Tạo niềm tin từ khu vực tư nhân
PV: Ông có nhận xét gì về mục tiêu và giải pháp của Nghị quyết 55 là ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để, hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường?
Ông Hà Đăng Sơn |
Ông Hà Đăng Sơn: Việc thúc đẩy đầu tư cho các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) sẽ giúp cân bằng cơ cấu nguồn điện, tăng cường khả năng tự chủ về nguồn cung năng lượng, cải thiện các vấn đề về môi trường trong công nghiệp điện năng.
Còn việc tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, ngoài tác dụng giúp giảm chi phí năng lượng còn có tác động tích cực thúc đẩy việc nâng tỷ trọng NLTT trong cơ cấu nguồn điện, như nhiều nghiên cứu của các tổ chức quốc tế uy tín (IEA, NREL, IRENA) đã chỉ rõ.
PV: Ông đánh giá như thế nào về khả năng phát triển NLTT ở Việt Nam?
Ông Hà Đăng Sơn: Theo tôi, điện gió, đặc biệt là điện gió xa bờ (offshore) và điện mặt trời áp mái còn dư địa rất lớn để phát triển. Dù danh mục dự án điện mặt trời xin bổ sung quy hoạch vẫn còn khá lớn nhưng các vấn đề về sử dụng đất cho dự án điện mặt trời, cũng như các dịch vụ phụ trợ liên quan, sẽ là rào cản khiến đầu tư cho điện mặt trời chậm lại.
PV: Nghị quyết 55 xác định tỷ lệ các nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng
15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045. Theo ông, cần phải làm gì để hiện thực hóa mục tiêu đó?
Ông Hà Đăng Sơn: Để đạt được mục tiêu đó, cần xác định cơ cấu vốn đầu tư phải có sự tham gia của cả nguồn vốn công và nguồn vốn tư nhân, do đó cần có tầm nhìn và cam kết dài hạn về chính sách, đặc biệt là chính sách giá điện; có lộ trình triển khai rõ ràng, minh bạch trong xây dựng các quy hoạch liên quan; định hướng phát triển và làm chủ công nghệ, nội địa hóa trong lĩnh vực khoa học công nghệ NLTT.
PV: Ông có thể giải thích thêm về việc ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý của Nghị quyết 55?
Ông Hà Đăng Sơn: Các dự án điện gió, điện mặt trời mặc dù có những lợi thế về chi phí vận hành rất thấp, chi phí đầu tư đang giảm dần, tác động môi trường không lớn, tuy nhiên lại có thể gây ra những tác động về chất lượng điện năng do tính bất ổn định cũng như hạn chế khả năng cung cấp vào một số giờ nhất định. Do cần hỗ trợ bởi các dạng nguồn khác (thủy điện, điện khí hay pin lưu trữ), đồng thời do hiệu quả truyền tải không cao (nếu chỉ đấu nối vào một tuyến độc lập thì tổng điện năng truyền tải chỉ tương đương 1/3 nguồn truyền thống) nên chi phí thực tế sẽ bị đội lên và phải bù đắp bằng ngân sách (trường hợp trợ giá thông qua giá FIT) hoặc bù chéo từ các nguồn truyền thống.
Các dự án điện mặt trời trên mặt hồ thủy điện có ưu thế là hiệu quả phát điện cao hơn, ít chiếm dụng đất, đồng thời có thể điều độ phối hợp giữa 2 loại nguồn điện để ưu tiên trữ nước khi điện mặt trời phát ở mức công suất cao |
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên tận dụng nguồn nắng để phát triển điện mặt trời áp mái thay vì đầu tư các trang trại điện mặt trời quy mô lớn. Quan điểm của ông thế nào?
Ông Hà Đăng Sơn: Xin nhắc lại trường hợp của nước Đức với 70% nguồn điện mặt trời là từ các dự án điện mặt trời áp mái. Nguồn NLTT tái tạo là nguồn phân tán, nên cũng cần ưu tiên giải quyết các bài toán cân bằng phụ tải. Các dự án điện mặt trời trên mặt hồ thủy điện có ưu thế là hiệu quả phát điện cao hơn, ít chiếm dụng đất, đồng thời có thể điều độ phối hợp giữa 2 loại nguồn điện để ưu tiên trữ nước khi điện mặt trời phát ở mức công suất cao.
Đầu tư cho các nguồn năng lượng tái tạo sẽ giúp cân bằng cơ cấu nguồn điện |
PV: Thưa ông, việc cơ cấu lại các ngành tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài (FDI), khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng, liệu có ảnh hưởng đến việc thu hút vốn FDI?
Ông Hà Đăng Sơn: Đây cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia, trong đó có tôi. Đây là cơ hội để điều chỉnh lại chính sách thu hút vốn FDI - vốn dĩ là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP trong thời gian qua - để có thể chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
PV: Có ý kiến cho rằng cần phải sửa Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có chế tài mạnh hơn thay vì “khuyến khích” như hiện nay. Ý kiến của ông thế nào?
Ông Hà Đăng Sơn: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành từ gần 10 năm trước (năm 2010) và đây là thời điểm phù hợp để rà soát, đánh giá và điều chỉnh luật này.
PV: Theo ông, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần phải làm gì để có thể thực hiện tốt nhất yêu cầu Nghị quyết 55?
Ông Hà Đăng Sơn: Cần phối hợp thông suốt liên bộ, liên ngành và chia sẻ thông tin để việc xây dựng chính sách đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, vấn đề minh bạch trong xây dựng và thực thi chính sách cũng sẽ giúp tạo niềm tin từ khu vực tư nhân để huy động được nguồn lực rất lớn cho phát triển năng lượng bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia như Nghị quyết 55 đã nêu.
PV: Xin cảm ơn ông
Nguyễn Long
-
Vai trò của lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững
-
Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN
-
Nhà đầu tư "loay hoay" huy động vốn cho dự án năng lượng tái tạo
-
Nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho các nghề nặng nhọc, nguy hiểm
-
Smart Banking 2024: Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng