Thương mại điện tử của Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với bình quân khu vực
Kinh tế số có thể giúp thu nhập đầu người tăng thêm 640 USD |
Nâng cao vai trò của trí thức trẻ Việt Nam trong nền kinh tế số |
Năm 2025: Việt Nam sẽ thuộc top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia |
Đây là nhận định của PGS.TS Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp tại Diễn đàn Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp diễn ra sáng nay (18/6) do Viện Nghiên cứu Thương hiệu và cạnh tranh tổ chức với sự tài trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Công ty Cổ phần Kinh doanh khí Miền Nam (PVGas South).
Ông Hùng còn cho biết, với dân số gần 100 triệu người (tính đến tháng 10/2018), trong số đó hiện có hơn 64 triệu người dùng Internet, hơn 130 triệu thuê bao di động, hơn 3.000 doanh nghiệp (DN) đổi mới sáng tạo, nhiều DN thành công trong các ngành công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng công nghệ số... Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số.
Kinh tế số (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, với số lượng lớn người sử dụng mạng như vậy, tỷ trọng của thương mại điện tử trong tổng doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam lại chỉ chiếm 4,6% trong năm 2018, một tỷ lệ rất nhỏ so với mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 14,5%.
Phân tích nguyên nhân, ông Hùng cho rằng, do nền kinh tế số đã tạo ra những thách thức không nhỏ cho các DN Việt Nam. Đầu tiên là thách thức về thị trường do nhiều DN nước ngoài đã có mặt trong các ngành nghề của nền kinh tế Việt Nam dẫn đến tầm ảnh hưởng, sức mạnh và việc ứng dụng công nghệ số hóa của DN đến từ nước ngoài như Facebook, Google, Microsoft… trong xã hội hiện nay rất lớn.
Tiếp nữa là khả năng nắm bắt và hòa mình vào xu thế thời đại công nghệ của các DN còn hạn chế, chưa kể đến khả năng thích ứng với nền kinh tế của DN Việt Nam cũng bị giới hạn nhất là DN nhỏ và vừa.
Tỷ trọng thương mại điện tử của Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với mức bình quân của khu vực |
Ông Hùng nói: “Khu vực DN vừa và nhỏ đang gặp khó khăn khi muốn mở rộng kinh doanh thông qua nền kinh tế số do những phiền toái, trở ngại về truy cập Internet. Sự am hiểu về tính an toàn và bảo mật thông tin cá nhân, giải quyết các vấn đề tiến công qua mạng khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trình độ công nghệ, kiến thức cơ bản về phát triển trực tuyến còn nhiều hạn chế… cũng là một rào cản lớn. Ngoài ra, các thiết bị công nghệ thông tin thường có chi phí rất đắt đỏ, dịch vụ kho vận yếu kém, chi phí bị đội lên cao so với nhiều nước trong khu vực cũng khiến nhiều DN “lực bất tòng tâm”. Hơn nữa, lòng tin của phần lớn người tiêu dùng đối với mua sắm trực tuyến ở nước ta vẫn chưa cao”.
Trong hoàn cảnh như vậy, theo ông Hùng, với điều kiện hiện nay DN cần hướng tới sự phát triển bền vững và tự chủ, không để phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài hay chỉ một nhân tố duy nhất là công nghệ số. Bởi trong tương lai, với tốc độ phát triển công nghệ như vũ bão hiện nay, rất có thể xuất hiện thêm những mô hình mới tiên tiến hơn.
Bên cạnh đó, các DN Việt Nam cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, quyết “khai tử” những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn.
Ngoài ra, nghiên cứu một cách bài bản, nắm bắt nhu cầu của khách hàng để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Khi đã có phương pháp chủ động tiếp cận nền kinh tế số, các DN với nhiều tiềm lực và lợi thế sẽ trở thành “đầu tàu” dẫn dắt công cuộc số hóa trong nền kinh tế quốc gia.
Tú Anh
-
Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt
-
Tin tức kinh tế ngày 16/11: Thu ngân sách gần “về đích”
-
Tin tức kinh tế ngày 7/11: Tỷ giá USD/VND tăng cao nhất lịch sử
-
Không khoan nhượng trong “cuộc chiến” thương mại điện tử
-
Tin tức kinh tế ngày 27/10: Thanh, kiểm tra các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam