Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Tấm lòng cao cả vì những hài nhi đoản mệnh

07:00 | 22/12/2013

Theo dõi PetroTimes trên
|
Là kết quả của tình yêu và cả sự dại dột, bị lấy ra khỏi bụng mẹ, sau đó vứt như rác thải… là số phận của những hài nhi bé bỏng đã ám ảnh Tống Viết Hiếu. Để rồi anh quyết tâm cùng mọi người tạo dựng “ngôi nhà chung” cho những số phận bị bỏ rơi… Và trong sâu thẳm, anh luôn mong mình không phải xây nhà cho những hài nhi nữa bởi các em có quyền được làm người, được hít thở không khí, nhìn ánh sáng mặt trời.

Năng lượng Mới số 284

Phận hài nhi không được làm người

Qua một vài người bạn, tôi được gặp anh Tống Viết Hiếu (SN 1964, Hương Hồ, Hương Trà, Thừa Thiên -  Huế), một trong những thành viên tích cực của nhóm Bảo vệ sự sống (Huế) ở Hà Nội, khi anh mang cô con gái duy nhất của mình ra khám bệnh. Quanh ấm trà nóng, anh kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện đớn đau về từng hài nhi bé nhỏ mà anh và mọi người gom về, đặt dưới một mái nhà chung mang tên: Nghĩa trang Thiên thần, Hương Hồ, Hương Trà, TP Huế.

Cách đây 21 năm, nhân đi thăm một người cháu đang điều trị tại Bệnh viện Huế, anh chứng kiến cảnh tượng: Ở phòng này những người thân của sản phụ đứng ngoài chờ đợi trong tâm trạng thấp thỏm lo âu. Khi tiếng khóc của đứa trẻ cất lên, gương mặt họ bừng sáng. Phòng bên kia lại là những người mẹ mang thai 3, 4 tháng xếp hàng chờ đến lượt nạo hút thai. Cùng một thời gian vậy mà số phận của những mầm sống lại hoàn toàn khác biệt nhau. Đứa thì được vui mừng chào đón, nâng niu trong vòng tay trong khi đứa khác lại bị vứt bỏ vào thùng rác.

Anh Tống Viết Hiếu bên nơi yên nghỉ của các hài nhi tại Nghĩa trang Thiên Thần (Ảnh nhân vật cung cấp)

Anh bảo, sống có nhà, chết phải có ngôi mộ. Và thế là anh cùng một vài người khác đến nơi thu gom rác của khoa sản, tìm các hài nhi bị vứt bỏ về chôn cất trên một mảnh đất chung ở quê. Anh nhớ lại, thời gian đầu nhặt các hài nhi từ thùng rác của khoa sản, về sau các lao công, y tá, thậm chí cả bác sĩ cũng giúp đỡ công việc thu gom này. Họ còn cho các anh cả thông tin về người mẹ… Bởi sau mỗi lần thu gom ấy, anh thường ghi chép lại thông tin hài nhi và mẹ trong một quyển sổ để tiện việc cha mẹ các em đến tìm con sau này.

Được hỏi, khi làm công việc này lúc đang là sinh viên (anh Hiếu học Đại học Ngoại ngữ trực thuộc Đại học Huế) anh có gặp phải sự phản đối của gia đình không. Anh mỉm cười: “Không. Mẹ tôi rất ủng hộ. Bởi bản thân tôi là đứa con ngoài giá thú. Nếu mẹ không yêu thương, trân trọng tôi, có lẽ tôi đã cùng số phận như những hài nhi kia”.

Làm việc này lúc đang là sinh viên, ngày đầu tiên, khi cầm trên tay hai hài nhi để chôn cất, anh vô cùng sợ hãi. Lúc đầu chỉ là 2 hai nhi trong một nấm mộ, đến nay có ngôi mộ lên tới 80 hài nhi (vài ngày mới chôn cất các hài nhi một lần). Bởi số lượng thai nhi bị bỏ ngày càng lớn. Theo anh Hiếu, đến nay nghĩa trang Thiên Thần đã chôn cất gần 50 ngàn hài nhi. Hàng ngàn hài nhi là hàng ngàn câu chuyện buồn đi kèm. “Nhiều hài nhi đã đầy đủ bộ phận của con người, nhưng vẫn bị lấy ra khỏi bụng mẹ. Có trường hợp, hài nhi vẫn thoi thóp thở, sau đó lạnh dần trên tay mình. Các hài nhi này được bác sĩ bọc trong nước đá, khi mình mở gói ra, nước đá khiến tay lạnh, người cũng lạnh luôn vì sự kinh hoàng vượt sức tưởng tượng. Nhìn cảnh ấy, thương lắm. Cùng là mầm sống, vậy mà…”, anh Hiếu tâm sự. “Tiếc nhất là mấy trường hợp các hài nhi 7, 8 tháng. Bị kích thích đẻ non để đưa ra khỏi cơ thể mẹ, các bé vẫn thoi thóp sống, nếu được cấp cứu kịp thời, có lẽ các bé cũng thành người”.

