Thương chiến Mỹ - Trung: Dấu hiệu cho thấy Việt Nam không hẳn đã hưởng lợi
Việt Nam không thực sự hưởng lợi từ chiến tranh thương mại?
Trái với dự báo quá lạc quan của nhiều chuyên gia, tại diễn đàn do Bộ Công Thương phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 30/8, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI chỉ ra nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam không hẳn đã là nước hưởng lợi trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gia tăng.
Theo bà Trang, trong câu chuyện với Mỹ, đây là thị trường mà Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất trong 6 tháng đầu năm. Dù nằm trong nhóm 10 đối tác có thâm hụt thương mại với Mỹ thì điều đáng lo là trong số 10 đối tác có thâm hụt thương mại, Mỹ đã sử dụng biện pháp trừng phạt hoặc những biện pháp đối phó có phạm vi tác động lớn hơn nhiều so với những biện pháp kiểu chống bán phá giá, chống trợ cấp.
"Duy nhất có Việt Nam và Malaysia chưa dính đòn. Tuy nhiên, trong khi Malaysia đã giảm tốc tăng trưởng nhập khẩu thì điều ngược lại diễn ra với chúng ta. Đấy là nguy cơ", bà lưu ý.
Còn với Trung Quốc, bà Trang cho biết, trong nửa đầu năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng, nhưng mức tăng rất thấp, chỉ 0,3%.
"Nếu so sánh với mốc 21,8% cùng kỳ năm ngoái, đấy là sự giảm tốc rất lớn, đặc biệt ở các mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thuỷ sản", vị chuyên gia cho biết. Đồng thời, đặt câu hỏi về việc Trung Quốc đang có chính sách thắt chặt các điều kiện về xuất nhập khẩu trong bối cảnh nước này bị hạn chế hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam lại có dấu hiệu tăng, đặc biệt ở những mặt hàng mà nước này xuất khẩu mạnh qua Mỹ như máy tính, điện tử, linh kiện.
Đáng chú ý, bà Trang cũng cho rằng, về sự dịch chuyển luồng vốn trong chiến tranh thuơng mại có nhiều suy đoán chưa chính xác.
"Nhiều suy đoán cho rằng dòng đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi Trung Quốc vì chiến tranh thương mại. Đúng là họ có rút thật nhưng họ đang quay trở lại với chiến lược sản xuất ở Trung Quốc cho thị trường Trung Quốc. Những doanh nghiệp rút đi là những đơn vị xuất khẩu sang Mỹ", bà nói.
Còn suy đoán vốn từ Trung Quốc chuyển đi các nước mà Việt Nam là một điểm thu hút, bà Trang cũng cho rằng có điểm khác.
"Số liệu của các nhà đầu tư Nhật không cho thấy điều đấy. Vốn giảm ở Trung Quốc, tăng ở thị trường khác nhưng không phải ở Việt Nam. Đến lúc tăng ở Trung Quốc, giảm ở thị trường khác thì Việt Nam giảm sâu hơn", bà nói.
Trong bối cảnh hiện nay, bà Trang cho rằng, CPTPP và các FTA có thể là "cứu cánh" quan trọng cho Việt Nam trong việc giải quyết các khó khăn về đầu tư một giải pháp. Theo đó, CPTPP với tiêu chuẩn cao về thể chế, đòi hỏi cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư sẽ là lý do khiến doanh nghiệp ngoại chọn lựa Việt Nam thay vì buộc phải đến để né tránh thương chiến. Bên cạnh đó, các hiệp định tự do cũng tạo ra cơ hội lớn về tăng GDP, xuất khẩu tại nền kinh tế 96 triệu dân…
Hơn 70% doanh nghiệp chưa rõ về CPTPP
Theo số liệu khảo sát của VCCI, trong 8.600 doanh nghiệp tham gia khảo sát về mức độ quan tâm tới CPTPP, có 26% doanh nghiệp có tìm hiểu nhưng vẫn còn hơn 70% doanh nghiệp chưa rõ về CPTPP.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI cho hay, cản trở lớn nhất được các doanh nghiệp đưa ra là 84% các doanh nghiệp thiếu thông tin về cam kết và cách thực hiện; 81,48% doanh nghiệp bất cập trong tổ chức thực thi của cơ quan nhà nước; tiếp theo là những vấn đề về năng lực cạnh tranh thấp hay quy tắc xuất xứ quá khó...
Trong khi đó, các cơ quan nhà nước, sự chủ động cũng chưa cao. Các kế hoạch hành động của các bộ, ngành địa phương đều chậm nửa năm so với yêu cầu. Các đầu mối thông tin, phổ biến tuyên truyền về CPTPP cho cán bộ nhà nước, doanh nghiệp cũng chậm. Hành trình cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn nhiều chông gai do chính sách thuế, thủ tục hải quan vẫn nhiều bất cập.
Đồng quan điểm, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cũng cho biết, kể từ khi CPTPP có hiệu lực, số lượng câu hỏi, sự quan tâm của doanh nghiệp mới chỉ dừng ở 12 câu hỏi gửi tới bộ.
"Điều này còn quá khiêm tốn so với cộng đồng doanh nghiệp đông đảo của Việt Nam. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã biết tận dụng CPTPP để tăng trưởng xuất khẩu nhưng thống kê cho thấy, tỷ lệ tận dụng ưu đãi vẫn còn rất thấp", ông nói.
Ông Khanh cho rằng, hiện chỉ có 2 mặt hàng giày dép, sắt thép tận dụng được khoảng 10% cơ hội. Còn dệt may với dự báo cơ hội lớn nhưng chỉ tận dụng được 0,03%, gần như không tận dụng được.
“Với các bộ, ngành, địa phương, chúng tôi hầu như chưa nhận được sự quan tâm hay các câu hỏi nào liên quan đến CPTPP. Cho đến nay, các bộ, ngành địa phương hầu hết đã có kế hoạch hành động, nhưng để có được điều đó thì Thủ tướng Chính phủ phải nhắc 3 lần", ông nhấn mạnh.
Phát biểu tại diễn đàn, TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương thẳng thắn: "Nếu hiệp định ký xong mà để đấy thì tất cả lợi ích đó vẫn chỉ nằm trên giấy. Do đó, cần nâng cao hơn sự chủ động của cả bộ máy quản lý, các địa phương và chính doanh nghiệp".
Theo ông Thành, đã đến lúc doanh nghiệp phải thay đổi để có sự tự tin, hiểu thấu đáo để tham gia vào cuộc chơi của các Hiệp định thương mại tự do với các nước, các thị trường lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đồng hành với Chính phủ, đối thoại về pháp lý nhằm có biện pháp bảo vệ quyền lợi của chính mình trong quá trình hội nhập.
Theo Dân trí
-
Hệ quả từ sự phát triển quá nóng của năng lượng mặt trời ở Trung Quốc
-
Chính quyền Mỹ chạy đua chi tiền cho năng lượng sạch trước thềm cuộc bầu cử
-
Trung Quốc củng cố an ninh năng lượng như thế nào?
-
Việt Nam lọt top 20 quốc gia được du khách yêu thích nhất thế giới
-
Khi nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc chạm đỉnh: Thị trường thế giới sẽ ra sao?
-
Tin tức kinh tế ngày 23/10: Xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt 200 tỷ USD một quý
-
Giá dầu hôm nay (23/10): WTI tăng, Brent giảm trong phiên
-
Điện Kremlin: BRICS không có mục tiêu đánh bại đồng đô la
-
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Tạo cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
-
BRICS "nhấn ga" tái thiết tài chính toàn cầu, đẩy nhanh phi USD hóa, SWIFT lung lay, giá vàng lên 150.000 USD/ounce