Tăng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu
Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, nhận định, DN trong nước đa phần là nhỏ và vừa, mặt bằng sản xuất kinh doanh còn hạn chế, vốn ít, thường phát triển tự lực và tự phát theo ngành đăng ký kinh doanh mà không theo định hướng chiến lược chung. Do đó, các DN chủ yếu xuất khẩu theo những đơn hàng nhỏ lẻ, không có hàm lượng công nghệ cao. Cũng do tiềm lực hạn chế, các DN không có điều kiện để tập trung cho đầu tư, phát triển nên hầu như chỉ xuất khẩu những sản phẩm thô, hoặc sản phẩm mang tính lắp ráp, gia công, giá trị gia tăng không cao.
Nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của nước ta |
Điều đó cũng lý giải vì sao trong những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng vượt bậc nhưng động lực tăng trưởng chủ yếu vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI. Tuy nhiên, khối DN FDI lại không tạo được hiệu ứng lan tỏa để kéo các DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị nên các DN nội trong nhiều năm liền chỉ đóng góp với tỷ lệ khiêm tốn chưa đầy 30% tổng giá trị xuất khẩu.
Không chỉ yếu thế trước các DN FDI, các DN nội cũng gặp khó khăn trong cạnh tranh xuất khẩu với các DN cùng ngành hàng trên thế giới. Nguyên nhân lớn nhất là công nghiệp hỗ trợ ở nước ta chưa phát triển nên các DN sản xuất hàng xuất khẩu phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu từ nước ngoài.
Ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng cơ khí thương mại Đại Dũng, chỉ rõ, điểm mạnh của đối thủ xuất khẩu trên thế giới là họ có nguồn cung nguyên vật liệu trong nước nên không phải chịu các chi phí logictics, thuế nhập khẩu nguyên vật liệu…; họ có nguồn vốn lớn, thương hiệu mạnh, có vị thế trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, họ có quy trình sản xuất hoàn thiện, thiết bị tiên tiến, nên chi phí sản xuất thấp, năng suất lao động cao. Trong khi các DN xuất khẩu của Việt Nam phần lớn là DN thế hệ F1, nguyên vật liệu phụ thuộc vào nhập khẩu; chi phí vận chuyển, logictics, phải chịu lãi suất vay vốn ngân hàng cao, kinh nghiệm quản lý yếu; máy móc, công nghệ lạc hậu…
Để nâng cao năng lực cạnh cho DN xuất khẩu, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra các giải pháp nâng cao năng lực của DN sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt DN nhỏ và vừa bằng việc tập trung xây dựng các chính sách hỗ trợ DN đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ và quy trình sản xuất sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, nhằm nhanh chóng chuyển sang phương thức sản xuất và phương thức quản trị tiên tiến theo các hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan, ban ngành liên quan, khuyến khích, tạo thuận lợi cho DN tăng cường các mối liên kết trong tất cả các khâu; hỗ trợ DN về thông tin thị trường và xúc tiến thương mại thông qua phát triển hệ thống thông tin thương mại thị trường và tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường; hỗ trợ DN trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cung cấp thông tin tư vấn và hỗ trợ pháp lý liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu cho DN…
Hy vọng các DN xuất khẩu nói chung và DN Việt Nam nói riêng có thể tận dụng được cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của nước ta tăng trưởng bền vững.
DN xuất khẩu của Việt Nam phần lớn là DN thế hệ F1, nguyên vật liệu phụ thuộc vào nhập khẩu; chi phí vận chuyển, logictics phải chịu lãi suất vay vốn ngân hàng cao, kinh nghiệm quản lý yếu; máy móc, công nghệ lạc hậu… |
Thanh Hồ
-
Tin tức kinh tế ngày 26/10: Nợ nước ngoài của Chính phủ giảm nhanh
-
Cước vận tải biển tăng cao, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần làm gì?
-
Tin tức kinh tế ngày 21/7: Lãi suất vay mua nhà tăng trở lại
-
Khởi nghiệp nông nghiệp xanh: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp
-
Tin tức kinh tế ngày 15/6: Nhiều đường bay ế khách dù trong cao điểm hè