Tân Thuận - IPC ra sao dưới sự điều hành của ông Phạm Phú Quốc?
Vào đầu tháng 12/2019, Uỷ ban Nhân dân TPHCM đã ra quyết định điều động và bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc giữ chức vụ Thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Tại thời điểm bổ nhiệm, ông Phạm Phú Quốc là Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM. Cũng theo quyết định này của UBND TPHCM thì ông Quốc sẽ giữ chức vụ điều hành Tân Thuận - IPC trong vòng 5 năm.
Ông Phạm Phú Quốc (trái) nhận quyết định điều động về làm Tổng giám đốc Tân Thuận - IPC |
Trước đó, ông Quốc từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại Tổng công ty Bến Thành, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM. Ông Quốc đang là đại biểu Quốc hội khoá XIV nhiệm kỳ 2016-2020 thuộc đoàn TPHCM.
Tại Tân Thuận - IPC, ông Phạm Phú Quốc đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc thay cho ông Tề Trí Dũng bị khởi tố và bắt giam hồi tháng 5/2019 do cáo buộc tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Doanh thu “không thấm là bao” so với lợi nhuận!
Tân Thuận - IPC mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy mặc dù cũng bị tác động bởi dịch Covid-19 nhưng nguồn lợi nhuận thu về của Tân Thuận - IPC lại không dựa vào doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ mà đến từ… các nguồn khác. Điều này dẫn đến một thực tế rất thú vị là doanh thu thuần của Tân Thuận - IPC lại “không thấm là bao” so với lợi nhuận.
Cụ thể, trong quý 2 vừa rồi, doanh thu thuần của Tân Thuận - IPC đạt 9,85 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ so với quý 1. Lãi gộp đạt 6,12 tỷ đồng, giảm 16,6% so với quý đầu năm. Doanh thu hoạt động tài chính ngược lại tăng gần 41% lên 20,33 tỷ đồng.
Chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều tăng nhẹ, dù vậy, với sự cải thiện mạnh ở doanh thu hoạt động tài chính nên trong quý 2, công ty này ghi nhận có 20,95 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng 43,1% so quý trước.
Ngoài ra, trong quý vừa rồi, Tân Thuận - IPC có nguồn thu nhập khác tăng đột biến lên 616,48 tỷ đồng, tăng gấp 22,3 lần quý 1. Theo đó, lợi nhuận kế toán trước thuế tăng lên 637,43 tỷ đồng, tăng gấp 15 lần quý 1/2020. Lãi trước thuế đạt 624 tỷ đồng trong quý 2, tăng gấp 16 lần quý trước.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 19,71 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 10,1% so với nửa đầu năm 2019.
Do có sự cải thiện trong quý 2 so với quý 1 nên nửa đầu năm, chỉ tiêu doanh thu hoạt động tài chính của Tân Thuận - IPC tăng 1,4 lần so với cùng kỳ, đạt gần 49 tỷ đồng. Nguồn thu hoạt động tài chính chủ yếu từ lãi tiền gửi.
Tại ngày 30/6/2020, Tân Thuận - IPC có tổng cộng 306,3 tỷ đồng tiền mặt, tăng gần 219 tỷ đồng so với đầu năm.
Thu nhập khác trong nửa đầu năm ghi nhận đạt 644,15 tỷ đồng, bằng 93,3% cùng kỳ. Khoản này chủ yếu là lợi nhuận được chia từ Công ty TNHH PT Phú Mỹ Hưng (456,8 tỷ đồng); Công ty TNHH Tân Thuận (114,15 tỷ đồng); Công ty TNHH Sepzone Linh Trung (27,63 tỷ đồng).
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Tân Thuận - IPC không phát sinh lợi nhuận được chia từ Công CP Long Hậu, Công ty CP PT Nam Sài Gòn và Công ty CP TMDV Hiệp Tân nhưng lại phát sinh khoản quỹ tiền lương còn lại từ năm 2018 là 45,3 tỷ đồng.
Thu nhập khác trong nửa đầu năm 2020 xấp xỉ cả năm 2019 |
Kết quả, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế 6 tháng đầu năm tăng đáng kể, gấp 3,2 lần cùng kỳ lên 679,73 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt xấp xỉ 663 tỷ đồng, tăng 3,2%.
Thu nhập bình quân của lao động hơn 25 triệu đồng/tháng
Theo báo cáo do ông Phạm Phú Quốc ký trình UBND TPHCM về chế độ tiền lương, tiền thưởng của Tân Thuận - IPC thì mức thu nhập bình quân của người lao động tại công ty này ở mức khá cao.
Cụ thể, thu nhập người lao động ở Tân Thuận - IPC đạt từ hơn 25 triệu đồng đến trên 27 triệu đồng/người/tháng (năm 2018 là 27,38 triệu đồng và năm 2019 có kế hoạch giảm xuống còn khoảng 25,06 triệu đồng/người/tháng). Năm 2020, công ty này chưa có báo cáo cụ thể.
Trong khi đó, mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý cũng đạt quan 54 triệu đồng/người/tháng. Con số thực hiện năm 2018 là 53,6 triệu đồng và kế hoạch cho năm 2019 là 54,5 triệu đồng.
Tân Thuận - IPC tiền thân là doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 2004. Đến năm 2010 thì công ty này được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận.
Ngành nghề kinh doanh của Tân Thuận - IPC là kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng làm việc, kho bãi trong khu công nghiệp, kế thừa chức năng của chương trình công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận, đối tác Việt Nam trong Công TNHH Tân Thuận và Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng.
Ngoài ra, Tân Thuận - IPC còn thực hiện các định hướng, mục tiêu chương trình, dự án đầu tư phát triển về xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng cho các khu chế xuất, khu công nghiệp và các cụm dân cư, khu đô thị mới tại TPHCM và các địa phương khác.
Theo Dân trí
-
TPHCM họp báo việc đại biểu Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch
-
Tài liệu mật rò rỉ, đại biểu “dính” nghi vấn chi triệu đô mua quốc tịch Síp
-
Bộ KH&ĐT: Không ai được cấp phép đầu tư sang Síp, kể cả ông Phạm Phú Quốc!
-
“Không có báo cáo nào của đại biểu Phạm Phú Quốc về việc có 2 quốc tịch”
-
Cựu tổng giám đốc Công ty Tân Thuận - IPC bị bắt
-
[Infographic] Ô tô nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam
-
Qatar phải cạnh tranh với các nhà cung cấp LNG linh hoạt
-
Xem xét bỏ phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Giá vàng hôm nay (22/10): Thị trường thế giới tiếp đà leo dốc
-
Giá dầu hôm nay (22/10): Dầu thô giảm trong phiên