Tại sao giá dầu cao trong bối cảnh lây lan rộng biến chủng Omicron?
Ảnh Mỏ Bạch Hổ. Tác giả: Nguyễn Chính Tiến. |
Một số lý do khác đi kèm gồm: rủi ro từ việc phong tỏa, kiểm soát đi lại giảm xuống. Điều này mang lại cho những người chơi trên thị trường niềm tin nhất định vào tương lai của nền kinh tế thế giới.
Nguyên nhân tăng giá
Số trường hợp nhiễm biến chủng Omicron đã đạt đỉnh điểm và đang giảm nhanh chóng ở nhiều quốc gia, cũng như tại nhiều tiểu bang của Mỹ, đồng thời tại đây không ghi nhận sự gia tăng cao về số ca tử vong. Các chuyên gia của công ty BCS Global Markets cho biết, những người tham gia thị trường đang bắt đầu đặt nền móng cho sự phục hồi gần như hoàn toàn về nhu cầu dầu toàn cầu vào cuối năm 2022.
Nguy cơ đóng cửa, kiểm soát đi lại do biến chủng Omicron đã giảm xuống. Chuyên gia Dmitry Marinchenko của Fitch Ratings cho rằng, bản thân biến chủng Omicron ít nguy hiểm hơn biến chủng Delta. Điều này khiến những người tham gia thị trường có thái độ lạc quan hơn.
Một số chuyên gia Nga nhận định, dầu thô vẫn đang tăng giá trong bối cảnh OPEC+ giữ đúng kế hoạch tăng sản lượng đã đề ra nhằm đạt được trạng thái thặng dư trên thị trường vật lý. Lý do chính cho việc giá dầu tăng là sự kỳ vọng kinh tế tiếp tục được cải thiện tại Đức và Mỹ, cũng như lạm phát toàn cầu đang ở mức cao đã góp phần vào tâm lý đẩy giá dầu tăng. Dẫn chứng là dữ liệu lạm phát tháng 12 vừa qua tại Mỹ đã ở mức tồi tệ hơn dự kiến. Giá dầu đã chịu áp lực tăng một phần không nhỏ bởi kỳ vọng lạm phát trong quá khứ. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị cũng đóng vai trò đáng kể, từ tình hình xung quanh đối đầu Nga - NATO cho đến các cuộc tấn công mới của các nhóm vũ trang ở Yemen nhằm vào các kho hàng ở Abu Dhabi, Trung Đông.
Theo các chuyên gia từ công ty đầu tư Otkrytie Investments, giá dầu tăng cũng xuất phát từ tâm lý lạc quan từ những người tham gia thị trường về nhu cầu ở Trung Quốc và châu Á, cũng như mức tăng trưởng yếu về sản xuất dầu thô trong liên minh OPEC+. Tổng sản lượng khai thác hiện nay trong toàn liên minh đang thấp hơn đáng kể hạn ngạch theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị cũng đóng một vai trò nhất định.
Đà tăng giá dầu sẽ kéo dài bao lâu?
Các chuyên gia Nga nhận định, thực tiễn cho thấy, thời gian diễn ra các cuộc biểu tình, nổ ra bởi các căng thẳng địa chính trị là khó dự báo trước. Khi các căng thẳng giảm bớt, thị trường một lần nữa sẽ tập trung vào các yếu tố cơ bản. Nếu điều này xảy ra trong quý I/2022, động lực của giá dầu sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ mắc Covid-19 do biến chủng Omicron gây ra và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở Trung Quốc sau Thế vận hội mùa đông sắp tới (tức sau ngày 21/02). Một số chuyên gia Nga đánh giá, giá dầu hiện đã đạt đến mức kỹ thuật quan trọng và giá dầu Brent sẽ khó có thể vượt qua vùng 88-90 USD/thùng ngay lập tức. Tiềm năng tăng giá có thể đã “cạn kiệt”. Trên thị trường hiện vẫn còn đủ công suất nhàn rỗi để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Chuyên gia Dmitry Marinchenko từ Fitch Ratings dự báo, giá dầu trung bình sẽ được giữ ở mức xấp xỉ của năm 2021, khoảng 70 USD/thùng.
Tiến Thắng
-
Kỳ I: A. Yakovlev - “Kiến trúc sư trưởng” công cuộc cải tổ nhằm xóa sổ Liên Xô khỏi bản đồ thế giới
-
Bài học Cách mạng Tháng Mười Nga trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Kỳ cuối: Ứng dụng thực tiễn của động cơ lượng tử
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines