Thị trường taxi công nghệ, cuộc đua đốt tiền của các “đại gia” chịu chi
Chuyên gia Đỗ Hoà cho rằng, khi thị trường đã xuất hiện những đối thủ rất mạnh với các chiêu khuyến mại rất lớn thì cánh cửa cho các doanh nghiệp khác ngày càng hẹp lại. |
Thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ được đánh giá rất nhiều tiềm năng ở Việt Nam. Nó cũng đang trở nên sôi động hơn rất nhiều với sự tham gia của hàng loạt tên tuổi mới bên cạnh vị trí chiếm lĩnh của Grab.
Trong cuộc trò chuyện với Dân trí, chuyên gia chiến lược Đỗ Hoà cho rằng, sau khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam thì hiện tại với sự ra đời của Go-Viet, cánh cửa cơ hội cho các ứng dụng gọi xe Việt lại ngày càng một nhỏ hơn.
Chuyên gia chiến lược Đỗ Hoà nói: Khi Uber rút khỏi Việt Nam, đây được coi là thời điểm hấp dẫn để các ứng dụng khác vươn lên giành thị phần, chiếm chỗ đứng. Ở thời điểm đó, khá nhiều ứng dụng được quảng bá rầm rộ, trong đó phần nhiều là doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, sau một thời gian, đến lúc này chúng ta vẫn chưa thấy được một ứng dụng Việt có sức bật trên thị trường.
Vấn đề ở đây là gì? Chúng ta thấy những ứng dụng như Uber, Grab hay giờ là Go-Viet với sự hậu thuẫn của Go-Jek, đây đều là những tên tuổi đã thành công ở nhiều thị trường trên thế giới sau đó đổ bộ vào Việt Nam.
Những doanh nghiệp này đều có nguồn lực rất lớn khi gọi được số vốn không nhỏ để kinh doanh. Không chỉ riêng ngành taxi công nghệ, mà hầu hết tất cả các lĩnh vực hướng tới thị trường lớn thì đều đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu cực kỳ tốn kém.
Các ngành này không như những ngành B2B (Business to Business – kết nối doanh nghiệp) hay phân khúc thị trường ngách… mà đặc thù của nó là nhắm vào thị trường lớn, cho nên đòi hỏi sau một thời gian nhất định nào đó, anh phải chiếm được thị phần tương đối hay một cái ngưỡng nào đó.
Tức là trong thời gian bao lâu anh phải đạt được một con số nhất định về đơn hàng, hay một lượng khách hàng thì lúc anh mới tồn tại được. Nếu anh không đạt được mục tiêu, thu không bù chi thì sẽ “chết”.
Các công ty nước ngoài như Uber, Grab lúc đầu vào Việt Nam đều báo lỗ và chấp nhận chịu lỗ bởi họ có nguồn lực rất mạnh. Họ gọi vốn thành công, họ có đối tác chiến lược rót vốn để chịu lỗ, bù lỗ cho tài xế, khuyến mại ồ ạt cho khách hàng, chi đậm quảng cáo.
Tương tự Uber, Grab, sau này Go- Viet sau này vào Việt Nam cũng cùng chiêu thức như vậy. Họ nhanh chóng tung tiền làm marketing, xây dựng thương hiệu và đạt được một thị phần tương đối. Họ hiểu rõ một điều, nếu sau một thời gian nhất định không đạt được một thị phần tương đối thì họ sẽ thất bại.
Tại thời điểm này, khi mà 2 đối thủ đến từ Malaysia (Grab) và Indonesia (Go-Jek) đang giành giật thị trường Việt Nam, nhiều người tiêu dùng thắc mắc các ứng dụng gọi xe thuần Việt vừa ra mắt rầm rộ đang ở đâu?
Như những gì tôi nói ở trên, chúng ta có thể hiểu được vị trí của doanh nghiệp Việt lúc này và điều gì đã cản chân họ? Đó chính là câu chuyện thiếu vốn. Họ làm app rồi để đó. Làm cũng chỉ qua loa chút xíu. Thực tế họ không đủ mạnh về nguồn lực để chịu lỗ dài dài những mấy “ông to” kia.
Chính Vinasun cũng từng thừa nhận, trong “cuộc đấu” với Grab – Uber, họ “thua về thế lực, tài chính…”.
Vậy chúng ta có thể hiểu vấn đề lớn nhất trong “cuộc chiến” giành giật thị phần thị trường taxi công nghệ chính là vốn, không phải vấn đề về chiến lược?
