“Thế nào là biển số đẹp để đấu giá?”
Đấu giá biển đẹp tăng nguồn thu ngân sách
Chiều ngày 16/11, Quốc hội thảo luật tại hội trường dự Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phát biểu tại đây, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) thống nhất với việc đấu giá biển số xe để đáp ứng nhu cầu có thật của một số người dân, đồng thời tăng ngân sách cho quốc gia.
Theo đại biểu đoàn Quảng Bình, khi đã thống nhất trong luật về quy định đấu giá biển số xe thì phải có quy định cụ thể thế nào là biển số đẹp để đưa vào đấu giá và chống gian lận.
“Đề nghị ban soạn thảo luật ban hành cả quy định quy trình đấu giá biển số xe để đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân lựa chọn biển số xe thích hợp, đồng thời đảm bảo quy định quản lý phương tiện giao thông”, đại biểu Phương nói.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đoàn Quảng Bình phát biểu tại hội trường |
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương việc có tách Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay không thì quyết định cuối cùng vẫn là của các đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến. Còn việc góp ý vào dự thảo luật nhằm khắc phục những bất cập trong Luật giao thông đường bộ năm 2008.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, vấn đề đấu giá biển số xe là cần thiết, vì nếu để như hiện nay người bình thường khó có được biển số đẹp. “Việc đầu giá biển số xe sẽ tăng nguồn thu ngân sách, cùng đó là minh bạch hóa quá trình cập biển số xe, hạn chế tiêu cực”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Qua dự thảo, Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) nêu ra những băn khoăn biển số nào được coi là biển số đẹp được đem ra đấu giá và biển số nào được đưa ra cấp ngẫu nhiên. Theo đại biểu, trong luật cũng cần phải nêu rõ quy định người nào thì được đem ra đấu giá và trường hợp biển đẹp nhưng không đấu giá được thì xử lý thế nào.
Tách luật từ yêu cầu thực tiễn
Góp ý về dự án Luật, đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hoà Bình) cho rằng, việc Chính phủ trình 2 dự án Luật đã được thảo luận đánh giá khách quan xuất phát yêu cầu thực tiễn, được sự đồng tình cao của các bộ, gắn trách nhiệm từng bộ cụ thể. Trong đó, ngành công an có nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, đào tạo sát hạch cấp GPLX. Còn ngành giao thông quy định về kết cấu hạ tầng giao thông.
“Việc quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về đào tạo sát hạch cấp GPLX thuộc trách nhiệm Bộ Công an là đảm bảo tính hợp lý thống nhất, nhất quán từ quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và kiểm soát. Đây cũng là vấn đề xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn”, đại biểu đoàn Hòa Bình nói.
Đại biểu Quách Thế Tản cũng kiến nghị về việc quy định rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn về sức khoẻ của người lái xe. Theo đó, các cơ quan chức năng cần có cơ chế phối hợp để kiểm soát sức khoẻ của người lái xe vì đây là quy định quan trọng liên quan đến an toàn giao thông.
“Có người trên 60 tuổi vẫn đảm bảo sức khoẻ để lái xe nhưng có người dưới 60 tuổi sức khoẻ không đảm bảo, phản xạ kém thì không nên cấp GPLX”, đại biểu Tản nói và đề nghị Quốc hội thông qua Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, phát biểu tại phiên thảo luận |
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cũng đồng ý tách 2 dự án Luật vì ở Việt Nam, vấn đề giao thông vận tải đường bộ có vai trò trọng yếu, góp phần bảo đảm an ninh – trật tự, kinh tế, hướng tới giao thông thông minh.
Đại biểu đưa số liệu và phân tích TNGT đường bộ chiếm 95% tổng số TNGT; đường bộ cũng là nơi xảy ra nhiều vi phạm pháp luật, tội phạm như trộm cắp, cướp giật, buôn lậu, vận chuyển ma tuý, hàng cấm, trốn truy nã…
“Việc xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ còn cụ thể hoá quan điểm của Đảng, phù hợp với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Việc tách Luật không phải phân chia quyền anh quyền tôi mà trên hết là xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc, xây dựng hình ảnh quốc gia văn hoá, văn minh, người dân sống và làm việc trong điều kiện tốt nhất”, đại biểu đoàn Đắk Lắk nói.
Linh hồn của luật là tạo khung pháp lý đảm bảo ATGT
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) băn khoăn khi tách luật Giao thông đường bộ thành 2 luật là luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vì trình tự thủ tục trong xây dựng luật, theo Chương trình xây dựng luật năm 2020 thì luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ không có chương trình.
Theo đại biểu, phạm trù giao thông là một thể thống nhất, có quan hệ biện chứng với nhau, không thể tách rời cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông. “Bảo đảm an toàn giao thông là một mục tiêu mà chúng ta hướng tới chứ không phải là đối tượng cần có luật điều chỉnh”, đại biểu Hận nói…
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau |
Về chuyển nhiệm vụ quản lý sát hạch, đào tạo giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông sang Bộ Công an, đại biểu Hận nói: “Ai dám bảo đảm khẳng định và chịu trách nhiệm cá nhân khi chuyển nhiệm vụ sang Bộ Công an thì không có giấy phép lái xe giả, tai nạn giao thông giảm trong khi giấy tờ của ngành công an cấp cũng có trường hợp giả như hộ chiếu, CMND”.
Cũng theo đại biểu đoàn Cà Mau, không nên hình sự hóa các vấn đề dân sự, không nên tập trung quá quyền lực vào một số cơ quan đơn vị, vì như thế dễ sinh ra lạm quyền, đặc quyền, đặc lợi. Thực tế, thời gian qua có nhiều đối tượng giả danh cán bộ ngành này ngành khác để lừa đảo gây bức xúc trong xã hội hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để che giấu.
“Tôi rất hoan nghênh, cảm kích ngành Công an dù các đồng chí bận trăm công ngàn việc mà toàn là những việc quan trọng nhưng không ngại khó khăn mà vẫn gánh vác thêm nhiều trọng trách trong xã hội”, đại biểu nói.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) cho biết, hiện nay ông chưa quan tâm nhiều lắm đến việc tách luật hay không tách luật. Vấn đề đại biểu quan tâm nhất hiện nay là mỗi ngày có gần 30 người bị chết về tai nạn giao thông. Theo đại biểu, chiến tranh cũng không gây thiệt hại lớn đến như vậy.
“Vấn đề cần kíp nhất hiện nay là làm sao giảm được con số này. Và ai phải chịu trách nhiệm khi tai nạn chết người gia tăng. Bộ Công an có cam kết khi tách luật ra thì có giảm được tai nạn giao thông không?”, đại biểu Hà nói và cho rằng nếu không tách ra thì “bê nguyên” việc đảm bảo an toàn giao thông vào Luật Giao thông đường bộ.
Còn theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa mục đích tối cao và linh hồn của Luật Giao thông đường bộ là tạo ra khung pháp lý đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân. “Chính vì vậy, mà tôi chưa đồng ý với việc tách luật. Còn nếu Luật Giao thông đường bộ có khiếm khuyết thì bổ sung luật, sửa đổi luật”, ông Nghĩa nói.
Theo Dân trí
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng