Hài nhi ở Đông Anh không hề mất tích?
Theo như câu chuyện ban đầu được gia đình chị Lê Thị Lâm (huyện Mê Linh, Hà Nội) kể, thì đứa trẻ chị sinh ra trong nhà tạm giữ của Công an (CA) huyện Đông Anh đã mất tích. Một số báo chí đã coi đây là một “kỳ án” với sự tắc trách của những cán bộ, chiến sĩ công an, khiến một đứa trẻ vừa mới lọt lòng đã tuột khỏi vòng tay người mẹ. Sự vô trách nhiệm được quy kết cho CA huyện Đông Anh. Tuy nhiên, khi PC44 – CATP Hà Nội tiến hành kiểm tra lại thông tin này, thì sự thật lại hoàn toàn khác…
Bắt đầu từ một vụ “ép nhận con”
Vụ việc bắt đầu từ ngày 29/6/2011, CA huyện Đông Anh nhận được đơn của ông Lê Xuân Lượng, trú tại Thái Lai, Tiến Thắng, Mê Linh, Hà Nội (do phóng viên báo Lao động chuyển) trình bày về việc: Lê Thị Lâm (con gái ông Lượng) bị CA huyện Đông Anh bắt, tạm giữ, sau khi sinh con trong lúc bị tạm giữ thì bị mất con tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh. Ngay sau khi nhận được đơn do phóng viên chuyển đến, CA huyện Đông Anh đã tổ chức xác minh làm rõ. Trong quá trình xác minh, ngày 30/6/2011 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Báo Gia đình & Xã hội… có đăng một số bài với tiêu đề: “Sự mất tích bí hiểm của đứa trẻ bị đẻ rơi trong nhà tạm giữ” và “Kỳ án” cô công nhân nhà máy gạch với nội dung: Lê Thị Lâm đẻ rơi trong nhà tạm giữ, không có ai chăm sóc và bị mất con tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh. Tuy nhiên, kết quả điều tra vụ án cướp tài sản và kết quả xác minh tin báo, có lẽ sẽ khiến những người từng nắm thông tin theo những bài báo trên “ngã ngửa”.
Theo đó, ngày 6/2/2011, Công an thị trấn Đông Anh nhận được đơn của anh Trần Văn Quang (trú tại thị trấn Đông Anh) trình báo về việc: Hồi 22h30 ngày 4/2/2011, Lê Thị Lâm kéo người nhà và một nhóm đối tượng đến nơi ở của gia đình anh, đe dọa, hành hung, cướp đi một xe máy và 2 điện thoại di động, tổng trị giá 21.650.000 đồng.
Được biết, anh Trần Văn Quang và Lê Thị Lâm (trú tại huyện Mê Linh, Hà Nội) làm cùng ở nhà máy gạch 382 Đông Anh có quan hệ tình cảm từ tháng 6/2010. Tháng 1/2011, bị can Lâm có thai và bỏ việc, về quê. Lâm kể cho gia đình biết về mối quan hệ tình cảm với anh Quang. Do đó, 20h30 ngày 4/2/2011 (tức mùng 2 tết), Nguyễn Thị Hà (trú tại Đông Anh, Hà Nội) rủ Lê Văn Sơn, Lê Xuân Hải (trú tại Mê Linh, Hà Nội) và Lê Thị Hường (trú tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cùng Lê Thị Lâm đến nhà anh Quang để bắt anh Quang đưa tiền cho Lâm đi phá thai.
Đến khu tập thể nhà anh Quang thì Sơn, Hường và Hải đứng ngoài chờ, còn Hà và Lâm vào nhà gặp anh Quang và chị Nguyễn Thị Huyền (vợ anh Quang). Hà nói cho chị Huyền biết việc anh Quang có quan hệ bất chính dẫn đến việc em chồng mình có thai và yêu cầu anh Quang phải có trách nhiệm. Anh Quang không chịu thừa nhận có quan hệ với Lâm nên Hà và Lâm bảo Sơn, Hải và Hường gọi thêm người đến gây sức ép, bắt anh Quang nộp phạt. Hà còn đe dọa anh Quang: Nếu anh không nhận cái thai của anh thì từ nay trở đi xảy ra chuyện gì vợ chồng anh, chị hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Sau đó, Hà điện thoại gọi Nguyễn Hữu Đông và Nguyễn Tuấn Anh (trú tại Đông Anh, Hà Nội) đến hỗ trợ. Tuấn Anh rủ thêm Nguyễn Hữu Thắng (còn gọi là Thi) đi cùng. Khi Đông, Tuấn Anh và Thi đến, nghe kể lại sự việc, Thi liền gọi bạn là Nguyễn Anh Tuấn (cũng trú tại Đông Anh) để nhờ Tuấn giúp. Tuấn đồng ý cùng với Lâm, Hường, Sơn, Hải, Đông, Tuấn Anh, Hà và Thi vào nhà anh Quang. Tại đây, Tuấn, Lâm, Hà và đồng bọn đe dọa ép anh Quang viết đơn ly dị chị Huyền để cưới Lâm. Bị can Hường và Lâm bắt anh Quang nộp phạt 50 triệu đồng để Lâm đi phá thai. Anh Quang bị đe dọa nên thừa nhận có quan hệ với Lâm, vợ chồng anh không có tiền, nhưng hứa sẽ có trách nhiệm sau khi Lâm sinh đẻ. Tuy nhiên Hường, Sơn, Lâm không đồng ý mà bắt anh Quang phải nộp tiền ngay.
Trong lúc này, Nguyễn Tiến và Nguyễn Văn Tình đang ăn cơm tại nhà Tuấn, thấy Tuấn đi lâu không về nên Đức đến khu tập thể nhà anh Quang tìm. Khi đến nơi, Đức thấy Tuấn đang cùng một số người trong gia đình Lâm đe dọa bắt anh Quang nộp phạt. Đức xông vào đạp vào mặt anh Quang rồi đi ra ngoài gọi điện thoại cho Tình đến hỗ trợ. Tình đến ngay, với một con dao Thái Lan lấy trong bếp nhà Tuấn. Nghe ngọn ngành câu chuyện, Tình rút dao ra đập xuống đất đe đọa anh Quang khiến anh này phải viết giấy bán chiếc xe máy HONDA Wave RSX, BKS: 38P1-9416 của vợ chồng mình cho Lâm, chiếc xe được định giá là 20 triệu đồng. Phát hiện 2 chiếc điện thoại di động của vợ chồng anh Quang để trên mặt tủ, nhóm đối tượng này cũng “tịch thu” luôn.
Biết hành vi của mình và đồng phạm là vi phạm pháp luật, ngày 6/2/2011, các bị can Tuấn, Sơn, Tuấn Anh và Đông mang chiếc xe máy và 2 chiếc điện thoại chiếm đoạt của gia đình anh Quang đến nhà anh Quang trả lại. Bị can Tuấn xin lỗi và bảo anh Quang rút đơn trình báo. Sau khi trả lại tài sản, Sơn vẫn bắt anh Quang viết giấy nợ Lâm 20 triệu đồng.
Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, ngày 11/2/2011 Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Anh quyết định khởi tố vụ án hình sự, bắt khẩn cấp và quyết định tạm giữ đối với Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Tiến Đức và Nguyễn Hữu Thắng (tức Thi). Ngày 14/2/2011, bị can Lê Thị Lâm đến CA huyện Đông Anh đầu thú, Cơ quan điều tra quyết định tạm giữ hình sự đối với Lê Thị Lâm về hành vi cướp tài sản theo khoản 2, Điều 133, BLHS. Ngày 16/2/2011, Cơ quan CSĐT CA huyện Đông Anh đã quyết định khởi tố bị can đối với Lê Thị Lâm, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Tiến Đức và Nguyễn Hữu Thắng (VKSND huyện Đông Anh đã phê chuẩn các Quyết định tố tụng của Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Anh).
Bị can chuyển dạ trong nhà tạm giữ
Khoảng 12h30 ngày 16/2/2011, Lê Thị Lâm có dấu hiệu chuyển dạ sinh con trong buồng tạm giữ. CA huyện Đông Anh đã đề nghị Bệnh viện Đa khoa Đông Anh cử nữ hộ sinh và bác sĩ đến nhà tạm giữ của CA huyện đỡ đẻ. Và Lê Thị Lâm đã sinh con trai, nặng 3,2kg. Sản phụ Lâm và trẻ sơ sinh hoàn toàn khỏe mạnh. Ngay sau đó, CA huyện cùng bác sĩ đã chuyển ngay Lâm và đứa trẻ sơ sinh đến Khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa Đông Anh điều dưỡng. Ngay trong ngày 16/2/2011, Cơ quan CSĐT CA huyện Đông Anh đã quyết định hủy bỏ tạm giữ, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Thị Lâm. Trong khi gia đình Lâm chưa đến chăm sóc người thân, CA huyện Đông Anh đã phân công cán bộ, chiến sĩ chăm sóc và mua các vật dụng cần thiết cho hai mẹ con, cử cán bộ nữ phối hợp với bệnh viện chăm sóc chu đáo cho mẹ con Lâm. Đến 20h cùng ngày người nhà Lê Thị Lâm đã đến bệnh viện tiếp nhận trông nom.
Trong thời gian Lâm tại ngoại, CA huyện Đông Anh không nhận được bất kỳ ý kiến thắc mắc, đề nghị gì của Lâm và gia đình liên quan đến việc khởi tố, tạm giữ cũng như việc sinh nở, nuôi dưỡng cháu nhỏ. Bản thân Lâm không nuôi con nhỏ, không chấp hành giấy triệu tập, gây cản trở hoạt động điều tra. Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra, ngày 16/2/2011, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Anh có công văn đề nghị VKSND huyện Đông Anh hủy bỏ tạm giữ, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Hà và ra lệnh tạm giam các bị can Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Tiến Đức và Nguyễn Hữu Thắng (tức Thi). Ngày 7/6/2011, Cơ quan CSĐT CA huyện Đông Anh tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam bị can Lê Thị Hường. Bị can Nguyễn Hữu Đông và Lê Văn Sơn bỏ trốn, ngày 23/6/2011 Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Anh ra Quyết định truy nã và gia hạn điều tra vụ án, hoàn chỉnh hồ sơ truy tố các bị can trước pháp luật.
Sự thật nằm ở một “lối rẽ” khác
Sau khi nhận được đơn của ông Lượng, CA huyện Đông Anh đã xác minh, xác định cháu bé (con Lê Thị Lâm) được Lâm giao cho một đôi vợ chồng sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu nhận làm con nuôi. Cháu nhỏ đã được khai sinh và hiện ở với bố mẹ nuôi tại tỉnh Phú Thọ. Việc giao nhận con nuôi này đã được thỏa thuận kể từ khi Lâm còn đang mang thai cháu bé và khi bố mẹ nuôi đến đón cháu cũng hoàn toàn có sự đồng thuận của cả gia đình Lâm.
Trả lời phóng viên Báo Năng lượng Mới, đại diện CA huyện Đông Anh khẳng định: Việc tiếp nhận tố giác tội phạm, xác minh và khởi tố vụ án hình sự cướp tài sản, xảy ra tại khu tập thể nhà máy gạch 382 thị trấn Đông Anh (nhà anh Quang) là có căn cứ, đúng pháp luật. Việc áp dụng biện pháp tạm giữ khi Lâm ra đầu thú là cần thiết cho việc điều tra và đúng với quy định của khoản 1, Điều 86, Bộ luật Tố tụng hình sự.
CA huyện Đông Anh đang tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ, khẩn trương kết thúc điều tra, sớm truy tố, xét xử bị can Lê Thị Lâm và đồng phạm trước pháp luật để răn đe tội phạm và ổn định tình hình ANTT ở địa phương.
Phòng PC44 – CATP Hà Nội cũng nhận định, việc báo chí đăng thông tin về việc cháu bé con chị Lâm bị mất tích là không đúng sự thật, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của CA huyện Đông Anh. Đồng thời kiến nghị cơ quan chủ quản của các báo đã đăng tin sai sự thật để cải chính và rút kinh nghiệm về việc này.
Huyền Trang
Theo Năng lượng Mới
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”