Đúng. Đây chính là cuộc đua đốt tiền. Cuộc đua giành cho những kẻ lắm tiền, không phải cuộc chơi của những anh nhà nghèo, sợ rủi ro. Nếu anh không mạnh nguồn lực lại ngại rủi ro thì cuộc đua taxi công nghệ không có chỗ đứng cho anh.
Không thể có chuyện “tay không bắt giặc” hay mỏng vốn mà chiến thắng được trong cuộc đua này được. Ở đây chỉ có ít tiền và nhiều tiền. Nhiều tiền thì họ bơm mạnh, làm tới. Ít tiền thì chỉ còn cách đầu tư thật tốt vào khâu marketing, năng lực marketing quản lý thật hiệu quả, để làm sao bỏ ra một đồng thì hiệu quả gấp nhiều lần. Chỉ có cách như vậy thôi.
Để giành giật khách hàng, tài xế, Grab hay Go-Viet đưa ra khuyến mại 1 nghìn đồng với 2 nghìn đồng/cuốc xe để rồi bù lỗ. Mấy doanh nghiệp dám như vậy? Cánh cửa cơ hội cho các ứng dụng gọi xe Việt thực sự đang ngày càng một nhỏ hơn.
Cánh cửa để vào thị trường cao hơn trước rồi. Trước là thấp thì chỉ đòi hỏi vấn đề về pháp lý, nhưng khi thị trường đã xuất hiện những đối thủ rất mạnh với các chiêu khuyến mại rất lớn thì cánh cửa cho các doanh nghiệp khác ngày càng hẹp lại.
Có thể thấy cách thức dùng khuyến mại “sốc” để lôi kéo khách hàng hiện nay của Go-Viet cũng giống cách làm của Uber và Grab trước đây. Liệu bổn cũ soạn lại, Go-Viet có cơ hội giành phần thắng?
Không có thị trường nào mà chỉ có một doanh nghiệp độc quyền. Nếu có chỉ trong một thời gian ngắn thôi, sau đó sẽ có ít nhất một đối thủ thứ 2, thậm chí thứ 3. Thông thường các thị trường khác cũng vậy, sẽ có hai doanh nghiệp chi phối 70%, còn là 30% chia lại các doanh nghiệp nhỏ khác.
Hiện tại có mỗi Grab thống lĩnh vậy thì rõ ràng cơ hội đối với Go-Viet là rất hấp dẫn. Họ cũng chỉ cần chia thị phần thôi, đầu cần “hất cẳng” Grab thì vẫn có được “miếng ngon”.
Đối với thị trường taxi truyền thống thì sao, họ có thể đứng ngoài cuộc đua này và duy trì được thị trường của họ bằng cách nào đó không, thưa ông?
Taxi truyền thống cũng đang vướng các vấn đề của họ cho nên dù biết là mô hình công nghệ kia cạnh tranh tốt hơn nhưng cuối cùng họ vẫn đang “lùng bùng” trong thế kẹt.
Đa số các doanh nghiệp này chọn cách tiếp tục kinh doanh mô hình truyền thống cộng thêm cái app. Cái app đó cũng chỉ để đặt xe và tính tiền một cách ước tính thôi, nếu đi vào dài hơn thì sẽ không dừng ở con số đó nữa, tức là cơ bản giá cả vẫn như bình thường.
Mô hình taxi truyền thống lâu rồi bị kẹt trong chính mô hình của họ mà không thoát ra được. Họ kẹt trong đó vì chi phí vận hành bộ máy cao, chi phí nhân sự lớn. Khi chi phí kinh doanh cao, nếu họ hạ giá như anh taxi công nghệ thì lỗ nặng. Thứ hai mô hình của họ là vay tiền ngân hàng đầu tư xe. Dù thị trường khó khăn họ vẫn chạy kiếm tiền chia lợi nhuận tài xế, trả lãi cho ngân hàng.
Họ chỉ có một lối duy nhất đó là lập một doanh nghiệp có pháp nhân riêng, hoạt động độc lập mô hình cũ, vận hành hoàn toàn như mô hình công nghệ, không liên quan đến nợ nần của công ty cũ, không sở hữu xe nữa. Và sau đó, họ tiếp tục phải đối mặt với vấn đề về nguồn lực để cạnh tranh với các đối thủ khác.
Trước đây, các doanh nghiệp taxi truyền thống phân chia thị trường, giá cả do họ thống nhất, bây giờ có đối thủ, họ lại có tổ chức tốt hơn, chi phí tốt hơn thì họ bắt đầu “hoảng”, kêu cứu. Muốn phát triển thời điểm hiện tại, điều quan trọng là họ phải thay đổi tư duy, quan điểm, bắt kịp xu hướng. Bản thân tự cứu mình thay vì nhà nước cứu.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo Dân trí