Ước mong nhỏ bé

Hướng ánh mắt về phía xa xăm, anh Hiếu tiếp lời: “Từ ngày làm công việc này, rất nhiều cha mẹ của các hài nhi bị bỏ rơi đến tìm anh để xem đứa con mình bỏ có được chôn cất không. Đa phần đều là sinh viên. Chúng tâm sự vì sống xa nhà, buồn vì thiếu thốn tình cảm, từ đó chúng tìm đến nhau. Phần khác là do ảnh hưởng của phim ảnh, mạng Internet… Để rồi khi có thai chúng chỉ biết giải pháp phá thai, nghe chúng nói, mình thấy đau lòng quá”. Thế nên, ngay ở trường, mỗi khi đến giờ ra chơi, anh thường quây quần bên học sinh của mình, dạy các bài học về giới tính, đồng thời dạy cho học sinh cách sống yêu thương, trân trọng những gì mình đang có và đừng làm gì sai trái để sau này phải hối hận.

Ngoài những người mẹ đến khóc lóc, xót thương cho lỗi lầm bỏ con, còn có những người bố đến khóc thương cho đứa con chưa kịp chào đời. Cách đây không lâu, có một người bố, sau 14 năm bỏ con đã quay lại gặp anh Hiếu xem đứa con ngày ấy của mình được chôn trong nấm mộ nào. Ngày bỏ đứa con, người bố và người mẹ hài nhi ấy đang là sinh viên năm nhất, Đại học Huế. Sống xa nhà, hai người vượt qua giới hạn, cô bạn gái có thai. Để thực hiện ước mơ đại học đang còn dang dở, hai người quyết định phá thai. Sau khi ra trường, hai người chia tay nhau, mỗi người đi một ngả. Người con trai vào Sài Gòn lập nghiệp nhưng anh luôn bị ám ảnh của quá khứ, thôi thúc anh phải tìm về, thắp nén nhang cho đứa con đầu tiên của mình. Vừa thắp hương, cậu ấy vừa khóc. Tình yêu phải đi liền với trách nhiệm, mình chỉ biết sống cho bản thân mình, không nghĩ đến người khác, cuộc đời không bao giờ được thanh thản, luôn sống trong tâm trạng bất an.

Quá nhiều hài nhi bị vứt bỏ, anh Hiếu và mọi người cảm thấy cho các em hài nhi đoản mệnh một nấm mộ không quan trọng bằng cho các em sự sống. Thế nên, vừa thu thập các hài nhi bị phá bỏ về chôn cất, anh cùng mọi người đi vận động những người lầm lỡ đừng phá thai. Cho đến nay, có hơn 1.000 trường hợp các bé được giữ lại. Có những hài nhi ngày nào nay đã trở thành thầy giáo, cô giáo, thành những người có ích cho xã hội. Khi vận động những người mẹ lầm lỡ giữ lại con, anh phải lập thêm nhóm nuôi em bé, sau đó tìm những gia đình muốn nhận xin con nuôi để cho họ. Trước khi cho con nuôi, các anh phải tìm hiểu thật kỹ những gia đình có nhu cầu để các bé có một gia đình thực sự, không phải mồ côi lần thứ hai. Đặc biệt, các anh nghiêm cấm và ngăn chặn mọi hành vi cho người nước ngoài nhận con nuôi.

Có trường hợp sau khi bỏ đứa con đi, người mẹ mang đứa con đến đặt ở nghĩa trang rồi gọi điện cho anh để hỏi xem anh nhận được chưa. Anh giật mình bảo chưa, người mẹ ấy vội vã phi xe máy vượt mấy chục cây số xem đứa con của mình được chôn cất chưa. Đến nơi, nhìn gương mặt trắng bệch vì mất máu của người mẹ trẻ ấy, anh chỉ biết thở dài, thương cảm. Cô gái ấy thương xót đứa con của mình nhưng không đủ dũng khí sinh con. “Giờ tôi chỉ mong sao những hài nhi sẽ được làm người”.

Nghĩa trang hài nhi lớn nhất cả nước

Nghĩa trang Anh Hài (Thiên Thần) thuộc địa phận xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hơn 45 nghìn hài nhi bị cha mẹ bỏ rơi từ khi chưa lọt lòng hiện đang yên nghỉ tại đây.

Nơi này được coi là nghĩa trang hài nhi hình thành sớm (ngày 2/2/1992) và lớn nhất ở Việt Nam. Vì 1 tuần đến 2 tuần mới chôn cất một lần, thế nên mỗi ngôi mộ nhỏ trong nghĩa trang Thiên Thần chứa trung bình 40-50 hài nhi. Để các hài nhi có một ngày sum vầy, mọi người nhất trí lấy ngày 1/11 làm ngày giỗ chung cho các bé. Vào ngày này, trên mỗi nấm mộ sẽ có một nén nhang, một cành hoa và lời cầu nguyện. Đây cũng là dịp để cha mẹ các bé về tạ lỗi với đứa con mà mình đã bỏ.

Ngoài các thành viên sáng lập ra nghĩa trang, các sinh linh yên nghỉ nơi đây nhận được sự thăm nom, chăm sóc của các em học sinh và cha mẹ của chính mình. Những giọt nước mắt rơi, những vần thơ, dòng tâm sự, niềm hối hận được ghi trên cuốn sổ ghi chép của nghĩa trang khiến người đọc xót xa, đau đớn. Thế nên chỉ cần nhìn trên tay người nào có bông hoa trắng, nén nhang, người dân nơi đây đều biết điểm đến là đâu, để rồi họ sẵn sàng chỉ đến tận nơi. Trong khi trước kia họ phản đối kịch liệt vì “mang ma về làng”.


Ngọc Diệp