rằng, MPC khó đạt được kế hoạch lợi nhuận sau thuế do chi phí logistics liên tục tăng cao.
Tại Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC), quý I/2021 so với quý I/2020, doanh thu thuần tăng 36%, đạt 969 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 23%, chỉ đạt 31 tỉ đồng.
Thị trường của FMC khá đa dạng, Nhật Bản đóng góp 28% doanh thu, EU 29% và Mỹ 26%. Thế mạnh của FMC là tôm chế biến (78% tổng sản lượng), giúp công ty tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm tôm tại Mỹ.
Chế biến sản phẩm tôm hấp chín xuất khẩu |
Trong quý I/2021, dù doanh thu của FMC tăng mạnh, nhưng chi phí nguyên liệu bao gồm tôm và thức ăn thủy sản cao đã làm giảm tỷ suất lợi nhuận gộp từ 9,9% trong quý I/2020 xuống còn 7,7% trong quý I/2021. Chi phí logistics cũng tăng 72%, kéo theo lợi nhuận sau thuế giảm 23% so với cùng kỳ năm 2020.
FMC có kế hoạch mở rộng 100% công suất trong giai đoạn 2021-2025. Năm 2021, FMC đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 4.600 tỉ đồng và 250 tỉ đồng, đều tăng 6% so với năm 2020. Theo SSI, đây là kế hoạch kinh doanh khá thận trọng.
Trong quý II/2021, VASEP dự kiến xuất khẩu tôm và cá tra sẽ tăng lần lượt 10% và 7% so với cùng kỳ năm 2020. Đến cuối năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ hai cơ hội chính: Giành thị phần từ đối thủ cạnh tranh có sản lượng sản xuất bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; tiếp tục tăng trưởng từ mảng bán lẻ và bán hàng trực tuyến trong khi nhu cầu từ kênh nhà hàng sẽ sớm phục hồi.
Theo Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA), quý I/2021, xuất khẩu tôm nguyên liệu nước ấm của Ấn Độ sang Mỹ giảm 9% về sản lượng và giảm 10% về giá trị so với quý I/2020. Trong khi đó, các nước đối thủ cạnh tranh của Ấn Độ tiếp tục tăng xuất khẩu. Ecuador là nước hưởng lợi tức thì, tăng trưởng 37% về sản lượng và 44% về giá trị trong quý I/2021 so với quý I/2020. Ecuador có lợi thế cạnh tranh nhờ giá bán bình quân thấp nhất trong số nhóm 5 nước hàng đầu, cạnh tranh trực tiếp với Ấn Độ.
Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần thủy sản tại Mỹ. Thực tế, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ rất khả quan trong quý I/2021, với mức tăng 41% sản lượng và 10% về giá trị so với quý I/2020.
Tuy nhiên, giá xuất khẩu tôm nguyên liệu của Việt Nam vẫn khá cao so với các đối thủ cạnh tranh do tỷ trọng tôm sú có giá bán bình quân cao hơn.
SSI cho rằng, giá bán bình quân đối với tôm thẻ chân trắng nguyên liệu vẫn khá ổn định, đạt 10 USD/kg, giá bán bình quân trong quý I/2021 giảm là do sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm để giảm tỷ trọng tôm sú với giá cao hơn.
Tỷ lệ doanh thu tôm thẻ chân trắng, tôm sú thay đổi từ 87/13 trong quý I/2020 thành 91/9 trong quý I/2021, do tôm sú thường được tiêu thụ trong các kênh nhà hàng và khách sạn vẫn đang đóng cửa một phần do dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, nhu cầu đối với tôm chế biến đã tăng lên đáng kể. Đây luôn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trước Ecuador tại thị trường Mỹ và đối với tất cả các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới, trong đó, EU và Nhật Bản ưa chuộng tôm chế biến. Theo NOAA, quý I/2021, Việt Nam có mức tăng cao nhất về giá trị trong nhóm 5 nước xuất khẩu tôm hàng đầu là Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan.
Theo VASEP, xuất khẩu cá tra Việt Nam quý I/2021 tăng 3%, trong nửa đầu tháng 4-2021 tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu sang Mỹ (thị trường hàng đầu) tăng trở lại lần lượt ở mức 16% và 120%. Dữ liệu này cho thấy ngành thủy sản phục hồi vững chắc.
VASEP cũng cho rằng giá bán bình quân từ tháng 12-2020 đến tháng 1-2021 đã chạm đáy và giá bán bình quân của tất cả các thị trường sẽ phục hồi vào cuối năm.
Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần thủy sản tại Mỹ. Thực tế, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ rất khả quan trong quý I/2021, với mức tăng 41% sản lượng và 10% về giá trị so với quý I/2020. |
Võ Long
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện cho Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4